Trái núc nác có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như luộc chấm nước cốt chanh, nấu và nộm thịt, cá nướng...
Núc nác (còn có tên gọi là Nam hoàng bá, Mộc hồ điệp, Ngúc nác) là một loại cây rừng cao hàng chục mét, rất quen thuộc với người dân vùng núi các tỉnh Nghệ An, Hà Giang, Đắk Lắk... Nó mang thân nhẵn, ít phân cành, có những sẹo to do lá rụng để lại. Vỏ cây màu xám tro, mặt trong màu vàng nhạt. Lá to, mọc đối, xẻ 2 – 3 lần lông chim, dài đến 1,5m, tập trung ở ngọn thân. Lá chét hình bầu dục, gốc tròn, hơi lệch, đầu nhọn, mặt dưới nhẵn hoặc hơi có lông. Quả to, dài và dẹp như trái phượng vĩ.
Quả núc nác to, dài và dẹp.
Trước đây, loại cây rừng dại này được bà con đem về trồng làm hàng rào hoặc trụ tiêu, sau đó tận dụng lá non và quả làm thức ăn hàng ngày. Gần đây, quả núc nác không chỉ là món ăn yêu thích của người bản địa mà trở thành đặc sản của các nhà hàng được dân buôn săn lùng mang đi khắp nơi.
Các món ăn làm từ quả này không phải ai cũng có thể thưởng thức được vì có vị đắng và hăng. Tuy nhiên ai ăn quen thì lại thấy hấp dẫn, ngon ngọt. Thường ngọn non của quả núc nác được người dân chế biến theo cách rất đơn giản: luộc chấm cùng nước cốt chanh.
Món nộm núc nác. (Ảnh: Ẩm thực vùng cao)
Còn quả bánh tẻ có thể chế biến thành nhiều món như xào thịt, gỏi, nấu canh... Nhưng ngon nhất vẫn là món gỏi: nướng quả núc nác cho cháy đen vỏ bề ngoài, dùng dao cạo sạch vỏ bị cháy, đem rửa sạch; sau đó để ráo nước cắt thành lát mỏng rồi trộn đều với thịt ba chỉ, cá nướng... vắt chanh tỏi ớt, lạc rang, rau thơm là đã có một món ăn vô cùng hấp dẫn và lạ miệng.
Theo y học cổ truyền, núc nác có vị đắng tính mát nên tác dụng mát gan, nhuận phế, thanh nhiệt, tiêu viêm, chữa vàng da, viêm da, ngứa khô sần da, viêm họng... Ngoài ra quả úc nác chứa nước, protein, glucid, caroten, vitamin C...