“Giữa tuổi trẻ đầy mơ mộng và lấp lánh, bạn có bao giờ nhìn thấy vết thương cào xước năm tháng hồn nhiên của mình?”
Tuổi trẻ - quãng thời gian thanh xuân trân quý nhất trong cuộc đời mỗi con người. Giữa những năm tháng đầy nhiệt huyết ấy, ai trong chúng ta cũng đều từng mơ mộng rồi lại vỡ mộng, đã yêu thương và cũng từng bị tổn thương.
Nhưng xin hãy đừng vội trách cuộc đời phũ phàng, cũng đừng trách năm tháng tàn nhẫn, bởi có biết bao người đã mạnh mẽ đứng lên từ chính những đổ vỡ, thương tổn ngày xưa đó. Nếu ta biết dũng cảm, biết vượt qua những nỗi bi quan, lo lắng đeo đuổi, ta sẽ lại thêm yêu cuộc sống này, thêm trân trọng những bất trắc không tránh khỏi đã giúp ta tìm lại được chính mình.
Cảm ơn những năm tháng thanh xuân vội vã ấy đã dạy ta biết đau, biết trưởng thành và biết mạnh mẽ viết tiếp những giấc mơ...
1. Tuổi trẻ lem luốc sớm cất các giấc mơ vào ngăn kéo
18 tuổi, ta đứng trước ngã rẽ lớn nhất của cuộc đời và đối mặt với một trong những chọn lựa quan trọng nhất. Là trái hay là phải, là ước mơ hay là kế sinh nhai, là cho mình hay cho những kì vọng từ biết bao ánh mắt, biết bao đôi tay đang đặt lên đôi vai gầy guộc, yếu ớt của tuổi 18?
23 tuổi, ta hối hả lao ra khỏi cánh cổng đại học, kết thúc những mơ mộng của tuổi 18 để trở về với thực tế tàn nhẫn và khốc liệt hơn, một lần nữa cuộc sống lại bắt ta chọn lựa, ta sẽ sống vì những mơ mộng của chính mình hay để mặc cho dòng đời đẩy đưa, cho những nỗi lo về cơ áo gạo tiền không còn ngày đêm chi phối? Là con tim hay là lí trí?
2. Chẳng đứa trẻ nào cần đố kỵ để lớn lên cả
Có bao giờ bạn tự hỏi, mình bắt đầu biết đố kỵ từ khi nào? Khi ta bắt đầu biết đánh giá, biết phán xét, biết ghen tị vì cô bạn hàng xóm có một món đồ đẹp hơn mình, biết tức giận vì nhỏ bạn cùng lớp học giỏi hơn mình, ấy là lúc những sự đố kỵ trong mỗi chúng ta bắt đầu sinh sôi. Và rồi, ta ngày một lớn lên, đố kỵ cũng ngày một nhân rộng ra như những tế bào ung thư bám trụ, len lỏi trong khắp các ngóc ngách của tâm hồn ta.
Nhưng cuộc sống sẽ ra sao nếu tất cả mọi người đều luôn đố kỵ và giẫm đạp lên nhau để thỏa mãn những đố kỵ đó? Cuộc sống sẽ có còn hạnh phúc nếu chúng ta ngày ngày ôm theo những sự đố kỵ, sân si để sống?
Những người lớn chúng ta, hãy bớt đi một câu so sánh, bớt đi một câu chê bai, bớt đi những ánh nhìn phán xét đối với những đứa trẻ ngây thơ và hồn nhiên vẫn còn chưa biết gì về đố kỵ. Bởi “Chẳng đứa trẻ nào cần đố kỵ để lớn lên cả”!.
3. Đừng nghĩ các ngã rẽ là xấu, nó chỉ là ngã rẽ, còn lại là do mình thôi
Cuộc đời là một đạo diễn tài ba và nó đã diễn tròn vai mà nó được giao phó. Nó đưa ra cho chúng ta những chọn lựa, thêm thắt những tình huống, những ngã rẽ, đẩy số phận của chúng ta lên những cao trào và bắt ta phải lựa chọn.
