Bố mẹ tưởng con bị bắt nạt ở trường, nhưng hoá ra sự thật không phải vậy.
Khi so sánh giữa bé trai và bé gái, nhiều bố mẹ đều cho rằng con trai có sự chênh lệch lớn về sức mạnh và tốc độ phát triển hơn so với con gái. Trong một số nghiên cứu, điều này chỉ thực sự được áp dụng khi cả con trai và con gái đến tuổi trưởng thành. Bởi sự thật là trước giai đoạn đó thì con gái thường sẽ dậy thì sớm hơn con trai nên sẽ có lợi thế hơn con trai về nhiều mặt, chẳng hạn như chiều cao, sức mạnh, độ nhanh nhẹn,...
Đó là lý do mà trên thực tế, sẽ có tình huống bé trai bị bé gái ăn hiếp. Cụ thể như câu chuyện của một cậu bé dưới đây được chính mẹ ruột blogger chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc khiến nhiều người "dở khóc dở cười". Theo đó sau khi từ trường trở về nhà, bố mẹ trông thấy cậu con trai của mình trong bộ dạng lếch thếch, thậm chí là quần áo rách tả tơi nên có chút hoảng loạn vì không biết chuyện gì đang xảy ra với đứa trẻ.
Lúc này, ông bố bà mẹ đã ngay lập tức hỏi thăm tình hình của cậu bé. Nhận được sự quan tâm của bố mẹ, nhóc tỳ oà khóc và kể rằng ở lớp có một cô bạn rất hung hăng, và bản thân đã bị cô bạn đó đánh, cả 2 giằng co nên quần áo mới rách tả tơi như thế.
Nghe con trai mách chuyện, ông bố bà mẹ này đã vô cùng tức giận, vội vã đến trường đòi cô giáo giải thích. Nhưng sau khi nắm rõ đầu đuôi sự tình, biết được nguyên nhân thực ra là do con trai đã trêu chọc, ăn hiếp cô bạn đó trước nên đối phương đã chống trả. Tuy nhiên vì thể lực tốt, lại có lợi thế về chiều cao nên cô bạn đã nhanh chóng "hạ gục" cậu bé.
Nhận được lời giải thích của cô giáo, sau khi trở về nhà, bố mẹ cậu bé đã không kiềm chế được một trận "cười ra nước mắt". Phản ứng của bố mẹ khiến một số người đọc được câu chuyện không đồng tình, bởi họ cho rằng bố mẹ không nên cười trên "nỗi đau" của con, mà đáng lẽ ra phải hỏi thăm và an ủi đứa trẻ.
Tuy nhiên thực tế là trước đó, ông bố bà mẹ này đã xem xét kỹ lưỡng tình trạng của con trai. Họ cũng phát hiện ra rằng đứa trẻ của mình không bị thương ở đâu cả, thậm chí không có bất kỳ vết thương nào rõ ràng, chỉ là quần áo của con bị rách nát, trông khá thảm thương.
Theo chia sẻ của bố mẹ cậu bé, được biết ở nhà nhóc tỳ cũng có tính cách rất nghịch ngợm vì được cả nhà cưng chiều từ nhỏ. Thường chọc ghẹo và xảy ra "chiến tranh" với chị gái của mình. Bởi vậy mà khi ông bố bà mẹ biết ngọn ngành câu chuyện, họ cũng hiểu và không tỏ ra quá ngạc nhiên trước độ lỳ lợm của con trai mình ở độ tuổi này.
Qua câu chuyện được chia sẻ, nhiều bậc phụ huynh có lẽ cũng sẽ nhận thấy được tầm quan trọng của việc bố mẹ cần dạy con biết cách hành xử phù hợp trong môi trường học đường. Đồng thời, phải luôn dành sự quan tâm, theo dõi tình hình ở trường lớp để biết con như thế nào, từ đó kịp thời có những phương pháp nuôi dạy hiệu quả.
Đặc biệt khi đi học, trẻ nhỏ thường khó tránh khỏi những tình huống xảy ra tranh cãi, xích mích với bạn bè trong lớp.
Vậy khi rơi vào trường hợp này, bố mẹ nên dạy trẻ như thế nào?
Trong quá trình học tập, trẻ nhỏ thường phải đối mặt với những tình huống rắc rối, xích mích với bạn bè trong lớp. Đối với bố mẹ, việc dạy con cách xử lý những tình huống này trở thành một nhiệm vụ rất quan trọng.
