Nếu cha mẹ muốn áp dụng các hình phạt với trẻ hãy lưu ý 8 điều dưới đây.
Khi em bé lớn lên, chúng bắt đầu thể hiện thái độ chống đối như vứt đồ đạc trong cơn giận dữ, gào khóc, cố ý chống lại mệnh lệnh của bạn,... Việc xử lý các tình huống này bằng cách kỷ luật với một đứa trẻ lớn đã khó, nhưng sẽ còn khó khăn hơn nếu bạn làm như vậy với một em bé mới biết đi - người bạn hầu như không thể lý luận hay giải thích.
Mới đây, các chuyên gia đã liệt kê một số quy tắc vàng cho cha mẹ khi áp dụng hình phạt với con như sau:
1. Kỷ luật với tình yêu
Hãy nhớ rằng, tuy bạn chọn kỷ luật con nhưng phải luôn làm điều đó với tình yêu. Vì phương pháp kỷ luật này không phải là bắt buộc con bạn cư xử theo một cách nào đó, mà là mong muốn điều tốt nhất cho con. Bởi vậy, sau khi xử lý kỷ luật, hãy ôm hôn và trấn an con bằng cách nói bạn yêu bé rất nhiều.
2. Nhất quán trong cách dạy con
Nếu bạn nghĩ rằng con bạn có một người “bảo vệ” trong nhà (có thể là ông, bà, bố…), hãy trao đổi với họ về cách dạy con bạn đang áp dụng. Bởi trẻ con rất thông minh, chúng có thể nhanh chóng tiếp cận người mà chúng thấy là có thể bảo vệ chúng tránh xa các hình phạt, lúc đó sẽ còn khó khăn hơn để bạn sửa chữa hành vi của trẻ.
3. Không đứa trẻ nào "hư"
Trẻ nhỏ có sự kiểm soát xung lực kém phát triển nhưng không bao giờ có ý nghĩ xấu với bất kỳ ai. Vì vậy, điều quan trọng cần lưu ý nhất là dù cho con bạn đang có hành vi xấu tới mức nào, con cũng không phải là một đứa trẻ "hư".
Trong thực tế, nếu bạn đang gọi con mình là "hư" hay "nghịch ngợm", bạn nên dừng lại - con có thể nghĩ rằng bạn đang cố “gán nhãn” cho hành vi của con. Thay vào đó, hãy giải thích những gì con đã làm sai.
4. Hiểu con của bạn
Trẻ em có xu hướng cư xử tồi tệ nếu cha mẹ thiếu kiên nhẫn thay vì hiểu và đáp ứng nhu cầu của chúng. Con của bạn vẫn còn nhỏ, chưa học được cách đối phó với những cảm giác chán nản, đói và mệt mỏi vì thế đôi khi chúng ta cần kiên nhẫn với con.
5. Thiết lập các quy tắc
Một số phụ huynh quá nuông chiều những hành vi xấu của con vì cho rằng con còn quá nhỏ. Tuy nhiên, con bạn càng nhỏ thì bạn càng cần nhiều quy tắc với con hơn vì nếu không giải quyết hành vi xấu của con bây giờ, rất khó để thay đổi chúng sau này.
6. Lưu ý khi sử dụng hình phạt đánh đòn
Các chuyên gia nói rằng hình phạt bằng đòn roi của người lớn có thể gây tổn hại cho trẻ em về mặt tâm lý. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra trẻ em bị đánh đòn có nguy cơ trầm cảm, lạm dụng dược chất và tức giận cao hơn.
Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ hãy thử các chiến lược kỷ luật khác trước khi dùng đòn roi, nhưng nếu bạn cảm thấy thực sự cần phải đánh đòn con thì nên nhớ đừng làm điều đó trong sự tức giận.
7. Thời gian “chờ” và trẻ mới biết đi
Đối với trẻ em từ hai tuổi trở lên, thời gian “chờ” ở các góc an toàn và yên tĩnh khi con mắc lỗi là một cách làm hiệu quả. Các chuyên gia tư vấn cha mẹ nên thiết lập nguyên tắc 1 phút, tương ứng với 1 tuổi của con. Ví dụ, một đứa trẻ hai tuổi sẽ nhận được hai phút, và một đứa trẻ bốn tuổi sẽ nhận được bốn phút.
8. Làm bé phân tâm
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể cố gắng làm phân tâm sự chú ý của con khi hờn dỗi, tức giận... bằng cách chuyển hướng nỗi khó chịu sang các hoạt động vui chơi hoặc một bài hát vui nhộn khác.