Cuốn sách lay động trái tim và đưa lại góc nhìn nhân văn đối với trẻ tự kỷ.
“Đánh thức ban mai” do Nguyễn Thị Việt Hà ghi chép và biên soạn kể về hành trình của cha mẹ cùng với con cái chiến đấu lại chứng tự kỷ. Bên cạnh đó, cuốn sách còn đưa đến tâm sự của những chuyên gia, bác sĩ đã cống hiến tài năng của mình để giúp các bé tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng.
Trailer của cuốn sách cảm động "Đánh thức ban mai"
Hiện nay, kiến thức về chứng tự kỷ chưa được phổ biến rộng rãi. Nhiều người còn có cái nhìn sai lệch nên thường tỏ ra xa lánh, kỳ thị những người tự kỷ, thậm chí là cả gia đình của họ. “Đánh thức ban mai” đưa lại cái nhìn chân thực và đúng đắn về chứng tự kỷ giúp mọi người hiểu, cảm thông và chia sẻ. Để người tự kỷ có thể hòa nhập cộng đồng cần rất nhiều vòng tay và tấm lòng mở rộng của những người xung quanh.
Cha mẹ nào cũng yêu thương con dù theo nhiều cách khác nhau. Mong con mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc chính là tâm nguyện cả đời của cha mẹ. Nhưng rồi có những khó khăn, thử thách bất ngờ ập đến, cha mẹ dù đã bảo bọc, chăm sóc con cũng không thể thay con đối chọi với nó. Nhiều khi cha mẹ thấy bất lực chỉ muốn đưa con lại vào bụng mình để có thể bảo vệ con an toàn ở trong đó.
Chứng tự kỷ là thử thách đòi hỏi sự quyết tâm, kiên nhẫn, tình yêu thương bền bỉ của cha mẹ và cả cộng đồng. Các bé tự kỷ phải học những bài học khác với đứa trẻ khác như: học vệ sinh cá nhân, học nói, học tập trung, thậm chí là học cách cầm nắm. Mỗi lần cùng con học những điều đó, cha mẹ nào cũng cảm thấy xót xa. Nhiều khi lặp đi lặp lại việc đó hàng trăm lần nhưng con vẫn không thể nhớ, cha mẹ như rơi vào vực sâu hoảng loạn, sợ con mình mãi mãi chẳng thể tự lập và hòa nhập được với xã hội.
"Có những đứa trẻ cần sự giúp đỡ nhiều hơn những đứa trẻ khác, trong số đó có các trẻ tự kỷ. Bạn có nghe được chăng, tiếng nói lặng thầm của họ?"
Khi biết được con mình mắc chứng tự kỷ, hầu như các cha mẹ đều phủ nhận, hoang mang, sợ hãi, lo âu, buồn sâu… vì lúc đó cha mẹ không thể hiểu rõ chứng tự kỷ rốt cuộc là gì. Khi hiểu được đúng về chứng này và cùng con mò mẫm tìm con đường đúng, cha mẹ đôi khi thấy tuyệt vọng, bất lực và muốn buông xuôi.
Nhiều lần cha mẹ muốn quỵ ngã vì ngay cả việc tìm bác sĩ nào, trung tâm nào, bệnh viện nào, phương pháp nào cũng là việc quá sức khó khăn. Đưa con đi gõ cửa nhiều nơi nhưng cha mẹ vẫn không thể tìm được nơi nào có thể giúp đỡ con.
Những cảm xúc của người trong cuộc bóp nghẹn trái tim độc giả. Cha mẹ có con tự kỷ không chỉ phải chịu khó khăn trong việc trị liệu cho con mình mà còn phải đối chọi với áp lực, sự kỳ thị của xã hội. Nhiều người mẹ còn phải một mình chống chọi vì người bạn đời quay lưng, lúc đó có bà mẹ còn có ý nghĩ muốn ôm con lao vào xe lửa hay nhảy xuống sông. Nhưng cuối cùng tình mẫu tử và ánh mắt trong veo của con đã cho mẹ sức mạnh để biến thành “siêu nhân”, thành chỗ dựa vững chắc cho con.
Không phải đứa trẻ tự kỷ nào cũng đần độn, khuyết tật vĩnh viễn, không thể tự lập hay hòa nhập với xã hội. Có rất nhiều em bé có khả năng vượt trội chỉ là cha mẹ cần phải khám phá ra năng lực tiềm ẩn trong con. Câu chuyện về em bé tự kỷ đạt giải thưởng Obama, giải NASA về khoa học, được học bổng của các trường đại học từ năm lớp 7… sẽ tiếp thêm động lực cho cha mẹ và đưa đến một cái nhìn mới về trẻ tự kỷ cho cộng đồng.
Vươn tay chạm đến người tự kỷ (Trích bộ ảnh trong cuốn sách Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ)
Bên cạnh đó, tâm sự của những chuyên gia, bác sĩ – người sẽ đồng hành, thấu hiểu và giải thích về chứng tự kỷ sẽ giúp cha mẹ an tâm hơn và biết nhiều lựa chọn hơn cho con đường khó khăn phía trước của mình. Nhiều khi cha mẹ nghĩ con mình mình mới xót, còn người khác không thể thương con mình như thế được. Nhưng để có thể đi được con đường này, họ không thể thiếu được sự giúp đỡ của các chuyên gia, bác sĩ vì vậy hãy đặt niềm tin vào người đồng hành của bạn.
“Đánh thức ban mai” viết về chủ đề trẻ tự kỷ nên sẽ kén người đọc nhưng chỉ cần lật trang sách động lòng người này ra, bạn sẽ không thể gấp cuốn sách lại được. Tác phẩm là lời nhắn nhủ đến gia đình có trẻ tự kỷ: chỉ cần cố gắng đến cùng nhất định niềm vui sẽ đến.