Theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN/Dân Việt tại vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xuất hiện nhiều lái buôn Trung Quốc tìm về mua, chọn vải đưa về nước. Giá vải trung bình được các lái buôn này mua khoảng từ 16.000 đồng đến trên 20.000 đồng/kg, tùy loại.
CLIP: Thương lái Trung Quốc bắt đầu đổ về Lục Ngạn mua vải đưa về nước.
Dưới thời tiết nắng nóng, nông dân tại các vùng vải của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn đổ ra ruộng thu hoạch vải bán cho các lái buôn.
Ông Đoàn Văn Thơm bắt đầu thu hoạch vải chính vụ tại vườn của gia đình ở Lục Ngạn (Bắc Giang). "Năm nay thời tiết ủng hộ, các vùng vải của Lục Ngạn được mùa và chất lượng vải cũng tốt hơn mọi năm. Dù giá có rẻ hơn năm 2017 nhưng tính ra bà con vẫn có lãi nên mọi người vẫn rất phấn khởi", ông Thơm nói.
Nông dân Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn chở vải bằng xe máy đưa ra các điểm chợ trên địa bàn bán cho các lái buôn.
Những ngày đầu tháng 6, dù chưa vào chính vụ vải nhưng theo quan sát của phóng viên con đường ngang qua huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ngập tràn sắc đỏ, xe chở vải tắc nghẽn cả đường. Theo chia sẻ của người dân Lục Ngạn, nhìn chung năm nay nông dân được mùa vải. Tuy giá cả không được cao bằng những năm trước, nhưng việc tiêu thụ diễn ra khá thuận lợi. Vải thu hoạch đến đâu, bán hết ngay đến đó.
Không khí mua, bán vải diễn ra tấp nập tại phố Kim, thuộc địa phận của xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Giá vải u hồng (vải chín sớm) được cái lái buôn Việt và Trung Quốc thu mua từ 8.000 đồng đến trên dưới 10.000 đồng/kg tùy loại. "Năm nay vải Lục Ngạn được mùa và có chất lượng tốt nên việc thu mua của chúng tôi cũng khá dễ dàng", anh Phương, một lái buôn thu mua vải đưa đi Sài Gòn chia sẻ.
Vải Thanh Hà (vải chín sớm) ở Lục Ngạn có màu sắc bắt mắt và chất lượng rất ngon, độ đường cao nên được các lái buôn thu mua với giá cao từ trên 10.000 đồng đến trên dưới 20.000 đồng/kg.
Cảnh tấp nập thu mua vải tại cơ sở của bà Bà Nguyễn Thị Hoài, một trong những cơ sở thu mua vải lớn ở Lục Ngạn (Bắc Giang). "Hiện, chúng tôi đang bắt đầu thu mua vải chính vụ của bà con Lục Ngạn để chuyển đi Sài Gòn, nhìn chung năm nay chất lượng vải rất cao, quả đẹp, dù giá có phần hơn thấp so với năm trước nhưng nông dân vẫn dễ tiêu thụ", bà Hoài cho hay.
Vào những ngày này, trung bình mỗi ngày cơ sở của bà Hoài thu mua hàng chục tấn vải các loại đưa đi Sài Gòn tiêu thụ.
Các công nhân tại cơ sở thu mua vải của bà Đào Thị Hương ở Lục Ngạn phải làm việc hết công suất để có đủ hàng bán cho lái buôn Trung Quốc.
Một lái buôn Trung Quốc (áo xanh) kiểm tra, lựa chọn vải trước khi đóng thùng xốp đưa về nước. "Mấy ngày nay các lái buôn Trung Quốc đã bắt đầu đổ về Lục Ngạn thu mua vải để đưa về nước họ tiêu thụ nên việc buôn, bán vải của nông dân và lái buôn Việt cũng thuận lợi và được giá hơn", bà Hoài tiết lộ.
Việc lựa chọn thu mua vải của lái buôn Trung Quốc cũng khá kỹ, họ thường chọn mua các loại vải chín sớm (vải Thanh Hà, u hồng) và vải chính vụ có quả đẹp, chất lượng tốt với giá trung bình mua từ 15.000 đồng đến trên 20.000 đồng/kg tùy loại và thời điểm mua.
Các xe ô tô dừng tại các điểm thu mua vải "ăn" hàng khiến các đoạn đường chạy qua địa phận các xã của huyện Lục Ngạn có thời điểm bị ùn tắc.
Gần 100 thương lái Trung Quốc sang thu mua vải Lục Ngạn Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho hay: Thời điểm này Lục Ngạn mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải chín sớm, còn vụ vụ vải chính vụ phải tầm một tuần đến 10 ngày nữa mới bắt đầu thu hoạch. Năm nay theo đánh giá của chúng tôi, vải thiều tại Lục Ngạn được mùa tương đối lớn, trong khi đó giá vải đầu mùa cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn một chút so với năm 2017 với giá bán của bà con từ 15.000 đồng đến 18.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, một số vườn vải chính vụ dù chưa thực sự chín nhưng nông dân vẫn thu hái và bán được giá từ 22.000 đồng đến trên 25.000 đồng/kg, tùy loại. Hiện trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang có khoảng trên 80 thương nhân Trung Quốc đã và và chuẩn bị thu mua vải thiều sớm và chính vụ cho nông dân trên địa bàn. Thời điểm này, sản lượng vải của huyện đang đưa ra thị trường khoảng trên dưới 100 tấn/ngày nên cũng chỉ đáp ứng được cho vài, bà doanh nghiệp thu mua, còn nếu đông đội ngũ doanh nghiệp này thu mua thì thị trường sẽ lại có thể rơi vào cảnh khan hiếm hàng. |