Đầu tiên, bố mẹ hãy lắng nghe con và hiểu rõ quan điểm, cũng như cảm xúc của con. Thông qua cuộc trò chuyện nghiêm túc và gần gũi, bố mẹ có thể tìm hiểu được nguyên nhân đằng sau những sự xung đột giữa con và các bạn. Bố mẹ cần khuyến khích con diễn đạt ý kiến một cách lịch sự và tôn trọng.
Cùng với đó, dạy con kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột sao cho hiệu quả là điều bố mẹ cần phải làm. Lúc này, bố mẹ nên hướng dẫn cho con cách để lắng nghe quan điểm của bạn bè, và tìm ra phương pháp để đạt được sự thỏa thuận thông qua việc cùng các bạn thảo luận trên tinh thần tích cực, cùng tiến bộ.
Quan trọng hơn, hãy giúp con kiểm soát cảm xúc của bản thân sao cho phù hợp trong tình huống tranh cãi. Dạy con cách thở sâu, tập trung vào những điều tích cực và tìm cách làm dịu cảm xúc nóng giận trước khi phản ứng.
Đồng thời, khuyến khích con học cách hợp tác và thể hiện sự tôn trọng. Giúp con hiểu về ý thức xã hội, đặt mình vào vị trí của người khác và tôn trọng quyền riêng tư của bạn bè.
Là bố mẹ, hãy trở thành một tấm gương tốt cho con bằng cách thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe và giải quyết xung đột với mọi người xung quanh một cách xây dựng. Hỗ trợ con trong việc tìm kiếm giải pháp hòa giải, và đề cao tinh thần hợp tác.
Nếu tình huống tranh cãi vẫn không được giải quyết, bố mẹ có thể gặp gỡ giáo viên để cùng thảo luận và tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp cho con.
Như vậy, bố mẹ không chỉ là người hướng dẫn con trong việc giải quyết xung đột với bạn bè, mà còn tạo ra một môi trường gia đình ấm áp, yêu thương và ủng hộ. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và tự tin trong việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, và phát triển kỹ năng xã hội.
Ngoài ra, có một số ứng xử và hành vi trong môi trường lớp học của trẻ được cho là không phù hợp, và cần được bố mẹ uốn nắn, điều chỉnh càng sớm càng tốt.
- Lăng mạ và bắt nạt: Bố mẹ cần kịp thời nắm bắt thông tin về những hành vi lăng mạ, bắt nạt mà con trẻ của mình gây nên với bạn bè trong lớp. Từ đó nhanh chóng có sự điều chỉnh, giáo dục con về tầm quan trọng của sự tôn trọng, tinh thần đoàn kết, tránh xa việc bắt nạt, chế nhạo hoặc gây tổn thương đến người khác.
- Không lắng nghe giáo viên: Nếu con không lắng nghe hoặc không tuân thủ quy tắc và hướng dẫn của giáo viên, bố mẹ cần uốn nắn lại trẻ bằng cách thiết lập nề nếp, kỷ luật trong gia đình. Nhờ đó mà khuyến khích con học cách lắng nghe, và tuân thủ các quy tắc trong lớp học.
- Quấy rối và gây phiền nhiễu: Nếu con thường xuyên quấy rối và gây phiền nhiễu đến bạn bè hoặc giáo viên, bố mẹ cần tạo ra một môi trường gia đình nơi con được học cách kiểm soát cảm xúc, tôn trọng người khác và hiểu rằng hành vi đó là không được chấp nhận.
- Lạm dụng từ ngữ: Nếu con sử dụng từ ngữ không phù hợp hoặc tục tĩu trong lớp học, bố mẹ cần truyền đạt cho con những giá trị về việc sử dụng ngôn ngữ kính trọng và lịch sự. Bố mẹ cũng nên làm gương cho con bằng cách sử dụng ngôn ngữ đúng, và giải thích cho con về tác động và hậu quả của việc sử dụng từ ngữ không phù hợp.
- Xô xát, đánh nhau: Nếu con tham gia vào các tình huống đánh nhau, xô xát với bạn bè trong lớp học, bố mẹ cần dạy con kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết xung đột một cách hòa bình và biết tôn trọng thân thể của người khác.
- Không tôn trọng và thiếu lòng nhân ái: Bố mẹ cần dạy con về tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, không phê phán hoặc tỏ vẻ khinh thường bạn bè dựa trên ngoại hình, tài năng hay gia cảnh.