Anh kể em nghe: Ngày xưa, có một chuyện tình...

Ngày 06/11/2016 00:32 AM (GMT+7)

Cuốn sách Ngày xưa có một chuyện tình mang phong cách hoàn toàn mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể về câu chuyện tình bạn và tình yêu đầy cảm động.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường được độc giả mệnh danh là nhà văn của thiếu nhi và tuổi mới lớn. Do đó, tác phẩm mới nhất của ông có tựa đề Ngày xưa có một chuyện tình có thể sẽ khiến nhiều bạn đọc bất ngờ bởi sự lột xác trong nội dung và phong cách viết của tác giả. Thậm chí, cuốn sách còn từng bị đưa lên bàn cân về giới hạn độ tuổi người đọc bởi đề cập tới chuyện “ăn cơm trước kẻng” của lớp trẻ. Nhưng chính cách đề cập khéo léo và tính giáo dục cao của tác phẩm đã xóa tan những e ngại của mọi người về vấn đề "người lớn" trong đó.

Anh kể em nghe: Ngày xưa, có một chuyện tình... - 1

Ngày xưa có một chuyện tình được kể lại bởi cả ba nhân vật chính là Miền, Phúc, Vinh và được bé Su ghi chép lại. Cách kể chuyện này giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về từng sự kiện diễn ra, tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc và có chiều sâu. Mỗi con người khi lựa chọn một con đường đều có những suy nghĩ lẫn khổ tâm ẩn giấu trong lòng. Vì vậy, bút pháp mới lạ của Nguyễn Nhật Ánh đã bóc tách được từng mảng tâm hồn của các nhân vật để bạn đọc có thể hiểu và cảm thông cho lựa chọn của họ.

Anh kể em nghe: Ngày xưa, có một chuyện tình... - 2

Truyện dài Ngày xưa có một chuyện tình kể lại câu chuyện của ba đứa trẻ ở một thị trấn nhỏ ở miền Trung từ khi chúng học cấp 2, lên cấp 3, đi học đại học rồi dựng vợ gả chồng. Ai cũng phải thốt lên rằng: “à, ngày xưa mình cũng như thế” khi đọc những câu chuyện của Miền, Phúc và Vinh rồi bật cười nhớ lại tuổi thơ của mình. Đó là chuyện về đứa bạn cậy to xác mà bắt nạt kẻ yếu, hoặc có khi lại là cậu bạn bề ngoài thì nhỏ bé nhưng sẵn sàng thấy “chuyện bất bình chẳng tha”. Ai cũng từng bất chợt nhận ra mình thích một người dù rằng đó là lời nhận định của một đứa bạn chưa từng biết chuyện tình yêu là gì đưa lại...

Khi tình yêu gieo xuống hạt giống trên mảnh đất tình bạn thì ba đứa trẻ lại vướng vào câu chuyện tình yêu tay ba. Mối tình đầu gặp phải thử thách, họ sẽ lựa chọn thế nào? Đấu tranh để có được tình yêu hay rút lui để giữ lấy tình bạn khăng khít?

Anh kể em nghe: Ngày xưa, có một chuyện tình... - 3

Phúc cá tính, có sức hút kì lạ, sẵn sàng nắm lấy tình yêu của mình. Vinh lại là cậu nhóc nhát gan, không dám tỏ tình với người mình thích. Miền có ba hay say rượu,anh trai thì hay gây chuyện đánh nhau nhưng lại là cô thiếu nữ hiền lành, thích đọc sách. Mỗi đứa trẻ mỗi tính cách đã tạo nên những mảnh ghép cuộc đời khác nhau. 

Khi Phúc và Miền yêu nhau, Vinh đã quyết định rút lui để hai đứa bạn thân của mình có được hạnh phúc. Nhưng tình yêu nào cũng có sóng gió. Số phận trớ trêu khiến Phúc phải rời quê hương đi biền biệt còn Miền hoảng hốt đối mặt với việc trở thành bà mẹ đơn thân ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Miền sẽ phải đối mặt với dư luận xã hội và phải làm gì để có thể nuôi nấng đứa trẻ?

