"Người dân xứ Thanh quê tôi mỗi lần từ thành phố về quê sẽ nhắn mẹ nhắn bà chế biến các món ngon từ cá mòi biển. Nó đậm chất muối của miền biển, lại thắm đượm tình quê”, chị Mai Lan nói.
Cá mòi có kích thước khá nhỏ và thuộc bộ cá dầu nhỏ trong họ cá trích. Chúng có đặc điểm: đầu hơi giống hình tam giác; phần miệng hơi tù và nhỏ; mắt cá tròn và hơi lồi; thân dẹt, hình bầu dục và thắt lại ở phần đuôi. Toàn bộ thân hình của chúng được phủ một lớp vảy mềm màu trắng bạc, phần lưng hơi có màu xanh xám.
Cá mòi có nhiều loại khác nhau:
Cá mòi nước ngọt – cá mòi dầu ấn độ
Cá mòi nước ngọt có tên gọi tiếng anh freshwater sardinella, được tìm thấy vào năm 1927 và có tên gọi khác là cá mòi sông hay cá dầu. Chúng sinh sống ở môi trường nước ngọt, toàn bộ thân được phủ một lớp vảy màu trắng và khá nhỏ; phần da của cá mòi có màu xám bạc và khá bóng.
Cá mòi cờ chấm – cá mòi biển
Cá mòi cờ chấm có tên tiếng anh Konoshiro gizzard shad, xuất hiện lần đầu vào năm 1846 và được phân bổ chủ yếu ở các nước châu Á. Chúng có thân hình bầu dục dài; đầu của cá tương đối to và mõm tù; mắt của cá khá to; miệng nhỏ, môi mỏng và không có răng.
Cá mòi chấm có vảy tròn to hơn của cá mòi sông và vảy có hình lục giác. Chúng có phần lưng màu xanh lục, phần bụng của cá có màu trắng xá. Trên thân của cá mòi có khoảng 4 – 7 chấm màu đen. Đây là lý do tại sao dòng cá mòi này được gọi là cá mòi chấm.
Cá mòi cờ hoa
Cá mòi cờ hoa được tìm thấy vào năm 1758. Chúng sinh sống cả ở môi trường nước mặn và môi trường nước ngọt. Chúng có thân hình dẹt, đầu nhọn và mõm ngắn; phần miệng của cá khá nhỏ và có phần khuyết ở phần giữa.
Vây lưng của cá khá lớn và có phần tia dài nhọn ở vây lưng – đây là lý do dòng cá này được gọi là cá mòi cờ. Phần vây đuôi của cá cờ hoa tương đối lớn, lưng cá có màu xám đậm và phần bụng trắng bạc. Trên thân của dòng cá mòi cờ hoa cũng có từ 4 – 6 chấm đen.
Tại Việt Nam, cá mòi biển tập trung ở vùng biển Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Đà Nẵng. Còn cá mòi nước ngọt tập trung ở lưu vực sông Hồng. Riêng cá mòi cờ hoa phân bổ chủ yếu ở các con sông thuộc vùng núi phía Bắc: sông Đà (Hòa Bình), sông Thao, sông Lô, và các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Bắc bộ…
“Nước ta có đầy đủ 3 loại cá mòi trên nhưng xưa ít người biết đến, chủ yếu là người dân ở những vùng đó đánh bắt và thưởng thức. Vài năm trở lại đây, tôi thấy chúng bắt đầu được ưa chuộng, thậm chí trở thành đặc sản nổi tiếng.
Người dân xứ Thanh quê tôi mỗi lần từ thành phố về quê sẽ nhắn mẹ nhắn bà chế biến các món ngon từ cá mòi biển. Nó đậm chất muối của miền biển, lại thắm đượm tình quê”, chị Mai Lan (32 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết.
Cũng theo người phụ nữ, cá mòi mặc dù có khá nhiều xương nhỏ nhưng thịt rất ngậy và thơm. Do đó chúng được khá nhiều người yêu thích. “Hiện tại cá mòi được rao bán ở một số chợ vùng quê, siêu thị hải sản hoặc trang thương mại điện tử với giá dao động 60.000 đến 120.000 đồng/kg. Chị em có thể mua về chế biến thành nhiều món ăn ngon. Tôi tin rằng ai ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên”, chị Mai Lan nói.
Từ cá mòi có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như:
Cá mòi om dứa: Món ăn này hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn hương vị vừa thơm ngon lại lạ miệng. Có vị ngọt của dứa đan xen vị ngọt tự nhiên trong thịt cá kết hợp thêm vị thanh mảnh từ rau cải ngọt.
Cá mòi kho rục: Đây là món ăn cực kỳ tốn cơm. Đặc biệt, món ăn sẽ càng trở lên lý tưởng hơn vào mùa đông.
Cá mòi chiên: Cá được chiên, vỏ giòn rụm, mặn mà. Bên trong là thịt cá ngọt mềm, dùng để ăn với cơm hoặc làm mồi nhắm đều hoàn hảo.