Không có đứa trẻ nào sinh ra đã ngoan, cũng không có đứa trẻ nào sinh ra đã hư. Gốc rễ của vấn đề ẩn chứa trong giáo dục gia đình.
Trong đó, người mẹ chính là linh hồn của cả gia đình, mẹ cũng là người đặt nhiều tâm huyết nhất vào tương lai của những đứa trẻ. Với các bé được dạy dỗ từ những kiểu mẫu bà mẹ dưới đây, tuổi thơ sẽ vô cùng hạnh phúc, tương lai lại càng xán lạn.
1. Mẹ biết dạy con về vai trò của việc học
Một nhà văn từng nói với con: "Mẹ yêu cầu con học tập chăm chỉ không phải chỉ mong muốn con sẽ thành công hơn những người khác, mà vì hy vọng con có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai, tìm được công việc ý nghĩa, đúng với ước mơ mà không cần phải bắt buộc làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm.
Nếu con giỏi thì con sẽ có nhiều cơ hội, nắm quyền quyết định điều con muốn. Ngược lại, con không đủ khả năng thì hãy chấp nhận cuộc đời mình bị người khác điều khiển số phận. Con muốn sở hữu thứ mà người khác không chạm tới, thì phải chấp nhận trả giá cho những nỗ lực mà người khác không thể, không có mục tiêu con sẽ không bao giờ có được hạnh phúc".
Mẹ phải cho con cái biết, học và không học thực sự là hai mặt đối lập của cuộc sống. Dù nhiều người không học nhiều vẫn thành công, nhưng họ không chiếm đa số. Và nếu có cơ hội học tập, chỉ cần biết nắm bắt, cuộc sống của con có nhiều lựa chọn.
Mẹ cũng nên nói với con rằng, bất kỳ con đường nào dẫn đến thành tựu nhất định luôn đi kèm với những khúc quanh co và đầy gian nan. Muốn đạt thành tích học tập tốt thì phải chăm chỉ, đây là trách nhiệm học tập của mỗi đứa trẻ.
Ảnh minh họa
2. Biết cởi bỏ áp lực công việc trước khi bước vào nhà
Công việc vất vả cùng những sức ép đôi khi khiến nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, trước khi bước vào nhà, người mẹ phải cởi bỏ được hết những áp lực công việc ở bên ngoài cánh cửa và phải tự nhắc nhở mình quên đi những chuyện không vui ở cơ quan. Mỗi khi về đến nhà họ sẽ bắt đầu vai trò của một người mẹ thực sự và dành nhiều thời gian cho con.
Bản thân đứa trẻ cũng muốn mẹ luôn vui vẻ với chúng, không gắt gỏng hay mắng vô cớ, đổ hết những điều không tốt lên chúng dù thực tế có thể chúng hoàn toàn vô tội hoặc chuyện cũng không quá to tát.
3. Bà mẹ có lời nói hay, khéo léo
Bạo hành bằng lời nói mặc dù không nhìn thấy vết thương trên thân thể, nhưng đám mây mù để lại trong lòng đứa trẻ rất có thể sẽ theo con cả đời. Nhiều đứa trẻ bị cha mẹ la mắng khi còn nhỏ, dù lớn lên thành đạt nhưng vẫn mang tâm lý mặc cảm, bất an trầm trọng, nhạy cảm và hay nghi ngờ.
Giao tiếp bằng ngôn ngữ là phương thức giao tiếp không thể thiếu trong gia đình, một gia đình biết ăn nói có thể mang đến cho trẻ một môi trường hòa bình và tích cực ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ tự tin và tự do phát triển bản chất của mình.
Để giúp trẻ mở lòng khi trò chuyện và tránh mâu thuẫn, mẹ cần thể hiện thái độ tôn trọng, tập trung lắng nghe và cho phép trẻ bày tỏ quan điểm cá nhân.
4. Trở thành người mẹ "không biết"
Khi trẻ làm bài tập và gặp phải bài khó, thay vì ngay lập tức nổi nóng, trách mắng trẻ: "Sao con lại dốt thế hả. Bài thì dễ như thế này" rồi làm giúp thay chúng, tốt nhất mẹ nên đọc qua. Hãy nói rằng: "Mẹ cũng chưa biết phải làm thế nào. Chúng ta cùng nhau nghĩ cách nhé". Sau vài lần như vậy, mẹ sẽ tập được cho trẻ cách tự giải quyết vấn đề.
Mặt khác, khi tự làm được một điều gì đó, trẻ cũng cảm thấy có thành tựu và sau nhiều lần như vậy sẽ xây dựng được thói quen không cần dựa vào ai khác.
Hãy trở thành người mẹ "không biết" thay vì "cái gì cũng biết". Mẹ có thể đồng hành cùng trẻ tìm ra câu trả lời nhưng tuyệt đối không nói ra đáp án ngay vì như vậy sẽ làm thui chột khả năng tự suy nghĩ của trẻ.
Ảnh minh họa
5. Bà mẹ biết quản lý cảm xúc
Những người mẹ không thể kiểm soát và quản lý tốt cảm xúc của mình lâu ngày thường nhạy cảm, dễ cáu gắt và mất bình tĩnh với con cái.
Nếu người mẹ biết cách kiềm chế cảm xúc, để con cái lớn lên trong một môi trường tích cực và tràn đầy sức sống thì đứa trẻ sau này cũng biết quản lý cảm xúc, quan hệ với người khác sẽ hài hòa. Khi đối mặt với một vấn đề, trẻ biết suy nghĩ theo lý trí thay vì để cảm xúc dẫn dắt mình.
6. "Mẹ cũng từng như thế"
Bất cứ khi nào trẻ cảm thấy buồn bã vì gặp thất bại, thay vì trách mắng khiến trẻ cảm thấy áp lực tâm lý, mẹ có thể ngồi tâm sự với con. Mẹ có thể nói: "Khi bằng tuổi con, mẹ cũng từng như thế" hoặc "Con đừng buồn nữa. Khi bằng tuổi con mẹ cũng không làm được như con bây giờ đâu". Nhờ vậy trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn và không trách móc bản thân vì mình kém cỏi.
Hay khi trẻ cảm thấy lo lắng trước một điều gì đó, mẹ có thể ở bên và kể một vài câu chuyện khi mẹ ở độ tuổi tương tự như thế nhằm làm dịu áp lực trong lòng trẻ.