Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1898, “Chiến tranh giữa các thế giới” (tên gốc: “War of the Worlds”) là một lời dự báo u buồn cho tương lai của nhân loại.
Tác giả cuốn sách – Herbert George Wells (1866-1946) là một trong hai vị “cha đẻ” của dòng sách khoa học viễn tưởng (người còn lại không còn xa lạ, chính là Jules Verne với các tác phẩm nổi tiếng như Hai vạn dặm dưới biển, Cuộc phiêu lưu vào tâm Trái đất…). Tuy H.G.Wells và Jules Verne xuất hiện trong cùng một giai đoạn lịch sử, nhưng phong cách viết và quan điểm của họ rẽ theo hai ngả khác nhau. Nếu những cuốn sách của Verne thiên về háo hức khám phá và lạc quan trước những bước tiến mới trong hành trình khám phá thế giới của nhân loại thì Wells ngược lại, nhìn nhận những sự việc này bằng một cái nhìn trĩu nặng lo âu. Góc nhìn này được thể hiện hết sức rõ nét xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông từ năm 1883 cho tới khi qua đời vào năm 1946.
Herbert George Wells (1866-1946)
Chiến tranh giữa các thế giới là một trong những cuốn sách thuộc giai đoạn đầu sự nghiệp của H.G.Wells, minh chứng rõ nhất cho những xu hướng sáng tác ấy.
Cuốn sách tường thuật lại sự kiện người sao Hoả đổ bộ lên Trái đất và cuộc xâm lăng kéo dài gần một tháng trời sau đó. Làng mạc bị thiêu rụi, con người bị thảm sát bởi Tia Nhiệt bắn ra từ những con tàu và những cuộn khói độc màu đen kịt, Luân Đôn bị xoá sổ, những người sống sót bỏ chạy trong kinh hoàng… Nhân chứng của tất cả chuỗi sự kiện ấy là một người Trái đất nhỏ bé. Anh ta buộc phải lao vào một cuộc đào thoát điên cuồng, để rồi tự hoài nghi “Có lẽ tương lai nằm trong tay họ, chứ không phải chúng ta”.
117 năm là khoảng thời gian đủ dài để chứng minh tính “vượt thời gian” của Chiến tranh giữa các thế giới. Việc cuốn sách được xuất bản từ thế kỉ 19 không hề ngăn cản việc nó đã dự báo trước, không phải thảm hoạ, mà là góc nhìn của những con người ở thế kỉ này – vốn dĩ sống cách xa nó đến hơn 100 năm có lẻ. Loài người càng tiến thêm được những bước sâu hơn, xa hơn vào vũ trụ thì mối nghi ngờ của họ, dự cảm của họ, thậm chí cả sự tự ti của họ đối với một điều bất trắc vô hình cũng vì thế mà không ngừng tăng lên.
Phiên bản tiếng Việt của cuốn sách được ra mắt vào tháng 4/2015
Chả những thế mà điện ảnh và văn học không thiếu những bộ phim kể về các cuộc xâm lăng, các cuộc chiến tranh chống lại thế lực từ bên ngoài Trái đất, nhưng chẳng mấy khi xuất hiện những tác phẩm kể về việc họ đến với chúng ta cùng hoà bình và thiện chí. Trong thế kỉ này, con người chìm sâu hơn vào những suy tưởng u ám về tương lai. Hậu tận thế trở thành một chủ đề phổ biến cho các tác phẩm điện ảnh hay những bộ tiểu thuyết ăn khách, những người ngoài hành tinh ngày càng được mô tả giống như các thế lực xâm lăng tàn bạo và không thể thương lượng…
Giữa một thời kì mà Cách mạng công nghiệp mới chỉ đi qua được già nửa thế kỉ, mở ra những khả năng không tưởng trong chế tạo máy móc hay giao thông vận tải… H.G.Wells mổ xẻ những vấn đề ấy một cách thực tế, có phần u ám và tiêu cực, nhất là khi xem xét những ảnh hưởng của quá trình ấy lên cuộc sống của con người.
