Trần Mỹ Linh nổi tiếng từ khi có 3 đứa con trai lần lượt thi đỗ vào trường đại học Standford nổi tiếng bang California ở Mỹ.
Trần Mỹ Linh - ca sỹ Hồng Kông nổi tiếng một thời từ thập niên 70 của thế kỷ trước những năm gần đây lại được người hâm mộ nhắc đến bởi 3 đứa con trai lần lượt thi đỗ vào trường đại học Standford nổi tiếng bang California ở Mỹ. Cũng vì thế mà hiện nay cô được nhắc đến với biệt danh mới “Bà mẹ Standford”.
Tiếp nối chuỗi bài “Bà mẹ Standford” - Trần Mỹ Linh chia sẻ 10 việc tuyệt đối không nên trong quá trình dạy con - mời đôc giả tiếp tục theo dõi những bí quyết dạy con đáng tham khảo của nữ ca sĩ 3 con này.
Đừng bao giờ để con ăn cơm một mình
“Ăn cơm không đơn giản chỉ là ăn để no bụng”, Trần Mỹ Linh cho rằng tốt nhất nên dành thời gian ăn cơm cùng con, thông thường thì các bé thích ăn thức ăn của bố mẹ, đây cũng là một cách để cho trẻ tập ăn được nhiều món ăn khác nhau. Chúng ta có thể tranh thủ thời gian ăn cơm để nói chuyện cùng trẻ, để chúng ta có thể hiểu con hơn, dần dần trẻ sẵn sàng chia sẻ mọi điều cùng bạn.
Không nên chọn lựa đồ ăn cho con theo sở thích mẹ
Rất nhiều bà mẹ cho rằng con của mình không kén ăn thế nhưng Trần Mỹ Linh lại cho rằng: “Nếu con không thích một món ăn nào đó thì có thể tìm một món khác để thay thế, không nhất thiết phải bắt con ăn món ăn mà con không thích”. Vì càng bắt trẻ ăn những gì mà trẻ không thích sẽ càng khiến trẻ ghét món ăn đó
Trần Mỹ Linh là nữ ca sỹ Hồng Kông nổi tiếng một thời.
Đừng quá kỳ vọng vào việc sẽ làm bạn được với con
Nghĩa vụ và trách nhiệm của bố mẹ đối với con cái bao gồm việc nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ và hỗ trợ quá trình trưởng thành của con cái, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của con. Trần Mỹ Linh nhấn mạnh: “Bố mẹ sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi trở thành bạn của con cái, bạn bè thì chưa chắc có thể hoàn toàn tin tưởng nhưng bố mẹ có thể đem đến cho bạn sự tin tưởng và sự an toàn tuyệt đối, hơn nữa bạn bè thì có thể chọn lựa nhưng bố mẹ thì không thể thay đổi."
Mối quan hệ giữa Trần Mỹ Linh và 3 cậu con trai rất tốt, họ cùng nhau chia sẻ mọi điều trong cuộc sống thế nhưng giữa họ vẫn có một “khoảng cách vô hình” nhất định chứ không vô tư như những mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa.
Không nên phân định quá rõ ràng giữa "học" và "chơi"
“Học mà chơi, chơi mà học”, bố mẹ có thể thông qua hình thức trò chơi giao bài tập cho con với mục đích giảm bớt áp lực học hành cho con để con thấy được việc học hành không quá vất vả. Trần Mỹ Linh luôn áp dụng phương pháp này trong việc giáo dục 3 cậu con trai của mình, vừa học vừa chơi nhưng kết quả cuối cùng cả 3 đều thi đỗ vào trường Standford.
Hiện nay cô được nhắc đến với biệt danh mới “Bà mẹ Standford” khi 3 đứa con trai lần lượt thi đỗ vào trường đại học Standford nổi tiếng bang California ở Mỹ.
Không nên chỉ chú trọng kết quả
Mặc dù cả 3 cậu con trai đều thi đỗ vào trường đại học Standford danh tiếng, đây là một kết quả đáng hãnh diện nhưng đối với Trần Mỹ Linh, trong quá trình phát riển và trưởng thành của các con, không nên quá coi trọng vào kết quả mà nên coi trọng cả quá trình mà các con đã trải qua để đạt được kết quả đó.
Cũng giống như khi thi đấu thể thao chúng ta chưa chắc đã thắng, nhưng quan trọng chúng ta đã có cơ hội để rèn luyện sức khỏe, giao lưu với bạn bè và có những khoảnh khắc đáng nhớ cùng bạn bè.
Không nên dùng vật chất làm phần thưởng
Nếu con bạn làm tốt một việc nào đó chỉ với mục đích nhận được một phần thưởng giá trị thì đó chưa chắc đã phải là một điều hay. Trần Mỹ Linh cho rằng: “Nếu phần thưởng con đạt được mang giá trị vật chất quá lớn, chúng sẽ nghĩ đến những yêu cầu khác lớn hơn cho những lần phấn đấu sau, khi yêu cầu và đòi hỏi quá lớn vượt quá tầm kiểm soát của bạn thì bạn sẽ rất khó xử, nếu không cho con được phần thưởng như đã hứa thì con sẽ không hoàn thành nhiệm vụ”.
Cách làm như vậy hoàn toàn sai, không nên để con trẻ nghĩ rằng hoàn thành nhiệm vụ chỉ với mục đích “nhận quà”, mà hãy để cho trẻ thực sự cảm nhận được thành công đạt được hoàn toàn do sự nỗ lực của bản thân trẻ.
Khi con khóc, nếu có thể thì hãy ôm con
Khi trẻ quấy khóc thì chúng ta có nên bế trẻ không? Trần Mỹ Linh cho rằng, đối với những cô gái khi lần đầu làm mẹ thường lúng túng mỗi khi con khóc nhưng dần dần thì họ cũng thích nghi được và biết được quy luật và nguyên nhân vì sao con khóc (Ví dụ như: khóc khi đói, khóc khi lạnh, khóc khi nóng…).
Chỉ cần tìm ra được nguyên nhân và đáp ứng được đúng nhu cầu thì trẻ sẽ nín. Còn có một trường hợp đối với những đứa trẻ bện hơi mẹ thì chúng sẽ khóc khi muốn được mẹ bế.
Điều này cũng không có gì là xấu. Khi trẻ còn bé và chưa có khả năng thể hiện mong muốn cũng như cảm xúc, việc duy nhất bé có thể làm đó là khóc. Nếu như chúng ta cố tình lờ đi không để ý thì rất dễ gây tổn thương cho con. Chính bởi vậy nếu có thể hãy ôm con nhiều hơn khi con khóc.
Quãng thời gian chúng ta được bế con không dài, có thể chúng ta sẽ vất vả hơn khi bế con nhiều hơn thế nhưng khi ngoảnh đầu nhìn lại thì đó sẽ là quãng thời gian ấm áp.