Từ loại quả dại không ai biết đến, mấy năm gần đây quả hồng rừng thành đặc sản lạ được người dân thành phố tìm mua.
Hồng là loại hoa quả rất được ưa chuộng ở Việt Nam bởi chúng có vị giòn, ngọt hấp dẫn. Có thể kể đến các loại hồng phổ biến như: hồng giòn, hồng trứng, hồng không hạt... Vài năm nay, trên thị trường còn xuất hiện một loại hồng lạ, người bán giới thiệu đó là quả hồng rừng.
Chị Xuân Thanh (ở Đống Đa, Hà Nội) - người bán đặc sản vùng miền trên chợ mạng chia sẻ: "Quả hồng rừng có ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang,… Cũng giống như các loại hồng khác, cây hồng rừng thường rụng lá khi ra quả, quả hồng khi chín có màu vàng cam, thịt mềm ngọt. Hương vị của chúng cũng khá giống quả hồng thường nhưng có mùi thơm hơn. Bởi vậy khi xưa, hồng rừng là thứ quả được những đứa trẻ yêu thích. Đặc điểm nhận dạng của quả hồng rừng là kích thước bé, bé hơn nhiều so với các loại hồng khác.
Quả hồng rừng có kích thước bé, nhưng mùi thơm hơn hồng bình thường
Hồng rừng có thể ăn luôn hoặc dùng để ngâm rượu, làm thuốc. Mấy năm nay người thành phố biết tới hồng rừng nhiều hơn nên cứ mùa thu, tôi lấy hồng rừng về bán trên chợ mạng. Nhiều người vì tò mò nên mua về ăn thử, còn những người đã biết tới quả rừng này thì đặt vài cân một lúc để ăn và tặng người thân bạn bè".
Chị Thanh tiết lộ, hồng rừng có 2 loại: hồng ngọt và hồng chát. Hồng ngọt khi vừa thu hoạch từ cây sẽ có vị ngọt tự nhiên, khá thơm ngon, trong khi đó hồng chát thì khó ăn hơn và phải khử bớt vị chát mới dùng được, và thường để ngâm rượu. Theo tìm hiểu, trong đông y, quả hồng rừng có một số công dụng phổ biến như làm mát gan, giải độc gan, điều hòa huyết áp, hạ men gan, điều trị dị ứng, chữa các bệnh đường ruột….
Quả hồng rừng có thể ăn được luôn hoặc để ngâm rượu
Rượu ngâm hồng rừng rất được ưa chuộng, sự kết hợp hoàn hảo giữa rượu và trái hồng rừng đem lại rất nhiều lợi ích cho người dùng như: tăng cường hệ tiêu hóa, bồi bổ, tăng cường sức khỏe, giảm ho, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan.
Cách ngâm rượu hồng rừng cũng không có gì phức tạp. Hồng rừng tươi hoặc khô đều có thể dùng ngâm rượu. Rượu ngâm với hồng rừng phải là rượu trắng có nồng độ từ 40 độ trở lên, tốt nhất là dùng rượu nếp. Rượu hồng được ngâm theo tỉ lệ 1:4 (1kg quả ứng với 4l rượu). Sau đó đậy kín nắp, ngâm trong khoảng 4-5 tháng là dùng được. Rượu ngâm càng lâu, mùi vị càng đậm đà, thơm ngon.
Trên chợ mạng, hồng rừng được rao bán với giá khoảng 50.000-70.000 đồng/kg. Loại quả này chỉ có một mùa trong năm nên các chị em tranh thủ mua về để thưởng thức.
Từ loại quả mọc dại không ai ngó ngàng, giờ đây hồng rừng trở thành thứ quả lạ ở thành phố. Cùng nhờ vậy, quả hồng rừng cũng mang lại thu nhập cho bà con ở Tây Bắc. "Nhiều khách ở Hà Nội gọi lên đặt trực tiếp, tôi thu gom thêm của bà con rồi gửi xe xuống. Thứ hồng dại này không lo ế hàng vì nhu cầu tiêu thụ cao, có người đặt vài yến về ngâm rượu", một người dân ở Hà Giang chia sẻ.