Những con ốc sên to hơn cả bàn tay, thậm chí nặng gần 1kg khiến ai cũng sợ hãi nhưng lại là món ăn không thể thiếu ở châu Phi.
Nhắc tới món ốc sên, người Pháp cũng có một món ốc sên ngon trứ danh nổi tiếng khắp thế giới. Người châu Âu rất chuộng loài động vật này, bởi nó rất giàu chất dinh dưỡng, hương vị thơm ngon.
Món ốc sên của người Pháp.
Được biết, thịt ốc là một loại thực phẩm giàu đạm, hàm lượng chất béo thấp, cholesterol gần như bằng 0, chứa nhiều chất dinh dưỡng khác cần thiết cho cơ thể người. Từ thời cổ đại, người Trung Quốc đã biết sử dụng ốc sên như một vị thuốc. Chính vì thế, việc tiêu thụ và chế biến ốc sên không còn xa lạ với nhiều người.
Tuy nhiên, trái ngược với các loài ốc sên nhỏ ở nhiều quốc gia, ốc sên ở châu Phi có kích thước lớn hơn nhiều.
Ốc sên ở châu Phi.
Ốc sên bình thường có kích thước nhỏ, ốc nuôi khoảng 1,6cm, ốc thả tự nhiên khoảng 3cm nhưng trung bình ốc sên châu Phi có thể đạt 7 – 8cm khi trưởng thành, thậm chí có con lên tới 20cm.
Con ốc sên khổng lồ lớn nhất châu Phi được ghi vào sách kỷ lục Guinness thế giới với chiều dài 39cm, nặng 900g.
Mặc dù ốc sên có kích thước khổng lồ trông rất đáng sợ nhưng lại phổ biến ở các quốc gia châu Phi. Nó thường được phục vụ trong các quán bar như một món khai vị. Trong các nhà hàng, ốc được chế biến đa dạng thành nhiều các món hơn.
Ốc sên được coi là nguồn cung cấp protein cho người nghèo ở châu Phi. Chúng thường được đánh bắt ở ngoài tự nhiên, sau đó đem thái nhỏ rồi ăn sống hoặc nấu như món kho. Người Châu Phi ăn hàng nghìn con ốc sên này mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu, việc sinh sản ốc nhân tạo cũng được thực hiện. Hiện nay loài ốc khổng lồ này đang vươn ra toàn thế giới.
Ốc sên châu Phi đẻ trứng 4 lần / năm, mỗi lần lên đến hàng trăm con, tức là đẻ ít nhất 1.000 quả trứng / năm, tuổi thọ có thể lên đến 10 năm. Thế hệ tiếp theo có thể sinh sản trở lại trong vòng 5 - 6 tháng.
Việc có thể sinh sản nhanh như vậy cũng chứng tỏ ốc sên Châu Phi có khả năng thích nghi cực tốt. Khi gặp điều kiện không thuận lợi, chúng thu mình vào trong vỏ và tiết ra chất nhầy bịt kín vỏ và di chuyển trong môi trường khắc nghiệt ở châu Phi.
Không thể phủ nhận những lợi ích và giá trị của ốc sên khổng lồ này mang tới cho người châu Phi, nhưng bản thân nó sinh trưởng trong môi trường hoang dã, chứa nhiều mầm bệnh và ký sinh trùng. Có một số loại ký sinh trùng có thể gây viêm màng não.
Nếu loại ốc này được nuôi nhân tạo có thể sẽ giảm bớt số lượng ký sinh trùng và đảm bảo an toàn cho con người tiêu thụ. Đặc biệt trong khâu chế biến phải kỹ càng và nhiều quy trình để đảm bảo sự an toàn cho người ăn.