Đọc cuốn tản văn "Mình không bên nhau nữa, anh có bận tâm không?", ai đã từng yêu, đã từng chia tay cũng sẽ thấy mình ở đâu đó trong hoài niệm về một người đã từng cất bước ra đi.
Mình không bên nhau nữa, anh có bận tâm không? là cuốn tản văn mới nhất của cô nàng “quái vương” Phạm Anh Thư – một cây bút trẻ 9x nhưng đã tác giả của hơn 10 cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác nhau như tản văn, truyện ngắn, truyện dài. Vẫn là một Phạm Anh Thư nhiều chiêm nghiệm, nghĩ suy với giọng văn phóng khoáng, giàu chất thơ, nhưng có lẽ những độc giả yêu các tác phẩm của “quái vương” sẽ nhận ra một Anh Thư thật khác trong Mình không bên nhau nữa, anh có bận tâm không?.
Mọi cung bậc cảm xúc yêu thương, nhớ nhung, tiếc nuối, cô đơn, mỏi mệt, gượng gạo hay bình thản trong cuộc tình đã trở thành quá khứ đều được Anh Thư gợi nhắc qua những quan sát và miêu tả tinh tế, giản dị đến không ngờ. Chương 1 cuốn tản văn là dòng cảm xúc hoài niệm về tình yêu: Kiếp sau, em sẽ giữ anh lại – một người đã từng cất bước ra đi. Qua những trang viết của mình, Anh Thư đã đưa độc giả bước qua những hoang hoải của hai thế giới song song trong “Nếu như có kiếp sau, em sẽ giữ anh lại”, học cách buông bỏ quá khứ qua “Một người đã từng cất bước ra đi” hay định nghĩa về chia tay theo một cách thật khác sau khi đọc “Một giây. Một phút. Một đời”.
Có ai lại định nghĩa chia tay giống như kết hôn: “Chia tay cũng giống như kết hôn vậy, hôn lễ là chuyện một ngày, còn hôn nhân là chuyện một đời. Chỉ là chúng ta không kết hôn với nhau mà kết hôn với sự cô đọc không còn người kia nữa.” Và có lẽ cũng chẳng ai ví chia tay với những đường chỉ cũ: “Khi ai đó rời khỏi chúng ta, sẽ giống như chiếc áo được cắt may từ lâu, nay bỗng dựng bị tháo bung ra may kiểu khác, những đường nếp quen thuộc bị ủi cho phẳng phiu, đường kim mũi chỉ tháo ra để lại vô số dấu vết li ti. Cuộc sống của chúng ta không còn liền mạch nữa mà theo những lổ hổng ấy xuất hiện những khoảng lặng.” Tất cả những góc nhìn mới mẻ về tình yêu của Anh Thư trong Mình không bên nhau nữa, anh có bận tâm không? không tạo cho người đọc cảm giác lạ lẫm mà luôn neo cảm xúc lại ở một góc thân thuộc, lạ mà quen, quen mà lạ.
Điều làm nên sự khác biệt trong những tản văn của Anh Thư đó là cảm xúc chia tay không ngân ngấn nước mắt và âm ỉ giận hờn. Ký ức tình yêu không phải là vết thương cần giấu kín mà là một góc bình yên mỗi khi nghĩ về. Cuối mỗi câu chuyện tác giả luôn dành một lời động viên đủ ấm áp, một niềm tin đong đầy vào tương lai đổi khác để dành tặng người ở lại sau cùng của cuộc chia ly. “Lúc tình yêu phải kết thúc, hệt như mặt trời tới giờ lặn, không có cách nào thay đổi. Chúng ta chỉ có thể trả lại cho họ yêu thương trong những tháng năm đã qua, mang lòng kiêu hãnh của mình về, nhặt nhạnh những lý trí còn xót lại và tiếp tục bước đi.”
Phần 2 của tản văn – Xin em một nụ cười tựa như một tiếng thầm thì nho nhỏ, như một góc tâm sự lấp đầy khoảng trống mà những “đường chỉ cũ” để lại. Đôi khi những lời động viên của “tôi” cũng rất mạnh mẽ, tha thiết: “Ai trong chúng ta cũng đều khao khát hạnh phúc nhưng mấy ai đã từng xắn tay áo mình lên để đào bới nó trong hàng vạn những hẫng hụt mà chúng ta cố chấp mang theo để dày vò mình và những người muốn yêu thương mình?” Cứ mở lòng ra và yêu thương sẽ đến.
Đó cũng là mạch nguồn kết nối phần 2 và phần 3 của cuốn tản văn – Ánh sáng nơi thành phố. Phần 3 cuốn sách tựa như một truyện ngắn tả chân về đời sống, về tình yêu của một bộ phận giới trẻ Sài thành. Ngỡ như chẳng đồng điệu với 2 phần đầu của tác phẩm nhưng cái kết có hậu của câu chuyện lại đưa tất cả trở về với mạch nguồn chung của tản văn: “Chỉ trong đêm tối, ánh sáng mới trở nên rực rỡ nhất. Con người ta, chỉ có bước ra từ trong đau thương mới hiểu thế nào là hạnh phúc thực sự.”