Nhưng “các ngã rẽ không xấu, chẳng có chọn lựa nào sai và rất ít người may mắn lúc nào cũng chọn đúng để dễ dàng thắng tất cả các trò chơi.” Hãy nhớ, hạnh phúc hay bất hạnh đều do chúng ta lựa chọn mà thôi!
4. Ta chẳng cần nơi để trở về, vì bất cứ đâu bạn hiện hữu đã là một chốn trở về bình an, chẳng cần gồng lên xù gai chống trả
“Bạn, người cuối cùng tôi điên cuồng tìm đến khi hoảng loạn và cô độc nhất.
Bạn, người sẽ nói: “Dù cậu làm gì, tớ cũng sẽ ở bên!”, chẳng màng đẩy tới, xô lui, kích động, khuyến khích hay can ngăn.
Bạn, người một lần nhắc tôi đừng để bản thân bị đau vì thật khó mà hồi phục, xong rồi vẫn nhe răng cười bảo ừ lỡ đau khổ rồi thì thôi, về nhà tụi mình đi leo núi tiếp cho cậu hết buồn.
Bạn, người đã ôm chầm lấy tôi ngày đi xa mà nói: “Tụi mình sẽ nói chuyện tiếp nhé!” và vẫy tay rời đi. Cái ôm nhắc nhở một cam kết - Ta chẳng cần nơi để trở về, vì bất cứ đâu bạn hiện hữu đã là một chốn trở về bình an, chẳng cần gồng lên xù gai chống trả.
5. Tất cả chúng ta đều sống tiếp mà chẳng có ai trong đời. Cậu có tin không?
“Khi buông tay, tôi đã sống những ngày lặng lẽ, ngắm nhìn trái tim mình bị tổn thương, nghe hơi thở nặng nhọc của từng chuyến đi trôi qua không một người đối thoại, nhìn vào trang viết trắng trơn những điều tuyệt vọng.
Tôi có sẵn sàng sống tiếp tháng ngày đầy thương tích, bật khóc trên tàu ra đảo xa, say mèm trong cuộc chuyện trò ở bến sông cùng bè bạn? Tôi có sẵn sàng viết tiếp những trang mới, nơi không có bàn tay, không có bờ vai, không có lời động viên, không có sự vỗ về an ủi?
Bạn tôi nói: “Tất cả chúng ta đều sống tiếp mà chẳng có ai trong đời. Cậu có tin không?”
6. Trước quãng đời yêu thương nhau, ta đã từng là hai cuộc đời khác biệt
Trước khi bắt đầu một cuộc tình, mỗi chúng ta là những số phận khác biệt, có niềm vui riêng, có nỗi buồn riêng. Và sau khi kết thúc một cuộc tình, mọi thứ lại trở về với vị trí ban đầu của nó, mỗi người một con đường, một chí hướng và một niềm hạnh phúc.
Ta cũng lại bắt đầu làm quen lại với sự tự lập. Không một bờ vai dựa dẫm khi mỏi mệt, không một bóng hình đón đưa những ngày tan tầm, không những câu quan tâm, thăm hỏi mỗi tối. Chỉ còn lại chính mình đối mặt với chính mình, mạnh mẽ và tự tin bước đi trên đôi chân để tiếp tục hành trình tìm kiếm những yêu thương thật khác.
7. An toàn là một cảm giác mà ta càng lớn lên, nó càng vơi đi
“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?”; cuộc đời đẩy đưa, số phận đưa đẩy khiến tâm hồn và con tim ta trầy xước, những nỗi ám ảnh về cái chân đau cứ ngày một nhiều lên trong ta. Và rồi ta sợ hãi, ta lẩn trốn trong những vòng tròn an toàn do chính mình tạo ra.
