Có dịp du lịch Điện Biên đừng quên nếm đủ các món đặc sản này nhé.
Bắp cải cuốn nhót xanh
Một trong những món ngon nổi tiếng của núi rừng Điện Biên mà du khách nên một lần nếm thử đó là bắp cải cuốn nhót xanh. Bạn sẽ cảm nhận vị ngon thơm lừng không thể cưỡng lại từ món ăn với đầy đủ vị từ chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện một cách hài hòa. Với các nguyên liệu: nhót xanh, bắp cải, rau mùi, và chẳm chéo là du khách đã có thể thưởng món ăn tuyệt cú mèo này.
Cách ăn của món đặc sản Điện Biên này như sau:
Nhót xanh tươi còn non trên cây sau khi được ngắt xuống, rửa sạch lớp phấn còn trắng bên ngoài. Gừng, mùi, lá tỏi được sơ chế sạch sẽ.
Lấy bắp cải đã rửa sạch cho nhót, gừng, mùi, lá tỏi vào cuốn rồi chấm với chẳm chéo.
Gạo Điện Biên
Cách đây nửa thế kỷ, gạo ở khắp miền Nam Bắc ngày đêm vượt đèo Pha Đin bằng xe thồ, vai gánh để làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ và bao câu chuyện phi thường trên con đường tải gạo. Thật lạ là bất cứ giống lúa nào gieo xuống cũng trở thành hạt gạo trắng tròn, thơm dẻo, đậm đà khác thường.
Gạo Mường Thanh có thể nấu cơm lam, làm khẩu cắm (đồ như xôi với lá cẩm – một loài cây thơm, sẽ cho vị xôi ngậy, thơm, dẻo rất thú vị), khẩu háng (đồ thóc lên đem phơi khô, khi nào muốn ăn, xát vỏ đồ chín một lần nữa) rồi khẩu papa (giống như làm bánh nếp dưới xuôi)… dùng làm lễ vật đình đám, cưới hỏi.
Thịt trâu gác bếp
Nhắc đến thịt trâu gác bếp, chắc hẳn du khách sẽ không thể nào quên được hương vị thơm ngon, dai dai, ngọt ngọt của từng thớ thịt. Không chỉ làm “say lòng” thực khách, món thịt trâu gác bếp còn là đặc sản làm quà biếu vô cùng phù hợp.
Để làm ra được món thịt trâu gác bếp thơm ngon, người làm phải chọn thịt tươi ngon, lọc hết gân, bạc nhạc. Sau đó mới thái miếng dọc thớ dài 10-15cm rồi ướp với rất nhiều gia vị. Trong đó có gừng, sả, tỏi, ớt khô băm nhỏ, mắc khén giã nát, dổi. Sau khi ướp trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, người làm lấy que xiên và sấy trên than củi, từng xiên thịt được để xa than hồng cho thịt chín từ từ và đều nhau.
Thịt trâu khi được sấy cho sẽ được người ta canh để thịt vừa chín tới để đảm bảo độ ngọt và thơm. Lúc ăn có thể cho vào hấp lại khoảng 30 phút để thịt mềm hơn. Vị ngọt của thịt hòa quyện trong hương vị đậm đà của gia vị tạo nên món đặc sản vùng cao mà ai cũng nên thưởng thức một lần trong đời. Thịt trâu gác bếp dai dai, cay cay, ngọt ngọt mà chấm cùng hạt mắc khén, chanh, kết hợp thêm bia nữa là tuyệt vời.
Pa pỉnh tộp
Cái tên này nghe có vẻ kêu tai và lạ lẫm với nhiều du khách. Thực ra pa pỉnh tộp là tên gọi vùng miền của món cá nướng.
Pa pỉnh tộp thu hút người dùng nhờ công thức pha trộn khéo léo và kết hợp giữa các loại gia vị độc đáo. Đó là lý do vì sao món cá nướng này lại mang đậm hương vị của vùng Tây Bắc và khá khác với món cá nướng thông thường của người miền xuôi.
Để làm món cá nướng Pa pỉnh tộp, người ta sẽ dùng cá chép, trôi, mè hoặc trắm khoảng hơn 1kg rồi mổ dọc phía lưng, rửa sạch để ráo nước. Xoa một ít muối rang vào bên trong cá thì khi nướng sẽ có vị đậm đà hơn, sau đó sử dụng hỗn hợp gia vị gồm mắc khén, ớt tươi nghiền nát, hành tươi, rau thơm, rau mùi thái nhỏ,... trộn đều rồi nhồi vào bụng cá. Gập đôi con cá lại, dùng nẹp tre nẹp cá và nướng trên than hồng. Sau khi cá chín, bạn đã có thể thưởng thức món pa pỉnh ngon cực kỳ ngon này rồi đó.
Lạp xưởng gác bếp
Như chúng ta đã biết, lạp xưởng được làm từ thịt lợn xay trộn lẫn với gia vị và được nhồi vào lòng non của lợn. Khác với các phương thức làm thông thường, lạp xưởng Điện Biên được thực hiện rất công phu và tỉ mỉ. Nhân của lạp xưởng phải là thịt thăn tươi, nạc mông săn chắc hoặc nạc vai. Lòng non phải là đoạn lòng ngon nhất.
Sau khi nhân được nhồi căng, lạp xưởng được đem đi phơi nắng trong 3 ngày, sau đó được treo lên gác bếp. Với cách làm này, lạp xưởng giữ được hương vị giòn dai đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có. Đặc biệt, lạp xưởng này giữ được rất lâu, quanh năm không hỏng nên rất được lòng du khách và các gia đình Việt.