Anh kể em nghe: Ngày xưa, có một chuyện tình... - 4

Chính việc thiếu hiểu biết dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn khiến Miền phải bỏ học giữa chừng. Nỗi nhớ dai dẳng khi phải sống xa con rồi khi được sống nhau cũng không được nhận con vì sợ điều tiếng của xóm làng đã đi theo Miền suốt cả tuổi trẻ. Dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, khó khăn của một cô bé khi phải trưởng thành sớm vì một sai lầm thuở dại khờ đã được lột tả chân thực nhất. Không thuyết giáo một cách khuôn sáo, câu chuyện chân thực trong Ngày xưa có một chuyện tình dễ dàng đi sâu vào suy nghĩ của những đứa trẻ mới lớn, đưa lại những bài học đắt giá để chúng có thể lựa chọn con đường đúng đắn cho bản thân mình.

Anh kể em nghe: Ngày xưa, có một chuyện tình... - 5

Song song với tình yêu đứt gánh giữa đường của Phúc - Miền chính là tình yêu thủy chung son sắt, cao thượng, sẵn sàng hi sinh vì người mình yêu của Vinh. Nhưng khi Phúc trở về muốn cùng Miền và bé Su bỏ trốn thì những tâm ý của Vinh bất chợt lung lay dữ dội. 

Câu chuyện tình tay ba và tình bạn từ thuở thiếu thời của ba đứa trẻ rồi sẽ ra sao? Phúc liệu có quá ích kỉ khi muốn đưa Miền và bé Su ra đi hay đó là mong ước chính đáng của một người sống vì tình yêu? Vinh có phải là một người không biết đấu tranh vì tình yêu khi tạo cơ hội cho Miền ra đi hay đó là vì quá yêu nên tôn trọng quyết định của người mình yêu? Miền rồi sẽ phải lựa chọn như thế nào?

Anh kể em nghe: Ngày xưa, có một chuyện tình... - 6

Bên cạnh tình bạn và tình yêu, khúc ca về tình thân cũng được ngân lên suốt cả cuốn sách. Một người cha suốt ngày say xỉn nhưng khi con gái đứng trước những vấp ngã đầu đời lại không đánh mắng, trách cứ mà chỉ lựa chọn bảo bọc cho con mình. Một người cha tưởng rằng đã vô tình làm chết người, trong giờ phút quan trọng chỉ nghĩ đến sự trưởng thành của con trai. Ông lựa chọn sống trong sự dằn vặt của tòa án lương tâm khi bỏ trốn, chỉ mong con có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình thì sẽ quay về tạ tội. Tình thân chính là ánh dương vĩnh viễn sưởi ấm cho thành viên trong gia đình.

Anh kể em nghe: Ngày xưa, có một chuyện tình... - 7

Độc giả chắc chắn đã quen thuộc với cách kể chuyện nhẹ nhàng, tinh khôi và kết thúc mở trong các tác phẩm dành cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh như Bồ câu không đưa thư, Buổi chiều Windows, Bảy bước tới mùa hè... Những rung động đầu đời thuần khiết và còn nhiều vụng dại chính là những cảm xúc chủ đạo trong các tác phẩm này. Còn ở Ngày xưa có một chuyện tình, từng câu từng chữ lại chuyên chở cảm xúc của sự trưởng thành.

Anh kể em nghe: Ngày xưa, có một chuyện tình... - 8

Suy nghĩ của từng nhân vật đã được Nguyễn Nhật Ánh nắm bắt một cách đầy tinh tế. Những nút thắt làm người đọc thấy nghèn nghẹt trong tim cuối cùng lại được tháo ra hết sức hợp tình hợp lí. Cái tài đặc biệt nhất của nhà văn chính là dùng ngôn từ để cuốn hút tâm hồn của bạn đọc. Để khi đọc xong, ta vẫn không nỡ gấp cuốn sách lại vì còn muốn đắm chìm trong cảm xúc mà nó mang lại.

Minh Tuệ / Ảnh: Alex
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nguyễn Nhật Ánh