Đừng bỏ qua 7 món đặc sản Sóc Trăng mua về làm quà này nhé!
Bánh in
Bánh in hay còn gọi là bánh trăng – loại bánh đặc sản Sóc Trăng thường được sử dụng để cúng tạ ơn Mặt Trăng vào dịp rằm tháng Tám và lễ hội Ooc – Om – Boc của người Khmer.
Nguyên liệu làm bánh in đơn giản chỉ gồm có gạo nếp, đường cát và nước cốt dừa, đậu xanh. Miếng bánh vừa miệng, thực khách có thể cảm nhận được trọn vẹn đủ vị, độ mềm dẻo của nếp, vị béo quyện cả cốt dừa và đậu xanh bọc sau lớp vỏ bánh trắng mịn.
Loại bánh này rất phù hợp và thuận tiện để du khách mua đặc sản Sóc Trăng làm quà này về cho người thân. Bên tách trà mạn nóng, bạn chỉ cần đặt thêm đĩa bánh in Sóc Trăng và thưởng thức hàn huyên câu chuyện là cũng đủ dông dài chuyện trò.
Ngày nay, bánh in còn có thêm các vị nhân như: nhân dừa, đậu phộng, đậu xanh, bánh màu vàng, màu trắng và nhiều kiểu dáng khuôn mẫu khác nhau. Du khách có thể thoải mái lựa chọn theo sở thích khẩu vị của mình.
Bánh pía
Đặc sản Sóc Trăng làm quà số 1 trong danh sách phải mua của du khách chính là bánh pía. Hương vị ngọt ngào của bánh Pía Sóc Trăng nổi tiếng khắp mọi miền và cả xuất khẩu.
Bánh pía Sóc Trăng đặc sắc với vị ngọt thanh và hương thơm nguyên chất của trái sầu riêng – thức quả đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ. Thưởng thức miếng bánh pía, du khách cảm nhận ngay được độ mềm, dẻo của lớp vỏ bánh; vị bùi bùi của khoai môn hay đậu xanh, vị ngọt thơm của hương sầu riêng, vị mặn và chút béo ngậy của trứng muối…
Chiếc bánh pía nhìn từ bên ngoài có màu vàng cam. Khi cắt đôi chiếc bánh sẽ thấy bên trong là màu đỏ rực của lòng đỏ trứng gà, mùi sầu riêng dậy lên như lời mời gọi hấp dẫn ngọt ngào.
Nhân bánh có nhiều loại, du khách ưa chuộng nhất vẫn là nhân khoai môn, nhân đậu xanh, sầu riêng. Bánh pía Sóc Trăng thưởng thức cùng tách trà nóng là hoàn hảo. Cắn một miếng bánh, hớp một ngụm trà, bạn sẽ cảm thấy độ ngọt của bánh hòa cùng vị đắng của trà tan ra nơi đầu lưỡi.
Mè láo
Bánh mè láo là món bánh phổ biến, truyền thống của người dân Sóc Trăng. Mè láo có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng khi vào đến Sóc Trăng lại được người dân đón nhận và dùng trong nhiều dịp lễ tết. Ruột bánh tơi xốp không quá ngọt và vỏ rất giòn, tạo cảm giác ngon miệng, ăn nhiều mà không bị ngán. Bánh thơm mùi mè rang bám ngoài lớp vỏ giòn rụm. Mè láo rất hợp khi uống cùng một tách trà nóng.
Thành phần mè láo Sóc Trăng bao gồm có mè rang chín, đường mạch nha, khoai môn, bột nếp làm từ lúa mới thơm, dẻo. Điểm đặc biệt ở đây là phần khoai môn được bào mỏng và giã nhuyễn sau đó đem phơi nắng khoảng 2 đến 3 ngày. Sau đó cắt khoai môn thành từng miếng nhỏ và lăn vào bột nếp và viên thành hình tròn sau đó chiên trong chảo dầu sôi. Bánh chín được đem nhúng vào đường mạch nha rồi lăn qua mè đã rang chín đến khi mè bám kín quanh bánh.
Đến Sóc Trăng, du khách có thể bắt gặp và thưởng thức món bánh dân dã này ở nhiều khu chợ ở đây.
Khô thịt heo, thịt trâu Thạnh Trị
Thêm một món đặc sản Sóc Trăng làm quà ai cũng mê đó là món khô trứ danh như thịt heo khô, khô thịt trâu Thạnh Trị. Ở Sóc Trăng, khô heo và khô trâu thường xuất hiện nhiều vào dịp Tết.
Miếng thịt heo phơi khô nướng lên sẽ dậy mùi thơm ngào ngạt, vừa có cái cay cay, càng nhai càng thấy ngòn ngọt, lại dai giòn rất hấp dẫn. Bạn có thể lựa chọn 2 loại là khô thịt heo còn tươi, khi ăn phải được chiên hoặc nướng và loại thịt heo sấy khô cho vào túi có thể mở túi ăn liền. Nhưng nhiều người vẫn thích loại thịt khô vì ít béo hơn và có thể sử dụng để trộn chung với xoài, cóc, bưởi hay lá sầu đâu để làm gỏi lai rai.
