Khách du lịch muốn thưởng thức gié bò một cách dễ dàng nên ghé Bình Định vào dịp lễ hội Đống Đa. Khi đó, các nhà hàng ở Tây Sơn đều đưa món ăn này vào thực đơn với giá phải chăng, từng 40.000 đồng/bát.
Nhắc đến Bình Định, nhiều người sẽ nghĩ đến giai thoại lịch sử hào hùng của triều đại Tây Sơn hoặc những bãi biển trải dài đón nắng rực rỡ. Song ít ai biết rằng vùng đất này còn có nhiều đặc sản làm nức lòng khách thập phương mỗi khi ghé thăm.
Trong muôn vàn đặc sản ngon khiến bao người mê mệt, chúng ta không thể không kể đến gié bò – món ăn chế biến chủ yếu từ ruột non của bò.
Chị Võ Thị Minh Thảo (34 tuổi, quê Tây Sơn, Bình Định) cho biết: "Xưa gié bò là món ăn của đồng bào Ba Na ở Tây Sơn Thượng Đạo (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) và được lưu truyền đến ngày nay. Hằng ngày, khi vào dịp lễ hội Đống Đa hay ngày Tết cổ truyền, các quán ăn ở Tây Sơn đều có món gié bò để phục vụ khách hành hương về thăm quê hương đất võ".
Gié bò – món ăn chế biến chủ yếu từ ruột non của bò.
Dẫu vậy gié bò không phải là món ăn dễ nuốt, thường chỉ người sành ăn mới có đủ "can đảm" để khoái khẩu. "Hầu như ai lần đầu thưởng thức gié bò đều cảm thấy khó nuốt vì nó được nấu hoàn toàn bằng ruột non của bò nên rất đắng và hôi", chị Minh Thảo nói.
Gié bò chế biến chủ yếu từ ruột non của bò. Khi mổ bò, người ta sẽ chọn khúc ruột non ngon nhất, còn tươi, bên trong còn chất nhầy trong xanh (gọi là gié – PV). Đặc biệt ruột phải tươi thì gié mới không hôi và dùng được.
Sau đó họ xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Tiếp đó họ ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong 10 phút cho thấm. Xong xuôi họ lấy các đoạn ruột non, gan bò cắt miếng nhỏ ướp với hành, tỏi, muối…
Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung để thành món gié. Để khử vị đắng, mùi hăng của gié khi nấu cần phải bỏ thêm sả, gừng, lá giang rừng và ớt chín bão hoà với chua cay. "Ăn gié đúng gu phải cho thêm vài giọt mật bò vào nồi cho có vị hơi đắng đậm mới ngon", chị Minh Thảo tiết lộ bí quyết để làm món gié Bình Định đúng chuẩn.
Để khử vị đắng, mùi hăng của gié khi nấu cần phải bỏ thêm sả, gừng, lá giang rừng và ớt chín bão hoà với chua cay.
Gié bò phải ăn khi nóng mới ngon. "Ai lần đầu khi mới ăn sẽ có cảm giác chưa quen miệng bởi có vị đắng nhưng càng ăn quen sẽ thấy ngon. Mùi thơm của rau, vị đắng của nước gié với vị chua chua của lá giang, vị cay bỏng của ớt… tạo nên một cảm giác chỉ món ăn này mới đem lại cho thực khách.
Khi thưởng thức, gié bò được múc vào tô, trên mặt có vài lát củ hành, rau thơm. Món ăn sẽ được ăn cùng bún, bánh tráng và rau sống", người phụ nữ đất võ nói.
Gié bò có thể thưởng thức quanh năm, dù mùa đông hay hè thì vẫn có thể ăn được và đem lại cảm giác ngon, thơm, beo béo. Đặc biệt món ăn này thưởng thức cùng với ly rượu Bầu Đá – một đặc sản khác của Bình Định thì không còn gì bằng.
Anh Thạch Ngọc Hành (36 tuổi, TP.HCM) cho hay: "Tôi rất hay phải đi công tác và may mắn được thưởng thức nhiều đặc sản vùng miền. Trong đó tôi ấn tượng nhất với gié bò – món ăn tưởng chừng khó ăn vì thoạt đầu rất hôi và đăng đắng. Song tôi ăn nhiều lần lại thấy nó beo béo, ngây ngấy… đặc biệt rất thích hợp để nhậu".
Cũng theo anh Ngọc Hành, khách du lịch muốn thưởng thức gié bò một cách dễ dàng nên ghé Bình Định vào dịp lễ hội Đống Đa. Bởi khi đó, các nhà hàng ở Tây Sơn đều đưa món ăn này vào thực đơn với giá phải chăng, từng 40.000 đồng/bát. Vì thế bất cứ ai muốn ăn đều có cơ hội để thưởng thức.