Mẹ chồng kéo tôi vào trong phòng và chỉ trích hành động của con trai, cũng là cách dạy con của tôi.
Những quy tắc khi dạy con chào hỏi ngày Tết hay nhận lì xì đều là những việc tôi đã nghĩ đến và chú trọng dạy con. Tuy nhiên đứa trẻ mới 3 tuổi, tôi không ngờ mẹ chồng lại khắt khe với cháu đến vậy và chấp nhặt với tôi.
Tôi mới về làm con dâu gia đình được vài năm nay nhưng khoảng thời gian sống chung với mẹ chồng không nhiều. Vì thế tôi cũng chưa biết hết tính cách của mẹ chồng và không nghĩ bà lại là một người nghiêm khắc và gia trưởng đến vậy. Khi viết những dòng này tôi cũng đang vô cùng buồn bã vì lần đầu tiên có người chỉ trích cách dạy con của tôi và quả thực cũng là thiếu sót mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
Tôi và chồng hiện có 1 bé trai 4 tuổi sinh sống và làm việc cách xa nhà bố mẹ chồng. Chỉ các dịp lễ Tết mới sắp xếp về để chung vui cùng ông bà. Tết Nguyên Đán 2024 này, công việc bận rộn và phải phân chia nội ngoại nên chúng tôi cũng chỉ ở nhà nội được 3 hôm là sang nhà ngoại. Thế nhưng trong suốt 3 ngày này tôi luôn cảm thấy căng thẳng vì mẹ chồng soi mói, chỉ trích tôi trong mọi hành động, đặc biệt là chuyện nuôi dạy con.
Ví dụ như chuyện đơn giản ngay sáng nay mùng 1 Tết, chúng tôi chưa vội đi chúc Tết ai cả mà ở nhà cùng ông bà đón khách đến chơi. Đoàn khách đầu tiên đến gia đình là đại gia đình nhà chút ruột, em trai bố tôi cùng con và cháu nhà chú. Khi đang ngồi chơi nói chuyện vui vẻ với nhau, chú tôi mới đứng lên rút tập phong bao lì xì đã được chuẩn bị sẵn trong túi áo ra để lì xì cho gia đình tôi.
Ảnh minh họa
Vợ chồng và con trai tôi đều có quà của chú. Khi con trai tôi nhận phong bao lì xì, không biết vì sợ hãi hay lạ lẫm mà thằng bé cứ nép sau lưng tôi không dám nhận. Tôi khen khích lệ con nhiều câu để con có thể chủ động đứng ra nhận lì xì nhưng thằng bé vẫn không chịu, đứng nép sau bám váy mẹ và nhìn ông chú. Mẹ chồng tôi bỗng từ đâu lao nhanh ra như một cơn gió xốc nách thằng bé ra đứng phía trước mặt ông chú và nói:
- Cháu mạnh dạn đứng ra đây nhận lì xì nào, con trai ai lại rụt rè thế chứ. Mọi người không khen đâu.
Trước câu nói và hành động của mẹ chồng khiến thằng bé 4 tuổi sợ hãi khóc toáng lên nên tôi vội ôm con lên, cả nhà thì cười phá lên khi thấy thằng bé như vậy. Tôi vừa ôm con vừa dỗ dành, gương mặt tỏ ý không vui trước những hành động của gia đình nhà chồng, lướt qua mặt mẹ chồng thì bà đang lườm tôi.
Tưởng rằng tôi mới phải là người giận mẹ chồng vì hành động không đúng với cháu nhưng chưa kịp giận đã được mẹ chồng tôi "ca" cho một bài. Khách vừa về mẹ chồng đã lôi tôi vào phòng để nói chuyện tránh không cho bố chồng và chồng tôi nghe thấy. Mẹ chồng tôi nói:
- Con làm mẹ kiểu gì mà không biết dạy con vậy, khách đến nhà thằng bé chẳng những không chào mà khi ông mừng tuổi lại còn không biết ra nhận. Thật mất mặt quá đi.
Ảnh minh họa
- Ôi mẹ ơi, cháu nó còn nhỏ mới 4 tuổi thôi thì làm sao cháu đã thể hiện được hết lễ nghi như thế. Con có nhắc nhở cháu rồi nhưng mà cháu chưa thích nghi được mẹ ạ.
