Cách xử lý tinh tế của bà mẹ này khi con ăn trộm tiền đã được các chuyên gia tâm lý ngợi khen không ngớt.
Ăn cắp là một hành vi xấu rất đáng bị lên án nên hầu như cha mẹ nào cũng đều giáo dục con chuyện này một cách chu đáo. Song, không vì thế mà mọi đứa trẻ đều tránh xa việc ăn cắp. Thậm chí, có bé còn lén lấy tiền của cha mẹ. Vậy trong trường hợp này, cha mẹ nên xử lý như thế nào cho thỏa đáng?
Hôm 23/3 vừa qua, chị Tạ (sống ở Trung Quốc) bỗng phát hiện mình bị mất 100 nhân dân tệ. Đây là một tờ tiền trong tổng số tiền 1.000 tệ mà chị vừa rút từ ngân hàng ra tối qua, sau đó về thẳng nhà luôn. Thế mà sau một đêm, 100 tệ không cánh mà bay mất. Hoang mang, chị Tạ hỏi chồng xem anh có lấy tiền không thì anh nói: “Không, anh không lấy. Mà lạ thật, tối qua không mua sắm gì sao lại mất 100 tệ? Tuần trước, anh cũng bị mất 50 tệ, nhưng anh nghĩ em đã lấy nó nên không hỏi”. Sau khi nghe chồng nói vậy, chị Tạ nghĩ bụng: “Chẳng lẽ Tạ Tâm lấy trộm? Nhưng thằng bé lấy tiền làm gì cơ chứ?”.
Bán tín bán nghi con trai lấy trộm tiền, chị Tạ quyết định sẽ rình đi theo con sau khi tan học. Và điều khiến bà mẹ này “ngã ngửa” là tan học, Tạ Tâm (8 tuổi) đã dẫn một vài người bạn vào quán nước gần cổng trường, sau đó mời bạn bè uống nước và rút từ trong túi ra tờ 100 tệ để trả tiền. Đến đây thì chị Tạ đã chắc chắn là “kẻ trộm” trong nhà mình là ai rồi. Thế nhưng, chị không muốn con trai bẽ mặt trước bạn bè nên đã âm thầm đứng đợi ngoài cửa quán.
Nghi con trai lấy trộm tiền, chị Tạ đã rình trước cổng trường và phát hiện ra con trai cầm 100 tệ đi đãi các bạn uống nước.
Sau khi con cùng các bạn đi ra, chị Tạ đã bước tới vui vẻ nói: “Tạ Tâm, chúng ta đi thôi, mẹ dẫn con đi ăn xiên que nướng nhé”. Mặc dù con lúng túng, cố tránh ánh mắt của mẹ, song chị Tạ vẫn điềm nhiên nắm tay con vào một quán ven đường. Hai mẹ con gọi một chục cây xiên que nướng, thêm cả loại nước ngọt mà Tạ Tâm thích uống nhất nữa. Trong khi con trai đang ăn uống vui vẻ, chị Tạ đột nhiên hỏi một cách rất bình tĩnh:
- Tâm Tâm, hôm nay mẹ phát hiện bị mất 100 tệ, có phải con lấy không?
- Con đã lấy tiền. Con xin lỗi mẹ ạ.
- Tiền tiêu vặt nếu con không đủ xài thì nói với mẹ, chứ đừng lấy tiền trong túi của bố mẹ, có được không con?
- Dạ vâng, con nhớ rồi ạ.
Từ đó, chị Tạ đã tăng tiền tiêu vặt của con trai lên một chút, đồng thời cũng từ đó, Tạ Tâm cũng không bao giờ lấy trộm tiền của bố mẹ nữa. Cách xử lý tinh tế của bà mẹ này khi con ăn trộm tiền đã được các chuyên gia tâm lý ngợi khen không ngớt.
Nhân lúc hai mẹ con đang ăn uống vui vẻ, chị Tạ đã hỏi phải con lấy tiền của mình không, nhưng không hề có lời trách mắng.
Cũng theo các chuyên gia, trẻ em không có khái niệm “ăn cắp tiền” ở trong đầu, mà nhu cầu lấy tiền của các bé bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Nói cách khác, khi nhìn thấy thứ mình thích, trẻ sẽ luôn cố gắng hết sức để có cho bằng được. Từ đó, thúc đẩy hành vi lén lấy tiền của cha mẹ và bị hiểu nhầm là “ăn trộm”. Vì vậy, thay vì khiển trách con cái nặng nề, trước tiên cha mẹ nên tìm hiểm lý do trẻ lấy tiền, và vội gán cho con cái mác “kẻ cắp”. Sau đó thì:
1. Nếu con muốn gì thì hãy nói với bố mẹ
Việc con bạn ham thích những thứ hấp dẫn như đồ chơi, đồ ăn, đồ vật,… là điều hết sức bình thường. Và khi con phát hiện ra tiền có thể giúp con có được thứ mình muốn thì bé sẽ không thể cưỡng lại được nhu cầu lấy tiền của cha mẹ. Để tránh tình huống xấu xảy ra, thỉnh thoảng cha mẹ nên trò chuyện cùng con: “Con thích thứ gì thì có thể nói bố mẹ mua cho. Nếu bố mẹ đồng ý, con phải cảm ơn bố mẹ. Nếu bố mẹ không đồng ý thì sẽ nói cho con rõ lý do vì sao, và con có thể tự tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua nó”.
Đây là phương pháp để con biết bản thân cần phải làm gì khi muốn có một thứ gì đó. Và cha mẹ cần hiểu rằng, nếu bạn phớt lờ nhu cầu của con, tự nhiên trẻ sẽ dùng mọi cách để đạt được mục đích, và thói quen ăn cắp sẽ hình thành đầu tiên.
2. Làm gương cho con
Muốn con không hình thành thói quen ăn cắp tiền, chính cha mẹ phải là tấm gương sáng để con học theo. Ngoài chuyện tiền bạc nên được cất trong tủ kỹ càng ra, thì trước mặt trẻ, bạn cũng không nên tiêu xài phung phí, thích gì mua nấy. Cũng không nên dùng tiền để dỗ dành hay làm phần thưởng cho con.
Cha mẹ hoàn toàn có thể thưởng cho con một cái ôm thật chặt, một buổi đi chơi dã ngoại, một chuyến đi đến nhà sách,… Làm như thế thì trẻ sẽ hiểu rằng cha mẹ là quan trọng nhất, chứ không phải tiền.