Ở miền Trung, từ xưa người dân đã sử dụng thân chuối để kết hợp với nhiều món ăn. Thân chuối giòn, mềm, ngậm nước nên ăn rất mát, thích hợp cho những ngày hè oi nóng.
Ở Việt Nam, chuối là loại cây trồng quen thuộc, xuất hiện khắp các vùng miền từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược. Nhiều người nghĩ rằng chỉ có quả chuối mới mang lại giá trị, còn các bộ phận khác của cây chuối thì bỏ đi. Ít ai ngờ rằng, ở một số nơi, thân chuối được chế biến thành món đặc sản độc đáo, lạ miệng, từ xưa đã gắn với cuộc sống dân dã của người dân miền quê.
Thân chuối có thể làm thành nhiều món ăn độc đáo ở các miền quê
Theo tìm hiểu, nếu như quả chuối giàu kali, hoa chuối nhiều chất xơ, củ chuối có thể mang đi om thì phần thân chuối cũng sở hữu lượng dinh dưỡng khá lớn.
Trong thân chuối chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin B6, vitamin A và nhiều khoáng chất tốt cho sức khoẻ nên có nhiều tác dụng tốt như giúp giảm cân, giữ dáng hiệu quả, cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ tăng cường cơ tim, hỗ trợ điều hoà huyết áp cũng như kích thích sản xuất insulin…
Từ thân chuối có thể làm các món như nấu canh chua, mực nộm thân chuối, gỏi gà thân chuối, thân chuối xào lươn, xào hến hoặc xào chung với hàu, làm nộm, kết hợp với rau sống trong các món bún nước.
Thân chuối non được xắt mỏng rồi ngâm qua nước muối hoặc giấm để không để thâm
Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, thân chuối chính là món ăn "cứu đói". Bạn Hòa Anh (ở Quảng Ngãi) kể: "Ngày trước ở quê mình thân chuối được sử dụng để làm nhiều món ăn. Nhưng mình nhớ nhất là thân chuối xắt nhỏ làm rau sống, kết hợp với rau má, đinh lăng, rau quế, khế chua, chấm cùng mắm cá hay ăn cùng các món gỏi đều rất ngon.
Thân chuối để ăn sống phải từ cây chuối non cỡ bắp tay người lớn. Trước khi xắt lát mỏng sẽ lột bỏ bẹ xanh bên ngoài, giữ lại lõi chuối trắng ngần bên trong. Lõi cây chuối non được bào thật mỏng, rồi ngâm vào thau nước muối có pha chút chanh để rau được trắng và bớt mủ. Thân chuối non khi ăn có vị ngọt mát, mang đậm hình ảnh quê nhà. Đến bây giờ mình vẫn nhớ mãi".
Hòa Anh cho biết, tại các nhà hàng, quán ăn ở Quảng Ngãi hiện nay vẫn sử dụng thân chuối non để nấu canh chua hoặc bóp gỏi, vị thanh mát, thích hợp cho những ngày hè.
Cũng ở miền Trung, bạn Giang (ở Nghệ An) chia sẻ: "Ngày xưa những lúc không có rau, mẹ tôi dùng thân chuối, thậm chí đào cả củ chuối để làm món ăn. Thân chuối giòn, mềm, ngậm nước nên ăn rất mát. Mẹ bảo, thân chuối phải là thân chuối hột mới ngon và không bị chát.
Thân chuối làm rau sống hay nấu cùng canh ngao, canh cá đều rất ngon miệng
Bóc bỏ lớp vỏ già, chỉ để lại phần lõi mềm, trắng tinh phía trong rồi thái mỏng, sau đó ngâm trong nước có pha với một thìa muối và giấm để chuối không bị thâm đen và chát. Sau đó đem trộn với nước mắm chua ngọt, cho thêm rau quế, đậu phộng là có món ăn ngon lành".
Từ món ăn của người nghèo, giờ đây thân chuối thành đặc sản nổi tiếng ở thành phố. Nhiều người bất ngờ khi thân chuối có thể làm thành món ăn. Trong nhiều nhà hàng, thân chuối được đưa vào thực đơn, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon.