Một sự khôi hài có chủ đích, lộn xộn có logic và kịch tính có chất đời – đó chính là những gì người ta có thể nói về “Ở trọ Sài Gòn” của tác giả trẻ Nguyễn Hoàng Vũ.
"Tôi là một thằng con trai, điều này chắc bạn biết rồi. Tôi tên là Vũ, điều này chắc bạn cũng biết rồi (hoặc chưa, không quan trọng). Điều quan trọng mà tôi muốn nói ở đây là, bạn đừng nên đồng nhất tôi với… thằng cha tác giả của cuốn sách này. Tôi không phải hắn. Tôi đẹp trai hơn! Cái tên của tôi cũng ấn tượng hơn: Lê Hồng Vũ. (Mở ngoặc chút xíu: Bạn có thể gọi tôi là Vũ. Không thì cứ lôi cả họ và tên của tôi ra mà kêu gào. Tuyệt đối đừng gọi tôi là Hồng Vũ. Tôi rất ghét bị gọi như vậy. Đừng hỏi tôi tại sao.)" - trích Ở trọ Sài Gòn.
Bìa cuốn sách "Ở trọ Sài Gòn".
Và đúng như tên gọi, “Ở trọ Sài Gòn” là cuốn sách viết về cuộc sống của một sinh viên năm nhất lên Sài Gòn trọ học. Một bước ngoặt mở ra một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới lạ lẫm với nhiều điều thú vị cũng như những va vấp mà bạn có thể chưa từng gặp trong đời - “Ở trọ Sài Gòn” chính là bức tranh vừa toàn cảnh vừa chi tiết về thế giới ấy - nơi mà bạn có thể bắt gặp hình ảnh mình trong đó nếu bạn là những sinh viên năm nhất, hoặc bạn có thể mỉm cười khi thấy thấp thoáng hình dáng cũ của mình - nếu bạn đã trải qua những năm tháng đầu tiên bước chân vào cổng trường đại học.
Chủ đề không thật sự quá mới lạ, nhưng điều đáng nói là, cây bút trẻ Nguyễn Hoàng Vũ đã thể hiện thành công và xuất sắc chuỗi câu chuyện không chỉ đơn thuần là những vòng xoáy của học tập, sinh sống của lớp sinh viên non trẻ, mà còn là cuộc hành trình của sự trưởng thành, của khát vọng và những đam mê, hoài bão cùng những mộng tưởng to lớn.
Dưới giọng văn đa sắc màu và lối viết phóng khoáng của tác giả, chắc chắn rằng, rồi bạn sẽ nhìn “Ở trọ Sài Gòn” như một cuốn sách đáng đọc, và nên đọc. Vì hơn hết, đó chính là những gì bạn đã, đang hoặc sẽ trải qua trong đời, để rồi trở thành những hồi ức có thể tốt đẹp, có thể không, nhưng sẽ là những hồi ức khó quên trong cuộc hành trình dài của bạn.