Trong cuốn sách của mình, ông mô tả cỗ máy của bọn xâm lăng là những khối máy móc khổng lồ với chùm Tia Nhiệt có khả năng thiêu đốt mọi thứ chỉ bằng một tia sáng. Quân đội đã tiêu diệt được một trong số những cỗ máy ấy, nhưng hoàn toàn nhờ vào may mắn. Những cỗ máy giết người ấy vẫn là kẻ chiến thắng sau cùng trong mỗi trận chiến, và loài người trở thành kẻ trốn chạy trên chính đất đai quê hương mình.
Tác phẩm minh hoạ một chương của cuốn sách
Con người trong tác phẩm viễn tưởng của Wells không có cách nào chiến thắng được máy móc của người sao Hoả, cũng giống như ngày hôm nay, chúng ta không thể sống thiếu đi sự hỗ trợ của máy móc trong mọi ngóc ngách của đời sống hàng ngày. Điểm khác nhau, có lẽ ở chỗ những cỗ máy của Wells chứa bên trong đó người sao Hoả, còn những cỗ máy ngày hôm nay, ơn giời, chứa bên trong đó chất xám của những kĩ sư chế tạo là con người.
Xây dựng nên câu chuyện về một cuộc xâm lăng của người sao Hoả với lối kể mang tính tường thuật thiên về mô tả các sự kiện, sự vật nối tiếp nhau, H.G.Wells đã tạo ra cho cuốn sách của mình thứ không khí ngột ngạt, chết chóc và đầy hăm doạ những kẻ tìm đến với nó. Đó dường như không đơn thuần chỉ là một cuộc chiến tưởng tượng với những người sao Hoả bắn Tia Nhiệt huỷ diệt mọi thứ, những miền quê hoang tàn đổ nát, khí độc, những dòng người di tản… đó còn là một sự tiên đoán chính xác không ngờ về cuộc chiến tranh (lần này là giữa con người với con người) diễn ra chỉ một vài năm sau đó, trong thực tại.
Khoa học là một chuỗi những tiến bộ mới, mà nhiều điều trong số đó sẽ quay ngược lại phủ nhận những điều trước đó. Thế nhưng trong Chiến tranh giữa các thế giới, toàn bộ những công nghệ tân tiến của người sao Hoả được Wells mô tả lại không hề cũ đi, hay rơi vào thoái trào. Độc giả ngày nay hoàn toàn có thể tiếp nhận những khái niệm được đưa ra trong cuốn sách mà không mảy may cảm thấy chút “lỗi thời” nào trong đó.
Chẳng những thế mà bộ phim cùng tên của đạo diễn Steven Spielberg làm năm 2005 với sự tham gia của nam tài tử Tom Cruise dựa trên cảm hứng từ cuốn sách này đã sử dụng lại toàn bộ những hình mẫu và sự kiện được mô tả trong cuốn sách với những thay đổi duy nhất là bối cảnh và nhân vật được chuyển về thời hiện đại. Thật kì lạ khi những gì được mô tả là xảy ra vào thế kỉ thứ 19 lại vận hành một cách vô cùng “trơn tru” trong một bối cảnh mới cách nó cả trăm năm lịch sử. Điều này càng minh chứng rõ ràng tính “dự báo” của H.G. Wells khi ông sáng tác ra cuốn sách này.
Poster bộ phim War of the Worlds (2005)
Một tấm gương vỡ mãi mãi không thể là một tấm gương lành, giống như hoà bình sau chiến tranh không bao giờ là hoà bình trước cuộc chiến ấy. Trong Chiến tranh giữa các thế giới, người ta vẫn tiếp tục sống, và làm những việc người ta vẫn thường làm, nhưng trong thẳm sâu suy nghĩ, mỗi người trong số họ đều biết rằng họ đã cách xa mãi mãi những tháng ngày yên bình trong quá khứ. Thế giới ấy đã mất đi vĩnh viễn, không thể vãn hồi. Cùng với sự mất mát ấy, con người biết rằng giờ đây họ mãi mãi không còn an toàn, nhỏ bé và dễ bị tấn công giữa vũ trụ bao la này.