- Con nói kiểu gì vậy, 4 tuổi cháu nhà người ta đã nói năng đâu ra đấy, cảm ơn, xin chào lễ phép chẳng biết sợ ai là gì. Đây thằng nhà này đến cái lì xì cũng không biết nhận làm sao mà lại còn bày đặt khóc lóc. Tất cả là do vợ chồng con đã quá nuông chiều nó. Đó là còn chưa tính chuyện lúc sau cầm cái lì xì đó xé ngay trước mặt khách, mẹ thật không biết giấu mặt vào đâu. Con rút kinh nghiệm ngay, dạy con là phải dạy từ thuở còn thơ chứ đợi sau này lớn lên nữa có mà hỏng hết.
Nói xong mẹ chồng tôi đi thẳng ngay ra ngoài không để tôi giải thích thêm gì nữa. Tôi đã sẵn cơn bực dọc lại càng bực hơn mà lại còn thắc mắc hóa ra mình là người mẹ không biết dạy con thật hả?
Tâm sự từ độc giả chaupham...
Tặng lì xì cho trẻ ngày Tết là một trong những phong tục thú vị của người Việt ta từ xưa đến nay mang nhiều ý nghĩa khác nhau, trong đó phải kể tới ý nghĩa chúc cho trẻ sang năm mới chăm ngoan, học giỏi và khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên rất ít cha mẹ quan tâm đến việc dạy con biết cách nhận và cảm ơn lễ phép khi nhận lì xì từ người lớn khiến phong tục này trở nên ý nghĩa hơn.
Dạy cho con về ý nghĩa của việc nhận lì xì đầu năm
Trước hết, bố mẹ cần giải thích cho con hiểu về tục lệ nhận tiền lì xì đầu năm của ông cha ta. Theo quan niệm dân gian, trẻ em được tặng đồng xu nhỏ gói trong giấy đỏ đẹp, đêm về phải để gói giấy đỏ dưới gối ngủ để tránh quỷ dữ quấy phá.
Dựa vào câu chuyện này, bố mẹ có thể dạy bé cách trân trọng tiền lì xì dù ít hay nhiều hoặc để trẻ không xé phong bao lì xì một cách tùy tiện.
Không nên nhận xét về giá trị của tiền lì xì với con
Muốn con nhỏ không quá coi trọng tiền lì xì thì bản thân bố mẹ cũng không nên sân si về số tiền con được lì xì.
Không thắc mắc, không dè bỉu khi con được nhận tiền mừng tuổi ít hoặc tỏ rõ sự vui mừng khi con nhận được nhiều tiền mừng tuổi. Bố mẹ cần cư xử chừng mực, dù thế nào cũng dạy con phải trân trọng món quà lì xì mà người lớn gửi trao. Đừng quá coi trọng vấn đề tiền mừng tuổi qua các câu hỏi như “Con được bao nhiêu tiền mừng tuổi rồi?”. “Năm nay, con có nhiều tiền mừng tuổi thích nhé!”…khiến trẻ đặt nặng vấn đề tiền bạc mà quên đi ý nghĩa của tiền lì xì đầu năm.
Dặn dò con phải hành xử thật lễ phép, ngoan ngoãn
Trẻ nhỏ vẫn chưa định hình được đâu là hành động nên là và không nên làm, quan trọng nhất vẫn là bố mẹ phải chỉ dạy con kỹ càng. Khi ở nhà, bố mẹ cần nhắc nhở con về những hành vi không đẹp như: bóc phong bì ngay trước mặt khách, không được chê lì xì ít hay nhiều, cũng không so bì tiền lì xì.
Để làm được điều này thì bố mẹ phải thường xuyên kể cho con ý nghĩa của tiền lì xì đầu năm. Đó là vật bảo vệ con, cho con sức khỏe, chăm ngoan và học hành giỏi giang.
Dạy con cách nhận và nói lời cám ơn khi nhận tiền lì xì
Để hạn chế những hành vi thiếu lễ phép của trẻ, bố mẹ nên hướng dẫn con phải nói lời cám ơn khi được trao lì xì đồng thời phải nhận tiền bằng hai tay. Những câu chúc Tết ý nghĩa hay hành động lễ phép của bé khi nhận tiền lì xì thế khiến tất cả mọi người ấm lòng trong những ngày đầu năm mới.