Dù đã bước sang thời đại của công nghệ kỹ xảo, song phim truyền hình Trung Quốc vẫn không thoát khỏi biệt danh "ba xu", "hàng kém chất lượng".
Có thể nói rằng, Trung Quốc hiện đang sở hữu một nền giải trí đáng ngưỡng mộ tại châu Á. Mức độ phổ biến của các sao Hoa Ngữ không kém gì sao Hàn, thậm chí có nhiều gương mặt nổi tiếng trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Trung Quốc còn là mỏ vàng mà các nhà sản xuất trong nước lẫn nước ngoài đều ưu ái vì độ chịu chơi lẫn độ "cuồng" của khán giả tại đây. Hàng năm, xứ sở gấu trúc cũng phải chịu khó sản sinh hàng trăm bộ phim truyền hình để phục vụ nhu cầu giải trí cho người xem.
Tứ đại hoa đán gồm Triệu Vy, Châu Tấn, Chương Tử Di, Từ Tịnh Lôi là những ngôi sao xuất sắc nhất của Trung Quốc đương đại.
Tuy nhiên, thị trường lớn là vậy, doanh thu mang về cũng không ít, sao lại vô cùng nổi tiếng nhưng phim bộ Trung Quốc vẫn phải mang cái mác "ba xu" bởi hình ảnh chưa trau chuốt, diễn xuất của nhiều diễn viên còn "đơ", kỹ xảo thì... hỡi ôi, rởm khỏi bàn.
Vậy, lý do gì khiến ngành công nghiệp phim truyền hình của nền giải trí lớn nhất nhì châu Á lại phải chịu tai tiếng như vậy?
1. Tiền đầu tư đổ vào việc chiêu mộ diễn viên nổi tiếng
Tại Trung Quốc, các sao nam và sao nữ Cbiz được chia vào hai nhóm: tiểu hoa đán và tiểu sinh. Tiểu hoa đán chỉ những người đẹp nghiêng nước nghiêng thành và có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả. Ví dụ như Dương Mịch, Angela Baby, Triệu Lệ Dĩnh, Địch Lệ Nhiệt Ba.
Tiểu sinh ám chỉ những nam thần như Lý Dịch Phong, Dương Dương, Tỉnh Bách Nhiên. "Cao cấp" hơn thì có đại hoa đán và ảnh đế như: Chương Tử Di, Châu Tấn, Trương Chấn...
Vì sở hữu độ phổ biến, nhan sắc, sức hút (cùng chút diễn xuất), các tiểu hoa và tiểu sinh thường lọt mắt xanh các nhà sản xuất phim truyền hình. Mục đích của họ khi mời những diễn viên này góp mặt là để kéo tỷ suất rating lên khi tác phẩm lên sóng.
Trong số những tiểu hoa kể trên, Dương Mịch cùng Triệu Lệ Dĩnh là người dù nhận được phản ứng phản ứng trái chiều khi đóng phim nhưng luôn hoàn thành tốt công tác kéo khán giả yên vị trước màn hình ti vi.
Tất nhiên, một khi đã mời được người tham gia thì nhà sản xuất cũng phải xác định con số thù lao.... "trên trời". Con số trung bình để trả cát sê cho các tiểu hoa, tiểu sinh rơi vào khoảng 70 triệu NDT (~238,6 tỷ đồng) cho một bộ phim. Dù có thương lượng được cát sê với dàn diễn viên phụ ở mức ưu đãi thì họ cũng đã mướt mồ hôi với việc trả tiền mời các nhân vật chính.
Thế nên, khi nhà sản xuất Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa bản truyền hình, Hoa Thiên Cốt hay Sở Kiều Truyện "nổ" ngất trời với những con số đầu tư cả trăm triệu NDT, khán giả cũng đã xác định được rằng, nằm mơ mà chúng được đầu tư cho bộ phim. Hơn một nửa số tiền đó đã được đổ vào cát-sê cho diễn viên chính hết rồi!
2. Đội ngũ kỹ xảo chưa chuyên nghiệp
Không phải tự nhiên mà các dự án điện ảnh xứ Trung đều khoe việc chiêu mộ nhân tài kỹ xảo quốc tế về phụ trách phần hiệu ứng. Bởi lẽ, nền kỹ xảo Trung Quốc vẫn còn khá non nớt cũng như mới chỉ dừng ở độ "ảo" như trò chơi online.
Chưa kể, tiền đầu tư cho tác phẩm đã bị cắt xén sang mục cát-sê. Bởi vậy, bản thân nhà sản xuất cũng chỉ có thể thuê được một vài nhân viên bán chuyên có chút tâm huyết với nghề để lo phần hiệu ứng hậu kỳ.
Cũng đừng cảm thấy bất ngờ khi xem một bộ phim truyền hình Trung Quốc mà cảm thấy phần hình ảnh đồ hoạ thật "ba xu". Thiếu tiền lại thiếu luôn cả chuyên môn, chất lượng của kỹ xảo trong phim truyền hình cộp mác xứ sở gấu trúc cũng chỉ có thể dừng ở mức "a-ma-tơ" như vậy mà thôi!
3. Kịch bản rập khuôn theo công nghệ "mỳ ăn liền"
Có một bí mật động trời ít người biết, đó là đội ngũ biên kịch ngày nay của Trung Quốc đều được giáo viên cho "công thức" viết kịch bản. Dựa vào công thức đó, một kịch bản phim truyền hình hoàn chỉnh sẽ được ra mắt chỉ trong vài ngày mà các biên kịch tương lai chẳng cần động não suy nghĩ.
Thêm vào đó, các nhà làm phim Trung Quốc ngày càng chuộng phim chuyển thể. Bởi lẽ, nội dung đã có nguyên tác gốc làm dàn ý, phần lời thoại thêm thắt có thể dựa vào tiểu thuyết để phát triển (hoặc sao y bản chính). Biên kịch chẳng tốn sức mấy mà vẫn "đẻ" ra được một kịch bản hoàn chỉnh và có khả năng trở thành bom tấn màn ảnh nhỏ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào công nghệ "mỳ ăn liền" này cũng chuẩn. Nếu không cẩn thận, bộ phim sẽ rất dễ lâm vào cảnh "đầu voi đuôi chuột" và nhận "gạch đá" liên tiếp từ khán giả.
Mới đây, bom tấn Sở Kiều Truyện - với kịch bản được sản xuất theo phong cách rập khuôn đã rơi vào tình trạng vô cùng thê lương. Dù bộ phim có tỷ suất người xem cao ngất ngưởng, nhưng thất bại thảm hại về mặt nội dung của tác phẩm này là điều ai cũng nhìn ra.