Chúng ta dễ dàng bắt gặp loại củ này được gọt sẵn bán ở khắp các tuyến phố cổ Hà Nội.
Nếu thường xuyên đi trên những con phố cổ, đặc biệt là khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, Hồ Gươm,... thì chắc chắn bạn sẽ dễ dàng thấy có rất nhiều gánh hàng rong bán đủ thứ hoa quả gọt sẵn. Xoài, mận, cóc, củ đậu,... và còn có cả một thứ củ nhìn màu nâu tía, khi gọt ra thì trắng tinh chính là củ mã thầy.
Ăn củ mã thầy sống có vị ngọt, cảm giác mát, mềm, rất thơm ngon. Củ mã thầy ăn sống còn giòn giòn tươi mát, nên nhiều chị em cực kỳ thích loại củ này.
Một số gánh hàng rong ở Hà Nội thường để mã thầy gọt vỏ trong những chiếc túi bóng nhỏ nhỏ. Tuy nhiên, ở những khu chợ hay siêu thị thường ít khi bán mã thầy. Một số điểm du lịch ở Hải Dương, Hải Phòng, chùa Hương,... có bán củ mã thầy với số lượng nhiều, nhưng không phải ai cũng biết để mua thứ củ này.
Cây mã thầy được nhân dân những vùng núi cao gần biên giới Việt - Trung trồng để lấy củ ăn. Củ mã thầy to bằng củ hành, ngoài có lớp vỏ màu nâu đen. Khi dùng thì cạo lớp vỏ này rồi ăn sống hay nấu với thịt. Có khi củ mã thầy còn được nấu chè ăn cho mát.
Trong dân gian, củ mã thầy thường được dùng để ăn chơi hoặc tráng miệng sau bữa ăn. Củ mềm, giòn, nhiều nước, vị ngọt. Nhiều người sử dụng mã thầy để chế biến thức ăn như vị thuốc làm cho mát như: lấy củ thái nhỏ, nấu với bột đậu xanh làm chè lục tàu xá hoặc hầm với dạ dày lợn để thanh nhiệt, bổ dưỡng, tiêu tích, giải độc và dùng dạng bột với tác dụng mát gan, dạ dày và ruột.
Ở miền Nam, mã thầy còn được gọi là củ năng. Những quán chè sẽ có chè củ năng chính là những củ mã thầy ở miền Bắc. Ngoài ra, người ta còn dùng mã thầy để làm nhân trân châu ăn cũng giòn ngon hơn dùng cùi dừa nhiều.
Tuy nhiên, ăn loại củ này cần rửa thật sạch sẽ, cẩn thận. Gọt sạch vỏ của củ mã thầy bởi trong vỏ có chất độc. Sau khi gọt xong nên ngâm củ mã thầy vào nước muối loãng nhằm giúp không bị xỉn màu.