"Ác nhân" là cuốn tiểu thuyết trinh thám – tâm lý tội phạm hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm cảm xúc khó quên.
Năm 2007, tiểu thuyết gia Yoshida Shuichi ra mắt Ác nhân (tên gốc: Akunin). Ngay trong năm đầu tiên sau ngày ra mắt, cuốn tiểu thuyết trinh thám này đã giành được những giải thưởng văn học danh giá. Sau 8 năm, cuốn sách đã tiêu thụ hơn 2,1 triệu bản in tại Nhật và được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2010.
Nội dung của Ác nhân, cũng như nhiều tác phẩm khác của Yoshida Shuichi, tập trung mô tả cuộc sống của những người trẻ tuổi sống ở các đô thị, khai thác một cách sâu sắc và chân thực chân dung tâm hồn họ. Trong cuốn sách này, cô gái Yoshino - nhân viên bán bảo hiểm một đêm nọ đi đến chỗ hẹn bạn trai rồi không trở về nữa. Sáng hôm sau, người ta phát hiện xác của cô bị bóp cổ tại một con đèo với những lời đồn ma ám.
Ác nhân không phải một tác phẩm trinh thám quá “thách thức” độc giả bằng những tình tiết gây án giật gân và rùng rợn với kẻ thủ ác nham hiểm hay những màn suy luận thần sầu. Cốt truyện vụ án được trình bày một cách khá mạch lạc và sáng tỏ, giống như thể người đọc đã được cung cấp ngay đáp án trước khi câu hỏi được hé mở. Và một khi đáp án đã được tiết lộ, thì bản thân cuốn sách trở thành cuộc hành trình tìm kiếm “cách giải” – cây cầu hợp lý nối giữa “đề bài” và “đáp án”.
Chân dung tác giả Yoshida Shuichi
Cô gái Yoshino bị giết, hai nghi phạm, các nhân chứng và manh mối đều rõ ràng, thủ pháp gây án không quá phức tạp. Vậy sức hút của Ác nhân, cũng như tính “thách thức” của nó nằm ở đâu? Người đọc dễ dàng nhận ra, trong cái giọng văn chậm rãi và tỉ mỉ, trong những tình tiết được chọn lựa, thậm chí trong sự phát triển tâm lý của mỗi nhân vật… thách thức chính là sự thâm nhập và đồng cảm với mỗi nhân vật.
Tuy cuốn sách là một tiểu thuyết với các mẩu tình tiết riêng biệt được sắp đặt cạnh nhau, cùng vận động theo một trục sự kiện chính – vụ giết người chưa được làm sáng tỏ, nhưng người đọc cũng hoàn toàn có quyền cảm nhận nó như một tuyển tập truyện ngắn với những câu chuyện đơn lẻ bị cắt nhỏ và xáo trộn.
Trong cuốn sách, có khoảng 13 nhân vật xuất hiện. 13 nhân vật này không chỉ là nạn nhân, thủ phạm, nhân chứng hay những người liên quan đến nạn nhân, họ còn là 13 “mẫu vật” được nghiên cứu kĩ càng dưới sự quan sát và ngòi bút miêu tả của Yoshida Shuichi. Các trường hợp cụ thể được nghiên cứu, để thấu tỏ nỗi cô độc và tuyệt vọng ẩn giấu trong mỗi con người.
Bìa tiếng Nhật của cuốn sách
Một tiểu thuyết giống như những mẩu truyện ngắn độc lập đan cài với nhau? Ý tưởng này có chút điên rồ, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được. Mỗi nhân vật xuất hiện trong Ác nhân đều cất giữ một câu chuyện, một tính cách, một vệt tối trong tâm hồn. Những đặc điểm riêng biệt này đã được Yoshida Shuichi miêu tả một cách tỉ mỉ, chi tiết tới từng biến đổi mong manh nhất – như cái cách một nhà khoa học nhìn ngắm một tiêu bản trong phòng thí nghiệm. Xâu chuỗi được những “mẩu” mẫu vật được rải khắp cuốn sách, độc giả sẽ tự xây dựng được cho mình một “truyện ngắn” độc lập, cũng chính là bức tranh chân dung một nhân vật cụ thể trong tổng thể cuốn tiểu thuyết lớn kia.
Phiên bản tiếng Việt của cuốn sách
Như lời nhận xét của Newark Star-Ledger, Ác nhân là “Một khảo cứu hấp dẫn về sự cô độc và nỗi tuyệt vọng”, hơn 400 trang của cuốn sách sẽ đưa độc giả đến với những con người rệu rã và mệt mỏi, cố gắng trong vô vọng bám víu vào một điều hoang mang mơ hồ: hạnh phúc. Những cô gái làm đủ mọi cách để kiếm được một tấm chồng có thể nương tựa, những cô gái khác thì chỉ cần ai đó kéo họ khỏi nỗi cô đơn, một gã đàn ông trống rỗng chỉ biết tìm khoái cảm trên sự cười đùa vô nghĩa, những đôi vợ chồng già phải chịu cảnh bạo hành tinh thần bởi cả xã hội… Quá nhiều lạc lõng và cô đơn, tới độ khi những mảnh đời cô độc tìm được nhau trong hân hoan hạnh phúc, thì sự kiện ấy trở nên khó chấp nhận – bởi cả những người cảm nhận nó đang diễn ra với mình, hay những người đứng xung quanh và phán xét nó.
Những câu chuyện cứ luẩn quẩn trong cái vòng cô độc – tuyệt vọng – cô độc ấy, cho đến khi một mắt xích bị phá bỏ. Giống như bầu trời xanh hiện ra sau cơn mưa giông u ám trên đèo Mitsuse. Một chút tươi sáng loé lên sau những ủ ê bất hạnh kéo dài, khi mà người ta hiểu rằng chỉ bằng đấu tranh với chính bản thân mình, họ mới tìm được lối thoát.
Tuy là một cuốn tiểu thuyết trinh thám – tâm lý, cốt truyện không quá phức tạp nhưng Ác nhân cũng tạo ra được những “nút thắt”, những điểm “mù” đánh lạc hướng độc giả về chân tướng sự việc. Từ một thủ phạm đã biết, tác giả tung ra những dữ kiện… bắt họ cảm thấy mình muốn anh vô tội. Rồi ngay khi người đọc tin anh ta vô tội, và bắt đầu nghĩ họ thấu hiểu anh ta, câu chuyện tiếp tục đổi chiều…
Poster bộ phim chuyển thể cùng tên năm 2010
Mỗi con người đều cất giữ những câu chuyện, những bí mật. Đó là những điều làm nên con người họ. Nhưng họ chỉ được “định nghĩa” bằng những người xung quanh. Ác nhân tập trung xây dựng nên một câu chuyện li kì và giàu cảm xúc trên cảm hứng về sự đối lập giữa cái bên trong – bên ngoài ấy. Và cuốn sách là một thành công thực sự, khi xen lẫn giữa những chương sách tuyệt vời trong việc xây dựng và mô tả tâm lý nhân vật, người đọc có cơ hội được trải nghiệm vào quá trình làm sáng tỏ một vụ án li kì.
Trinh thám tâm lý hay tiểu thuyết tâm lý, Ác nhân vừa là một trong số đó, vừa là tất cả trong số đó. Cuốn tiểu thuyết là một trải nghiệm không thể bỏ qua với những độc giả của những thể loại có thể xem là kén người đọc này.