Người hâm mộ vẫn đang mong chờ những tác phẩm hành động "made in Việt Nam" chất lượng.
Không quá khó để nhận ra rằng hầu hết các tác phẩm ăn khách của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây đều thuộc thể loại tâm lý hài, hoặc nếu để kể tên những bộ phim Việt mà khán giả "nhớ mặt đặt tên" thời gian gần đây, tuyệt nhiên sẽ không có bóng dáng của phim hành động.
Hành động từ trước tới nay chưa bao giờ là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam. Có thể đếm trên đầu ngón tay những tác phẩm làm về đề tài này, bao gồm cả những tác phẩm chất lượng và không chất lượng. Vì thế, khi Dòng máu anh hùng hay Thiên mệnh anh hùng tạo được những cú hích lớn và được giới chuyên môn lẫn khán giả đánh giá cao, người ta đã hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn của phim hành động Việt. Thế nhưng không như mong muốn, dường như "cú hích" đó là chưa đủ. Sau Thiên mệnh anh hùng, khán giả Việt vẫn chưa được thưởng thức thêm một tác phẩm nào thật đúng chất hành động. Vậy lý do vì sao mà màn ảnh rộng thiếu vắng những bộ phim hành động "made in Việt Nam" chất lượng?
Vốn khổng lồ, doanh thu tí hon
Đầu tiên phải kể đến vấn đề muôn thuở: tiền. Một bộ phim hành động không giống những phim thuộc thể loại khác, các nhà làm phim sẽ phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để thực hiện nhiều công đoạn trong phim. Đó có thể là tiền xây dựng phim trường, tiền dành cho trang phục, hóa trang, đạo cụ, tiền cho các hiệu ứng cháy nổ, tiền cho diễn viên quần chúng, tiền thuê các thiết bị quay phim chuyên dụng cho phim hành động, và chưa kể đến một số tiền lớn dành cho hậu kỳ, kĩ xảo. Để làm ra một bộ phim hành động "xem được", nhà sản xuất phải bỏ ra ít nhất vài tỷ, thậm chí là chục tỷ. Thế nhưng số tiền họ thu được nhờ việc bán vé và bán bản quyền lại chẳng được là bao.
"Dòng máu anh hùng" được lòng giới chuyên môn và khán giả nhưng vẫn khiến nhà sản xuất thua lỗ
Có thể kể ra đây trường hợp của Dòng máu anh hùng do hãng phim Chánh Phương sản xuất. Đó là một bộ phim gây được tiếng vang kể cả trong khu vực, mang điện ảnh Việt lên một tầm mới, đồng thời cũng là hiện tượng làm "cháy vé" các phòng chiếu lớn nhỏ. Dòng máu anh hùng có kinh phí 1,5 triệu đô - một con số khổng lồ cho một bộ phim tư nhân ở Việt Nam lúc bấy giờ. Thế nhưng số tiền mà phim thu được tại các rạp chiếu ở Việt Nam chỉ vẻn vẹn 7 tỷ đồng. Sau khi chia doanh thu với rạp, con số này còn lại 50%. Nó thật sự quá nhỏ so với kinh phí mà nhà sản xuất bỏ ra. Điều đau lòng hơn, khi tín hiệu phim xuất ngoại chưa vui được bao lâu thì nhà sản xuất lại gặp chuyện các bản sao của phim đã tràn lan. Điều này đã đẩy nhà sản xuất phim, giám đốc hãng phim Chánh Phương là Nguyễn Chánh Tín phải rơi vào cảnh nợ nần đến mức bán nhà cầm cố.