Năm tháng, thời gian và thử thách đã làm cho con người ta mất dần những cảm giác an toàn. Nhưng có lẽ cũng đúng thôi, người ta làm sao mà thấy an toàn được khi cuộc sống luôn tiềm ẩn đầy rẫy những đau thương, đố kỵ và lừa gạt.
Càng lớn lên người ta sẽ chẳng còn thể sôi nổi và liều lĩnh như thời tuổi trẻ nữa. Ai rồi cũng buộc phải chín chắn hơn, thận trọng hơn và có lẽ đó cũng là khi cảm giác an toàn dần dần vơi đi như một hệ quả tất yếu của cuộc sống.
8. Đau khổ là điều cuối cùng không thể sẻ chia, và ta phải tự học điều đó.
Cuộc đời có lẽ vẫn cứ trôi đi êm đềm mãi cho đến khi một biến cố, một bất hạnh ập đến lúc chúng ta không ngờ đến nhất. Ở tuổi 20, những va vấp trên đường đời dường như thật khó để có thể vượt qua, tổn thương và nỗi cay đắng do cuộc sống và người khác đem lại thật khó chấp nhận.
Nhưng cuộc đời là của chúng ta, do chúng ta nặn hình và kiểm soát. Đừng mong chờ một hoàng tử bạch mã hay một bà tiên nào đó sẽ xuất hiện bất cứ khi nào ta buồn khổ và vấp ngã để xoa dịu hay để cứu giúp.
“Chẳng ai cứu được kẻ phiêu lưu chọn buông mình xuống vực thẳm. Chẳng ai giúp được người chọn quăng mình xuống dòng sông chảy xiết. Đau khổ là điều cuối cùng không thể sẻ chia, và ta phải tự học điều đó.” Nhớ nhé!
9. Người ta có bao nhiêu can đảm để chấp nhận mình là người bị thương?
Đau khổ, bất hạnh, những điều không may là một phần của cuộc sống mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đã, đang và sẽ phải đối mặt. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta đủ can đảm để chấp nhận nó, đón nhận nó, để nó đi qua cuộc sống của mình để rồi phải đi thu dọn và làm lại từ đầu từ đống đổ nát do nó tạo ra?
Sự ích kỷ, đố kỵ vẫn ngày ngày bủa vây chúng ta khiến không ít những can đảm vừa le lói lên đã ngay lập tức bị dập tắt nhường chỗ cho những ích kỷ trỗi dậy, đó là lúc người ta đẩy quả bóng bất hạnh sang cho người khác, để người ta cũng cực, cũng buồn như mình. Con người mà, ai chẳng có phần “con” nào đó ngay từ bước chân đến cuộc đời.
10. Chẳng có bất hạnh nào là vĩnh viễn
Một trái tim, một bộ óc chưa từng được dạy làm sao để vượt qua đau thương trong hai chục năm bỗng dưng vỡ vụn, bỗng thấy cả thế giới quay lưng với mình. Trong những ngày tháng đó, hẳn là ai cũng tự quay cuồng trong mớ hỗn độn, tự hỏi mình đã làm gì sai, tại sao họ lại làm thế với mình, làm thế nào để cuộc sống màu hồng, niềm vui, hạnh phúc mới hôm qua thôi quay trở lại?
Phải chăng tất cả chúng ta đều lớn lên bằng những vết thương như vậy? Giống như một con rắn cần chịu đau đớn lột da để trưởng thành, con người có một ngàn cách để phản kháng nỗi đau như một hành trình biến động và xám xịt để cởi bỏ hoàn toàn sự trong veo của tuổi hai mươi lấp lánh mà lớn lên.
Những đoạn trích trên được trích từ cuốn sách “Ta có bi quan không?”. Đây là tác phẩm thứ ba của cây bút Khải Đơn, tiếp nối câu chuyện cô viết cho người trẻ từ quyển đầu tay. Cuốn sách vừa ghi lại những trải nghiệm cá nhân của tác giả, vừa là những điều xuất hiện trong cuộc chuyện trò của cô cùng các bạn trẻ trong những năm tháng cùng nhau trưởng thành. |