Loại cá này có thể chế biến thành hàng trăm món ăn khác nhau và trở thành một nét đặc trưng trong ẩm thực miền Tây.
Cứ bắt đầu từ tháng 7 âm lịch hàng năm, mùa nước nổi miền Tây lại về, mang theo con nước đục ngầu phù sa, mang theo nhiểu sản vật quý của thiên nhiên, đặc biệt là cá linh. Cá linh đầu mùa thường là ngon nhất bởi khi đó cá nhỏ, xương mềm, thịt béo ngậy, ăn rất ngon. Và đây cũng chính là loài cá đặc sản của miền Tây vào mùa nước nổi.
Khi mùa nước nổi mới về thì cá linh non sẽ xuất hiện rất nhiều ở khu vực đầu nguồn như An Phú, Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Thốt Nốt (Cần Thơ). Đầu mùa thì thường giá cá ở mức cao và giảm dần cho đến cuối mùa.
Cá linh có chất thịt rất ngọt và tươi, còn hương vị thì đặc trưng không lẫn với những loài cá khác. Bạn có thể ăn được cả nguyên con kể cả phần vảy cá vì nó rất mềm và nhỏ. Cá linh càng non thì có vị càng ngọt, béo ngậy và không có xương. Cá linh rất mau chín nên có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như nướng, kho, nấu lẩu…
So với các loài cá khác trên sông Mekong, cá linh giá rẻ như bèo nhưng sức hấp dẫn của chúng khiến người ta khó quên. Ngồi điểm danh những món ăn chế biến từ tôm cá chợt giật mình thấy thịt cá linh chế biến bất cứ món ăn gì cũng ngon. Không biết cá linh tới tay các nhà hàng đặc sản qua công phu lửa bếp thành món gì sang trọng nhưng dân quê có muôn vàn cách chế biến thịt cá linh.
Canh chua cá linh bông điên điển là món đặc sản mà bạn phải nếm thử khi tới miền Tây
Đơn giản nhất thì có thể làm cá linh kho quẹt, cá linh nấu canh chua bông súng, canh chua bông so đũa. Món này phải ăn lúc canh nóng hôi hổi, canh nóng quyện mùi lá sống đời thái nhỏ, mùi me chua bốc lên ngào ngạt khiến người ta không cầm lòng ứa nước miếng thèm.
Cá linh non kho mía là đậm đà nhất, cá non xương nhừ ăn kèm với bánh mì nhai ráu nghe đã bao tử. Hoặc cá linh kho tộ bỏ ớt vào cay thật là cay, ăn với cơm trắng đã no vẫn còn thấy thòm thèm nơi đầu lưỡi.
Cá linh kho mía vô cùng đậm đà
Cá linh trộn mắm đu đủ ăn cũng rất ngon, rạng sáng hay gần trưa mua trái bắp nấu còn nóng hổi ăn kèm mắm đu đủ cá linh, thưởng thức hương vị đồng quê phối hợp này thì kẻ xa quê cũng khó mà quên dòng sông, ruộng lúa yên bình với bao vui buồn một thuở. Kế đến là món chả tốn nhiều công sức, bạn phải bằm cho cá nhuyễn như bột, xong tùy sở thích mà có thể nấu canh hay chiên.
Nước nổi về tràn ngập ruộng đồng, quăng cái chài bắt mớ cá linh, đem lên bờ nướng, thưởng thức ngay tại chỗ thì đúng chất dân dã miền Tây. Cá linh đem nướng thì sẽ được thưởng thức nguyên vị ngon của cá. Chỉ cần rửa sạch cá, kẹp vào một cái cây rồi để lên bếp than nướng. Lật cá đều tay để cá không bị khét, khi da cá chuyển sang màu vàng và bốc mùi thơm thì là cá chín.
Cá linh nướng than mang đậm hương vị miền Tây
Cá linh để nướng thì phải là cá to một chút, nhiều thịt và ngọt tự nhiên. Cá linh nướng đem gói bánh tráng cùng các loại rau sống rồi chấm với mắm me. Độ dai thơm của da cá, ngọt béo của thịt, chát chát của rau đồng cùng với vị chua chua mặn mặn cay cay của mắm me thì đúng là sự kết hợp hoản hảo.
Đặc biệt là khi đến cuối mùa, lượng cá linh nhiều thì người dân sẽ bắt đầu ủ mắm cá linh. Một loại mắm đặc sản của miền Tây có bán rất nhiều ở An Giang và Long An. Nếu có dịp về đây thì hãy thử thưởng thức loại mắm này hoặc mua về làm quà nhé.