Đây là cuốn sách đoạt giải văn học “Robo no ishi” năm 2000, giải thưởng văn học danh giá của Nhật Bản (Totto-chan, cô bé bên cửa sổ đã nhận giải thưởng này năm 1983).
Tôi “bị” bố bắt cóc là tác phẩm của nữ nhà văn nổi tiếng Mitsuyo Kakuta, người đã giành vô số giải thưởng văn học của Nhật Bản và quốc tế.
Câu chuyện bắt đầu với thông tin gay cấn: một vụ bắt cóc đã xảy ra “Tôi bị BẮT CÓC, ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè.”. Có điều kẻ bắt cóc chính là ông bố khù khờ, còn nạn nhân là cô con gái còn chẳng biết mình yêu hay ghét bố nữa.
Haru học lớp 5, một cô bé thường thường bậc trung như biết bao đứa trẻ lớp 5 bình thường khác, chỉ là Haru đang dần lớn lên mà “quên đi” sự hiện diện của người bố, cho đến khi ông đột ngột chen vào quãng đường trưởng thành của cô bé. Vì đã từ lâu bố mẹ cô sống ly thân mà cô bé thì sống riêng với mẹ.
Và họ đi đâu? Họ tìm gì?
Chuyến đi ấy, hai cha con như kẻ đi tìm ký ức, cùng nếm trải những kỷ niệm ngọt ngào, từ gợi nhớ món ăn ba người từng ăn, tưởng tượng ngôi nhà ba người từng sống, đến gặp lại những người bạn xưa và làm quen với bao người mới.
Chuyến đi ấy, hai cha con lựa chọn cuộc sống phiêu du như mây. Hai đám mây lững thững tận hưởng khoảnh khắc của biển đêm, của bữa tiệc BBQ trong công viên, của quãng đường đạp xe qua những cánh đồng vàng mênh mông.
Chuyến đi ấy, có nhiều khi hai cha con chẳng khác nào kẻ bụi đời. Hai kẻ bụi đời bị giải vào đồn cảnh sát, khám phá nghĩa trang trên núi trong đêm, đi tìm lều ngủ và xe đạp nơi bãi rác.
Chuyến đi ấy, hai cha con đã nắm tay nhau mà đi. Từ “…Lần nắm tay bố gần đây nhất đã lâu đến mức cứ tưởng như mấy trăm năm về trước nên trống ngực tôi lâng lâng, không yên, tôi thấy thật mất tự nhiên khi nắm tay đi như thế…”. Cho đến khi “…tôi đang rất không muốn bị họ nghĩ người đàn ông đầu bù tóc rồi vụng về đến nỗi không đập vỡ được quả trứng, còn làm đổ cả lòng trắng trứng ra bàn kia là bố tôi…”. Và cuối cùng “…Trong toa xe chật nêm người, bố nắm chặt tay tôi. Tôi cũng nắm lại. Bất chợt tôi nghĩ, không phải mình bị giật lại những món thơm ngon mà là tôi đã thưởng thức chúng bằng cả trái tim, đã ăn đến căng bụng.”
Chuyến đi ấy, không hề thấy bóng dáng của những lời răn dạy giáo điều của người cha với con gái. Người ta chỉ thấy một Haru có phần “thiếu ngoan” trong lời nói do lâu ngày không gặp bố, một ông bố vụng về thiếu tự nhiên trong hành động do lâu ngày không gặp con. Họ trở thành hai người bạn đồng hành, cùng thưởng thức cuộc sống tươi đẹp và cảm nhận cảm xúc diệu kỳ trong trái tim mình.
Một câu chuyện không đầu không cuối, nhưng ngạc nhiên thay, sợi dây kết nối tình cha-con đã được nối lại chỉ bằng những sự tình tự nhiên như thế!
Nếu một ngày kia, nếu thôi, “gia đình” bỗng nhiên bị chia cắt vì lý do gì đó, thì không có nghĩa sợi dây kết nối giữa các thành viên cũng đứt lìa, bởi đó là sợi dây vô hình, là thứ cảm xúc tận sâu nơi trái tim mỗi người. Chỉ là, mỗi người phải có trách nhiệm giữ gìn sợi dây đó, không để nó rơi vào lãng quên. Và ở đây, hai cha con Haru đã làm được điều ấy, khi một ngày chợt nhận ra trái tim họ đang dần xa cách.
Chuyến bắt cóc – chuyến du lịch không kế hoạch cũng chính là “chuyến đi sẽ nối liền trái tim đứa bé và cha mẹ vì lý do nào đó phải sống xa nhau”.
Tôi “bị” bố bắt cóc sẽ khiến bạn nhớ đến bộ phim hoạt hình “Cha và con” nổi tiếng với ý nghĩa: tình yêu thương đôi khi không cần nói thành lời.
Tôi “bị” bố bắt cóc, từng câu từng chữ tựa như những nốt nhạc diệu kỳ, cứ lặng lẽ len lỏi sâu vào trái tim người đọc, để rồi khi gập sách lại, ai cũng phải mỉm cười.
“Trong đám đông, chỉ một người, tỏa sáng, theo một cách đặc biệt.” – Haru.