Du lịch Điện Biên không thể bỏ lỡ những món đặc sản chỉ nơi này mới có.
Nộm hoa ban
Điện Biên là một vùng đất nổi tiếng với cây hoa ban, nên cứ hàng năm vào dịp mùa hoa ban nở rực rỡ các đoàn khách họ lại đua nhau lên Điện Biên để chụp ảnh. Ngoài vẻ đẹp dung dị, hoa ban còn có thể chế biến làm món nộm ăn rất thơm ngon, chắc có lẽ chỉ có duy nhất Điện Biên là nơi có thể chế biến món nộm đặc sản riêng biệt của vùng miền như vậy.
Nộm hoa ban là món ăn không cầu kỳ với nguyên liệu chính lấy từ sản vật địa phương. Ngoài hoa ban và măng, đồng bào dân tộc còn cho thêm thịt cá suối nướng tạo hương vị đặc trưng núi rừng. Khi thưởng thức có vị chua chua, ngọt ngọt, mằn mặn hòa quyện, hoa ban giòn giòn, tươi mát vô cùng ngon miệng bạn nhé!
Gà nướng mắc khén
Món đặc sản Điện Biên này là một nét văn hoá ẩm thực độc đáo của người dân tộc Thái ở Điện Biên, được chế biến theo cách thức riêng cực kì mới lạ. Gà thả vườn sẽ được đem đi nướng chín trên than củi với lửa vừa, để gà chín một cách từ từ, giữ được độ ngọt bên trong thịt. Khi nướng gà, người ta cũng không phết lên da gà bất cứ thứ gì cả.
Gà khi được nướng trên lửa nhỏ, phần mỡ gà sẽ chảy ra thành lớp bóng mỡ tự nhiên trên da gà, thịt gà được săn lại, khi nhận thấy thịt đạt độ rắn vừa ý, người ta mới phết lên trên gia vị mắc khén dạng lỏng, đã được pha và nêm nếm sẵn. Mắc khén khi gặp nhiệt độ cao sẽ toả ra mùi thơm ngào ngạt, kích thích khứu giác của du khách.
Cá nướng (Pa pỉnh tộp)
Người Thái có câu “cáy măn mọk má ha, báu to pa pỉnh tộp ma sú”, nghĩa là “gà tơ tần đem đến, không bằng pa pỉnh tộp đem cho” để thể hiện sự tinh tế và sự quý trọng món ăn này. Theo tiếng Thái, “pa” có nghĩa là cá. “Pa pỉnh tộp” được hiểu là món “cá nướng gập”, mô tả đúng hình dáng của món ăn.
Nguyên liệu chính của món “pa pỉnh tộp” là cá suối và các loại gia vị. Các loại cá chép, trôi, trắm còn tươi sống chọn con cỡ 0,5 – 0,8kg, làm sạch vảy rồi mổ lấy hết ruột ra, không rửa lại bằng nước. Đặc biệt, khi mổ cá phải mổ dọc sống lưng, kéo từ đầu xuống tận đuôi, để lại phía bụng cá thay vì mổ bụng cá như thông thường.
Phần gia vị ướp trực tiếp vào trong mình cá gồm rau rừng, rau thơm như húng dũi, hành củ, hành lá, sả, ớt, gừng, sả được thái nhỏ. Đặc biệt không thể thiếu mắc khén và mầm măng cây sa nhân. Phần gia vị này rất quan trọng vì nó sẽ quyết định hương vị của món ăn.
Sau khi đặt hết gia vị vào mình cá, gập ngang thân cá lại sao cho đầu và đuôi cá chạm vào nhau. Bên ngoài con cá xoa một lớp bột riềng và thính gạo trước khi nướng. Cá được nướng trên than củi liu riu, khi gần chín, mỡ cá rỏ xuống củi, nổ lách tách, mỡ cá béo ngậy quyện với mùi gia vị thơm nức mũi.
Xôi nếp nương
Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc nhưng nói đến loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Điện Biên. Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Cách đồ xôi nếp nương công phu hơn nếp trồng ruộng nước.
Xôi phải được đồ trong một cái chõ gỗ đặc biệt của người dân tộc Thái, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Phải ngâm nếp trong nhiều giờ liền thì khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm. Lần đồ thứ nhất, sau khi xôi tỏa hương thơm, vừa chín tới thì đem đổ ra một rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau thì đổ tiếp vào chõ và tiếp tục đồ cho xôi chín đều.
Bắp cải cuốn nhót xanh
Có lẽ du khách khi đến Điện Biên sẽ vô cùng ấn tượng với món nhót xanh cuốn bắp cải, rau mùi, chấm với chẳm chéo nơi đây. Món ăn đã làm nên đặc trưng của người Điện Biên. Đầu tiên là phải chọn những chùm nhót xanh vừa thành quả chưa lâu. Có người thích ăn quả thật non, nhưng có lẽ nhót đạt tiêu chuẩn nhất là khi vừa đủ tầm, không non quá mà cũng già quá, lớp phấn mới chỉ mới trăng trắng.
Cách thưởng thức món này cũng đơn giản thôi. Bạn đặt một miếng nhót xanh vào giữa lá bắp cải sống, kèm các loại rau thơm rồi chấm với chẳm chéo. Cái giòn ngọt của bắp cải hòa cùng vị chua chát của nhót, các loại rau thơm làm nền và vị cay cay nồng đượm của chẳm chéo kết nối mọi nguyên liệu lại cùng nhau.
Rêu nướng
Thêm một đặc sản độc đáo chỉ có ở Điện Biên đó là món rêu nướng. Có thể bạn chưa biết thì rêu hoàn toàn có thể ăn được, với điều kiện là rêu suối Điện Biên nhé. Từ những con suối trong veo, người ta sẽ lấy rêu từ đó, đem rửa sạch bằng chính nước suối và giặt rêu cho thật sạch. Sau đó, rêu được trộn chung với hạt dổi, mắc khén rừng, thêm vào các loại gia vị như tỏi, ớt, sả, gừng, lá chanh… Để rêu nướng thêm ngon, người ta cho vào đó thêm một chút thịt mỡ, rồi dùng lá dong tươi gói lại như gói bánh, lấy lạt tre buộc lại cho chặt rồi đem lên bếp nướng.
Món ăn này có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ, trong đó nổi bật với khả năng lưu thông khí huyết, thanh nhiệt và tăng cường đề kháng.