Thịt khô trâu ở Sóc Trăng có hương vị thơm ngon với sả bằm, muối, tỏi, ớt. Thưởng thức khô trâu cũng có rất nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Mà muốn nướng ngon, khô thịt trâu phải được ngâm trong nước lạnh khoảng 5 phút, sau đó đem nướng, đặc biệt sẽ ngon hơn nếu nướng bằng than đước. Muốn thịt mềm phải lấy chày cán cho tơi. Sốt chấm khô trâu là trái me chín được dằm với nước sôi để nguội, sau đó cho đường, muối, nước mắm, sả, ớt trộn đều, tạo thành 1 thứ nước chấm sền sệt, chua chua ngòn ngọt, ăn một miếng là nhớ một đời.
Khô trâu Thạnh Trị còn có thể chế biến thành món gỏi khô trâu, xé khô nướng ra thành miếng nhỏ rồi trộn chung với đu đủ bào, cho thêm giấm, ớt, đường, đậu phộng đâm nhỏ, và rau răm nguyên lá…
Thịt heo khô và thịt trâu khô Thạnh Trị đều là những đặc sản Sóc Trăng làm quà hợp cho bạn bè lai rai và thưởng thức trong gia đình.
Bánh ống
Bánh ống là món ăn khá phổ biến, được gọi ví von là món bánh “chung thủy” với người KhMer ở Sóc Trăng. Bánh thơm mùi lá dứa xay nhuyễn, ngọt nhẹ của đường và thơm béo hương nước cốt dừa. Những chiếc bánh có hình ống to bằng cổ tay trẻ em với màu xanh hấp dẫn phổ biến trong đời sống người Khmer Sóc Trăng và xuất hiện cả những dịp lễ tết.
Nguyên liệu làm bánh được đổ vào ống rồi cho vào nồi hấp cách thủy khoảng 2 phút là chín vừa tới. Để hấp dẫn hơn, khi bánh chín thì được cho thêm vào dừa nạo và muối vừng. Bánh ống có thể dùng làm bữa ăn sáng hoặc món ăn vặt vào buổi chiều se lạnh.
Ngày nay, đặc sản Sóc Trăng này đã phổ biến đến nhiều nơi khác như Sài Gòn. Những chiếc xe di động bán bánh ống vẫn tấp nập các cô cậu học trò vây quanh. Vậy nên, khách du lịch đến đúng đất Sóc Trăng chớ quên mang một hộp bánh đặc sản Sóc Trăng làm quà về nhé. Người bán sẽ gói và bọc cẩn thận cho bạn xách tay thuận tiện lên máy bay mang về thưởng thức ngay trong ngày.
Lạp xưởng Vũng Thơm
Lạp xưởng Vũng Thơm là món ăn rất quen thuộc với nhiều người, dễ bảo quản cũng như chế biến, chỉ cần chiên, hấp, luộc hay nướng là đã có thể thưởng thức.
Món ăn này khá giàu chất đạm, được làm từ thịt nạc heo, mỡ heo, rượu Mai Quế Lộ, ruột heo và rượu trắng cùng với gia vị. Đặc sản Sóc Trăng làm quà này có vị thơm ngon béo ngậy. Khi ăn chỉ cần cho lên hơ qua lửa hay đảo qua dầu cho dậy mùi là có thể ăn được.
Lạp xưởng được ăn với cơm trắng, xôi. Lạp xưởng Vũng Thơm có nhiều loại cho du khách lựa chọn làm quà như: lạp xưởng gà, tôm, heo, lạp xưởng mai quế lộ… Một ngày đã ăn 3 cây lạp xưởng thì ngày hôm đó không cần ăn thêm các thức ăn giàu đạm như cá, thịt, trứng…
Bánh gừng
Bánh gừng là loại bánh truyền thống, tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng đối với cộng đồng người Chăm, người dân tộc Khmer.
Bánh có hình dạng như củ gừng, thơm ngon giòn tan, được làm từ gạo nếp trộn với trứng gà. Hỗn hợp đó được nặn thành hình dáng giống củ gừng rồi cho vào chiên trong chảo dầu. Khi bánh chín được nhúng vào phần đường cát đã thắng, tạo một lớp áo mỏng bên ngoài rồi đem phơi nắng, chiếc bánh trơn, láng bóng không bị cong.
Trong phong tục Chăm, bánh gừng có mặt trong các lễ hội quan trọng, đặc biệt nhất là tết Ka te, lễ hội, lễ cưới hoặc cúng tổ tiên. Bánh gừng lúc nào cũng được đặt lên trên hết cùng với bánh tét (paynung) và bánh gang tay (gakiya).