Cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại văn học kì ảo kèm đôi chút rùng rợn dành cho lứa tuổi thiếu niên này sẽ khiến bạn khó có thể rời khỏi nó cho đến trang cuối cùng.
Những bức ảnh sẽ kể gì cho bạn? Thời điểm mà chúng ra đời, bối cảnh mà chúng ghi lại, hay những lời đề tặng được ghi nắn nót ở mặt bên kia? Với Ransom Riggs, những bức ảnh cũ xưa không chỉ kể cho anh câu chuyện về khoảnh khắc ngưng đọng của thời gian mà nó lưu giữ lại, mà còn trao vào tay anh những mảnh ghép rời rạc để người nghệ sĩ thoả chí sáng tác, lắp ghép chúng với nhau thành một câu chuyện hấp dẫn khó chối từ.
Tác giả Ransom Riggs
Jacob là một thiếu niên sống một cuộc đời sung túc có được từ sự giàu sang mà mẹ cậu mang lại, với một cuộc đời đã được vạch sẵn. Cậu có một người ông thường xuyên kể cho cậu nghe những câu chuyện về thời niên thiếu của mình tại trại trẻ của cô Peregrine cùng những người bạn phi thường. Mỗi câu chuyện ông kể lại đều kèm theo một bức ảnh chụp mà sự kì dị của nó sánh ngang với nhân vật mà nó làm nhân chứng cho sự tồn tại. Cậu bé Jacob lớn lên, ông nội Abe của cậu thì ngày một già đi, không ai còn tin những câu chuyện hay bức ảnh của ông nữa. Không ai nói ra, nhưng mọi người nghĩ ông cần vào viện dưỡng lão, trừ Jacob. Rồi một ngày kia, ông nội qua đời trên tay Jacob. Cái chết đầy mờ ám, giữa bãi đất sau nhà, cả cơ thể bị cào xé.
Cái chết của ông Abe đã vĩnh viễn chia cắt cuộc đời Jacob thành hai nửa trước – sau đầy day dứt. Mỗi ngày đi qua của nửa sau luôn gợi cho Jacob nhớ đến một điều gì đó cậu đã vĩnh viễn mất đi ở nửa trước, tất cả được đánh dấu bằng cái chết của ông nội Abe yêu dấu.
Phiên bản tiếng Việt của cuốn sách
Người ta thấy ở Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine một hình mẫu điển hình của tuổi thiếu niên nổi loạn: cố gắng tìm cách để có được tiếng nói riêng, ương bướng và tìm cách chống đối, nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương của một trái tim nhân hậu. Đó là chú bé Jacob. Jacob yêu thương hết mực ông nội Abe của mình, tình yêu ấy chính là khởi nguồn của niềm tin vững chắc cậu dành cho ông, là động lực để cậu dấn thân vào cuộc phiêu lưu chỉ với mục đích chứng minh ông mình không phải là một lão già thích bịa chuyện. Tình yêu thương chính là khởi nguồn của cam đảm, của niềm tin và cả lòng bao dung trong tâm hồn cậu thiếu niên mới lớn.
Trong cuộc hành trình đi ngược về quá khứ của ông nội Abe, Jacob cùng bố đến đảo Cairnholm, nơi toạ lạc trại trẻ của cô Peregrine năm xưa. Tại đây, Jacob đã từng bước, từng bước dấn thân sâu hơn vào quá khứ của ông nội, để rồi phát hiện ra, không chỉ niềm tin của cậu được đáp đền xứng đáng, mà còn là cả một chương mới cậu chưa bao giờ mường tượng sẽ là một phần cuộc đời mình. Chương bất ngờ ấy được đặt nền móng từ chính những gì ông nội cậu đã làm, đúng hơn là từng làm, và Jacob là người hoàn thành công trình được đánh đổi bằng những hi sinh ấy.
Một trong số rất nhiều những bức hình của ông nội Abe được in trong sách
Câu chuyện xoay vòng quanh cái trục trung tâm là Jacob và ông nội Abe. Cậu bé là tương lai không bao giờ tồn tại của ông Abe, ở một khoảng thời gian khác, cũng như quãng đời của ông nội Abe ở trại trẻ của cô Peregrine chính là quá khứ chưa bao giờ tồn tại của cậu. Người này vừa là quá khứ, đồng thời cũng là tương lai của người còn lại, nhưng tuyệt nhiên không có một chút nào trong sự vận hành ấy là ép buộc. Nó giống như một sự kế thừa đầy tự hào di sản của ông cha mình. Di sản ấy là sự can đảm, là lòng bao dung, là tình yêu, và cả hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
Bối cảnh của cuốn sách cũng là một điều thực sự thú vị. Mọi mô tả chi tiết hơn sẽ chỉ vô tình tiết lộ những phần độc đáo nhất của cuốn sách, nhưng rõ ràng Ransom Riggs đã xây dựng hết sức thành công hai nửa đối lập đã mất và vẫn đang tồn tại của thế giới này: phần đã mất ngập trong nắng hè tươi sáng trong khi thực tại chìm trong bão biển và sương mù. Cũng như niềm say mê dành cho những bức ảnh cũ của mình, Rason dẫn dắt người đọc nhập tâm vào câu chuyện theo góc nhìn của anh, theo quan điểm của anh – những điều đẹp đẽ và huy hoàng nhất luôn nằm lại trong một quá khứ rất xa. Quan điểm này có phần đồng cảm với đạo diễn Woody Allen khi ông làm nên bộ phim Midnight in Paris đẫm chất thơ và một nỗi buồn rực rỡ của mình.
Dù có là quá khứ hay tương lai, đánh mất hay tìm lại, thì từng chương truyện trong Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine luôn được duy trì ở một trạng thái tĩnh lặng vượt ra khỏi dòng chảy của không gian và thời gian – sự tĩnh lặng tuyệt đối nằm kẹt lại trong những bức ảnh đã truyền cảm hứng cho cả cuốn sách. Và cứ như thế, Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine trôi lơ lửng trong chất liệu và cảm hứng đến từ những năm đầu thập niên 30.