"Lửa Phật" được kì vọng nhưng doanh thu lại không như mong đợi
Còn một danh sách khá dài những bộ phim hành động Việt Nam có kinh phí đầu tư "khủng" nhưng lại thất thu thảm bại. Đó là Huyền thoại bất tử với 12 tỷ đầu tư, được chiếu vào dịp Tết và đoạt vô số giải thưởng của điện ảnh nước nhà, thế nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng lỗ nặng, tới mức một khán giả đến mua vé xem phim phải ngậm ngùi đi về vì "phòng chiếu chưa đủ… 4 người mua vé nên rạp trả lại tiền". Hay như một bộ phim khác của Dustin Nguyễn là Lửa Phật với số vốn đầu tư được nói là hơn 1 triệu đô với những pha hành động giả tưởng đẹp mắt, được nhiều nước mua bản quyền nhưng vẫn không thể cứu lại được doanh thu thảm hại. Bẫy Rồng của đạo diễn Lê Thanh Sơn thu về con số 12 tỷ - một con số đáng ngợi khen dành cho phim hành động, nhưng vẫn chưa giúp nhà sản xuất thu lãi vì kinh phí bỏ ra cho phim là hơn 800.000 đô. Còn rất nhiều bộ phim hành động Việt khác phải chịu số phận thất thu bởi con số đầu tư phải bỏ ra là quá lớn. Điều này đã tạo ra một tâm lý lo sợ cho các nhà sản xuất, chả ai muốn "liều" bỏ ra một số tiền khổng lồ để thu lại doanh thu tí hon cả. Nhất là khi phim hành động Việt chỉ là một "anh chàng mới lớn" so với những bom tấn hành động khác của Hollywood, vì vậy để tránh thất thu, nhiều nhà sản xuất tìm cách "né" phim hành động.
Anh hùng khó qua "ải" kiểm duyệt
Hầu hết những phim hành động Việt Nam đều phải gắn mác "dành cho khán giả trên 16 tuổi" trước khi ra rạp. Và nhiều người trong nghề nhận xét rằng bản phim được đưa ra để chiếu cho khán giả gần như đã được Hội đồng kiểm duyệt "cắt", "gọt", "xén" bớt đi ở những cảnh hành động hoặc tình cảm mùi mẫn. Thế nhưng khung kiểm duyệt của điện ảnh nước nhà dường như còn rất mơ hồ, đại khái và có phần hơi "lỗi thời" khiến nhiều tác phẩm điện ảnh chịu "án oan" trong việc kiểm duyệt.
"Bụi đời Chợ Lớn" nếm "vị đắng" khi không thể ra rạp
Có lẽ "bản án" nặng nhất của kiểm duyệt chính là vụ lùm xùm xoay quanh Bụi đời Chợ Lớn của anh em Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn. Đó được kì vọng là một "bom tấn" mới của phim hành động Việt với những cảnh hành động "bụi" mang hơi hướng Hollywood, nội dung chân thực miêu tả xã hội phức tạp ở khu Chợ Lớn - Sài Gòn. Thế nhưng sau những lần "duyệt lên duyệt xuống" của Hội đồng kiểm duyệt, cắt hơn 15 phút hành động gay cấn và chỉnh sửa những phân đoạn nhạy cảm, Bụi đời Chợ Lớn vẫn không được ra mắt khán giả và thậm chí cũng không thể bán ra nước ngoài bởi quy định muốn bán bản quyền vẫn phải qua...kiểm duyệt. Đen đủi hơn nữa, ý định phát hành DVD của bộ phim cũng tan thành mây khói khi bản phim đầy đủ bị tung lên mạng. Vậy là toàn bộ công sức của một đoàn làm phim suốt hàng tháng trời cho một sản phẩm điện ảnh tâm huyết bỗng thành công cốc.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: "Tôi mong cơ chế kiểm duyệt nên thông thoáng hơn."
