Thi thoảng người dân vẫn đốn cây kiếm củ hủ đủng đỉnh để làm món ăn ngon.
Cây đủng đỉnh có tên khoa học Caryota mitis Lour, là một loại thực vật hạt kín thuộc họ Cau Arecaceae. Cây phát triển tốt nhất ở vùng khí hậu nhiệt đới có lượng mưa lớn, vì thế chúng phân bố chủ yếu ở các nước có khí hậu này, đặc biệt là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Singapore, Indonesia, Thái Lan và rải rác một số vùng thuộc châu Úc, châu Mỹ,… Cây mọc nhiều ở chân núi đá vôi, thung lũng ẩm, ven các đường rừng, dưới tán cây gỗ thưa.
Khi trồng trong nhà, cây thường có chiều cao không quá 2,5 mét; còn ở ngoài trời cây có thể cao tới 20,5 mét. Chúng có đặc điểm: Thân cây thẳng, hình trụ. Khi còn bé, gốc cây nhỏ, mảnh; khi trưởng thành, thân cây thường to bằng khoảng cây cau, càng lớn tuổi thân càng cao nhưng bề to ngang không thay đổi nhiều. Thân cây có nhiều vòng sẹo và sợi do bẹ lá để lại làm thành. Cần tránh tiếp xúc với các sợi này vì chúng có thể gây ngứa da.
Củ hủ đủng đỉnh - một bộ phận của cây đủng đỉnh.
Lá kép của đủng đỉnh có hình lông chim, dài từ 1,5 đến 3m, có cuống chung lớn. Lá chét của cây mọc so le, dai, dài khoảng 15 – 20cm, mang các lá lớn hình đuôi cá ở đỉnh, mép trên có răng không đều, mép dưới men theo cuống.
Hoa của cây này có màu kem, nhỏ, mọc thành các mo dày đặc. Bông mo dài khoảng 30-40 cm, càng lên đỉnh càng lơn. Hoa đủng đỉnh thường ra vào mùa hè.
Quả tròn, khi chín có màu đỏ đậm, có vào tầm tháng 11-12. Sau 15 đến 25 năm cây mới ra quả và sẽ ra liên tục cho đến khi tàn. Cần tránh tiếp xúc với quả khi chúng đã chín đỏ, bởi có chứa axit oxalic rất độc khi ăn phải và có thể gây bỏng, kích ứng nghiêm trọng nếu tiếp xúc với da.
Tại Việt Nam, cây đủng đỉnh có nhiều ở khu vực miền Trung, được người dân sử dụng làm bài thuốc chữa trị một số bệnh. Và ít ai biết rằng chồi non – hay còn gọi là củ hủ đủng đỉnh có thể ăn được, thậm chí là một đặc sản nổi tiếng mà bất cứ người dân nào ở miền Trung cũng muốn thưởng thức.
“Củ hủ đủng đỉnh là phần non nằm ở trên ngọn cây. Tôi nhớ xưa người dân quê tôi thường vào rừng chặt tán lá đủng đỉnh về làm chuồng bò chuồng trâu. Cây nào già, họ sẽ chặt cả ngọn để lấy củ hủ về chế biến thành món ăn ngon cho cả gia đình thưởng thức như đúc bánh xèo, nấu canh, xào thịt bò…
Củ hủ đủng định xào thịt bò.
Song món ấn tượng nhất chính là đúc bánh xèo. Nó sẽ giòn thơm và ngon hơn cả củ hủ dừa mà người dân miền Tây thường làm. Tôi tin rằng ai đã từng ăn món này sẽ chẳng bao giờ quên hương vị của nó”, Khánh Hoài (25 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết.
Cũng theo cô gái hiện người ta không còn vào rừng để kiếm cổ hủ đủng đỉnh như xưa. Tuy nhiên ở vùng quê vẫn có gia đình trồng cây đủng đỉnh để làm cảnh hoặc lấy bóng mát. Vì thế thi thoảng người dân vẫn đốn cây kiếm củ hủ để làm món ăn ngon. Thậm chí nó còn được các quán ăn, nhà hàng săn lùng để bổ sung vào nguyên liệu của món bánh xèo, thịt bò xào...