Bộ sách gồm hai quyển "Sài Gòn chở cơm đi ăn phở" và "Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê!" của nhà văn Ngữ Yên đưa người đọc đi trải nghiệm văn hóa ẩm thực Sài Gòn đầy thú vị.
Hành trình khám phá ẩm thực Sài Gòn của tác giả Ngữ Yên có thể đã kéo dài hơn 20 năm. Trong khoảng thời gian ấy, ông xuất hiện đều đặn trên một số tờ báo được đọc nhiều (Sài Gòn Tiếp Thị bộ cũ, Thế Giới Tiếp Thị,…) với từng vệt bài về chuyện “ăn rong” được độc giả đón nhận, bàn tán, có những bài viết đã tạo ra dư luận.
Hành trình đó của Ngữ Yên cũng được gói lại trong những tác phẩm như Người ăn rong (nay tái bản với tựa Sài Gòn chở cơm đi ăn phở), Người ăn rong 2 và cuốn mới nhất: Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê!
Hai cuốn Sài Gòn chở cơm đi ăn phở và Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê! có thể xem là một combo sách khám phá, trải nghiệm văn hóa ẩm thực Sài Gòn đầy thú vị; là “hàng hiếm” trên kệ sách viết về chuyện ăn uống hiện nay. Bộ sách là tập hợp những câu chuyện về ẩm thực Việt Nam nói chung được nhìn từ góc Sài Gòn. Tính cách, lối tư duy kiểu người Sài Gòn cũng chi phối trong phương pháp, văn ngôn.
Trong đó, có Sài Gòn của dân tứ chiếng, tứ hải giai huynh đệ. Sách là hội tụ những món ăn thật quen thuộc còn mang hương vị những quê nhà như: bát canh chua, mắm kho quẹt… nhưng cũng có những món ăn đậm chất vùng miền như tô canh khế, nồi lẩu rắn, nồi cháo nấm tràm.
Hơn thế nữa, còn có những món đang bàn cãi nảy lửa, như món thịt chó nhưng dù đứng “chiến tuyến” nào, cũng phải thừa nhận một điểm rất chung: đây là món từng khá phổ biến của một thời mà bất kỳ dân ăn rong nào cũng có thể từng bị “cám dỗ”!
Ngữ Yên thuộc tuýp người viết (và ăn) không ưa khoa trương son phấn, chống lại thứ “chủ nghĩa lưỡi dân tộc”, những kê cứu tỉ mỉ, sử liệu hay kiến thức y thực được hài hòa trong một lối quãng diễn có khí chất “giang hồ”, tự nhiên và đôi chỗ quá đỗi ngang tàng. Người đọc như thể được tham gia vào một cuộc tán dóc, cà kê hào sảng trên bàn nhậu vỉa hè hay một cuộc đàm luận thú vị bên mâm cơm ngày nhàn rỗi.
Ông khéo léo đưa vào đó một hàm lượng y thực, ghi chép ẩm thực, và dĩ nhiên, không thiếu những công thức chế biến của những đầu bếp có tên tuổi lẫn vô danh. Trên tất cả, sau món ăn là lịch sử, là ân tình, ký ức, sự chuyển dịch của tâm tính cộng đồng. Giọng điệu hài hước, thâm thúy xuyên suốt hai tập sách át báng cái “mùi” khô khan của sử liệu, khiến chuyện của trăm, ngàn năm trước sống động, thơm lành và quen thuộc như một bữa cơm nhà.
Từ câu chuyện ẩm thực, bức tranh về đời sống Sài Gòn trong mắt của những người dân nhập cư cũng hiện lên sống động. Sài Gòn không có đặc sản nhưng lại ôm vào, nâng niu đặc sản của mọi vùng miền, quốc gia. Có những khu chợ người Quảng, những “thiên đường” món Bắc, những phố ẩm thực Hàn, Nhật, Thái...
Nhiều bài viết được giới thiệu trong tập sách là chuyện “một thuở”, có thể xem như chất liệu lịch sử để người ngày sau có thể hiểu hơn về “ngày xưa”, về một bối cảnh rộng lớn hơn phạm vị cái ăn, mâm ăn, bàn ăn thời tác giả đang sống, khám phá và viết. Trong sự dịch chuyển của món ăn, cách ăn, có thể nhìn thấy những đổi thay của dòng đời, thế cuộc như cách mà Ngữ Yên đã viết trong lời mở sách của Sài Gòn chở cơm đi ăn phở và Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê!, bao nhiêu nước đã về xuôi, tồn hư thật vô thường.