Nhiều đạo diễn và nhà sản xuất chia sẻ rằng điều khiến họ e ngại nhất khi sản xuất một bộ phim là khâu kiểm duyệt, họ bày tỏ ý kiến: “Thôi thì sắp tới các đạo diễn cứ làm phim hài câu khách, nhảm nhảm chút cho an toàn, cũng vẫn được duyệt, vẫn ra rạp ăn khách như thường. Tại sao phải khổ thế khi mạo hiểm chọn thể loại phim hành động, hay kinh dị, vừa quay cực lại còn bị duyệt gắt gao”. Hay như chia sẻ của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng về vấn đề kiểm duyệt: "Hiện đạo diễn nào cũng tự kiểm duyệt phim của mình trước rồi, nhưng khi đưa phim đi trình duyệt lại bị cắt, sửa nữa. Phim ảnh là phải có cá biệt, có dấu ấn cá nhân của câu chuyện, của đạo diễn; chứ cứ cắt, xén mãi, phim nào ra mắt cũng tròn trịa, mất đi sự gai góc thì điện ảnh Việt không thể nào có những bộ phim nổi trội được. Tôi mong cơ chế kiểm duyệt nên thông thoáng hơn, quy định cụ thể, rõ ràng, ví dụ như cấm bạo lực thì nói rõ bạo lực là như thế nào, cảnh đấm đá, chém giết tới đâu là vừa, rồi phản cảm là như thế nào, cảnh sex không được kéo dài quá bao nhiêu phút, rồi không được lộ bộ phận nào trên cơ thể...”. Hệ thống kiểm duyệt của Việt Nam lại là một "rào cản" khác giữa phim hành động và khán giả nước nhà.
Phim hành động Việt: Bao giờ mới thành công?
Bộ phim hành động Việt Nam mới đây nhất được ra rạp là Hiệp sĩ mù của đạo diễn Lưu Huỳnh. Phim được đầu tư hơn 18 tỷ đồng và được PR rầm rộ trên các mặt báo một thời gian dài trước khi ra mắt khán giả vào hồi đầu tháng 10 vừa qua. Phim nhận được khá nhiều lời khen ngợi bên cạnh một vài "hạt sạn" không đáng có, khán giả đang hí hửng chuẩn bị ra rạp xem phim thì bất ngờ phim ngừng chiếu vì một lý do - có lẽ nên coi đó là một lý do "đáng mừng": Hiệp sĩ mù được mua lại với giá 50 tỷ đồng, gấp 3 lần số vốn mà nhà sản xuất bỏ ra, với điều kiện là phải ...ngưng chiếu ở Việt Nam. Khán giả được phen "tẽn tò", bù lại nhà sản xuất lại "mừng rơn", không biết tình trạng này nên vui hay nên buồn?
"Hiệp sĩ mù" ngừng chiếu chỉ sau vài ngày ra rạp
Sắp tới đây, Hương Ga của đạo diễn Cường Ngô được hứa hẹn sẽ là một bộ phim hành động đáng trông đợi của điện ảnh Việt Nam khi nội dung xoay quanh giới xã hội đen của đất Cảng Hải Phòng cùng những màn hành động được nhà sản xuất đảm bảo là "mãn nhãn". Thời lượng dành cho các cảnh hành động là 70% phim, với sự chuẩn bị và đầu tư công phu, đẹp mắt. Tuy vậy, cùng chung số phận với những "người anh em" khác, Hương Ga vẫn phải gắn mác 16+ vì một số cảnh quay nhạy cảm. Liệu rằng "ải" kiểm duyệt và sự thất bại của nhiều phim đi trước có ngăn cản được sự thành công của Hương Ga, và liệu đó có thể là "bom tấn" tiếp theo sau một thời kì ảm đạm của phim hành động Việt Nam?
Liệu "Hương Ga" có vực dậy được phim hành động Việt?
Thị hiếu của khán giả Việt hiện đang nghiêng hẳn sang những bộ phim tâm lý hài pha chút "nhảm" kiểu thị trường. Điện ảnh Việt Nam đang rất cần những bộ phim đúng nghĩa điện ảnh, mà muốn làm được điều đó thì những người làm nghệ thuật, những nhà sản xuất phải làm ra được những bộ phim chất lượng, thậm chí họ phải "liều" để làm ra những tác phẩm ấy. Phim hành động Việt Nam cũng vậy, dù đang phải chật vật tìm đường và cái mốc thành công vẫn đang ở khá xa, nhưng với những tên tuổi đạo diễn được trông đợi cùng ê-kíp làm phim chất lượng, chắc chắn một tương lai tươi sáng đang rộng mở với phim hành động "cộp mác" Việt Nam.