Từ một loại lá vô danh, nay lá dít lại được nhiều người biết tới và tò mò muốn nếm thử.
Cây dít thuộc họ Zanthoxylum. Họ này có khoảng 250 loài, trong đó có loại gọi là cây sưng, sâng. Trung Quốc gọi là lưỡng diện châm vì hai mặt lá đều có gai. Sưng thuộc họ cam, lá có vị cam mạnh và hơi chua… Cây dít mọc dại ở các vùng rừng núi Việt Nam. Cây bụi, leo, có gai. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm năm lá chét nguyên… Ở Việt Nam, hai mặt lá dít không có gai.
Ở Phú Yên, lá dít xanh tốt quanh năm vì khí hậu ở đây khá mát mẻ. Nhiều người miền xuôi thưởng thức món canh chua lá dít nấu thịt gà xong là mê mệt. Có người còn xin giống cây dít đem về thành phố trồng. Thế nhưng cây dít khi trồng ở phố sẽ cho lá giòn và cứng, không ngon như khi mọc hoang dại trên miền núi.
Cây dít gầy guộc, không to, cây nào to lắm cũng chỉ bằng ngón chân cái của người lớn. Thân cây cao nhất độ nửa thước nhưng phát triển nhiều cành, lá cây có màu xanh vàng nhẹ, khi ăn có vị chua. Loài cây này còn được các hộ dân ở các xã miền núi đem về trồng, vừa làm hàng rào, vừa để hái lá nấu canh chua.
Lá dít nhìn bề ngoài hơi giống lá trà xanh, nhưng thon nhỏ hơn, mặt dưới của lá dít có màu tím phớt. Khi ăn, lá dít có vị chát. Nấu canh lá dít lại có có mùi thơm thoang thoảng rất lạ, ngửi qua thấy thơm như trái măng cụt chín.
Người dân Phú Yên thường dùng lá dít trong món canh chua thịt gà. Món ăn này rất phổ biến trong mâm cơm hằng ngày của người dân. Ngoài ra, canh chua lá dít nấu thịt gà còn là món ăn đặc sắc trong những mâm cỗ vào dịp giỗ, tết,...
Thịt gà và lòng gà sau khi được làm sạch sẽ đem cắt nhỏ và ướp đầy đủ gia vị cho đậm đà. Đun nồi nóng và cho phần thịt gà, lòng gà vào nồi đảo sơ rồi đổ nước vừa đủ ăn. Khi nước sôi thì mới cho lá dít vào nồi, tiếp tục đun sôi cho đến khi lá dít mềm mới nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng.
Lưu ý là lá dít phải vò sơ, cho vào sau cùng. Nước sôi thêm một lát thì tắt bếp. Làm vậy, nước canh sẽ không quá đục và tỏa mùi thơm đặc trưng thật hấp dẫn.
Ngoài ra, dân địa phương thường nấu canh này với măng tươi (măng le, măng tre mỡ…), cùng 3 – 5 trái ớt chim gieo hoặc ớt xiêm xanh giã giập, thêm chén sả tươi bằm, mớ lá é trắng cùng vài nắm lá giang.
Canh chua lá dít nấu thịt gà có một mùi hương vô cùng quyến rũ, vị của canh cũng dễ dàng hút hồn những vị khách sành ăn. Canh trội vị chua thanh dịu nhưng vẫn đủ các vị mặn cay đắng ngọt vô cùng cân bằng. Thịt gà chấm cùng với chén muối ớt giã. Rồi thêm một ngụm canh, ăn đến đâu tỉnh người đến đó.
Khi xưa chẳng mấy ai biết lá dít là cái gì. Cho đến khi món canh chua lá dít nấu thịt gà đạt giải nhất cuộc thi sơ kết “Chiếc Thìa Vàng” năm 2013, khu vực Nam Trung bộ, lá dít đã lọt vào nhóm gia vị độc đáo của của Phú Yên, năm 2013 (cùng với muối kiến vàng, lá é…). Tiếp nối, nhiều phiên bản canh lá dít khác cũng được biết đến, như: nấu với ếch đồng, cá lạc biển… Tùy vào nguồn nguyên liệu tươi nguyên sẵn có của mỗi địa phương, người dân sẽ kết hợp chúng với mớ lá dít để tạo hương vị chua thơm ấn tượng cho nồi canh.
Muốn thưởng thức hương vị của lá dít, phải tìm đến tận vùng núi Phú Yên. Cũng bởi loại lá này nếu được trồng ở vườn nhà thì không thể cho hương thơm, mùi vị độc đáo như những cây dít mọc hoang dại được. Bởi vậy nếu có dịp du lịch đến nơi đây, bạn đừng quên nếm thử món canh chua lá dít nấu thịt gà nhé, đảm bảo sẽ không thể nào quên.