Để việc tập luyện đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên lưu ý một số việc không nên làm trước khi bắt đầu buổi chạy.
Để bụng đói hoặc ăn quá no
Dù bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bạn cũng không nên để bụng đói hoặc ăn quá no trước khi chạy bộ. Cơ thể cần được cung cấp rất nhiều năng lượng để phục vụ cho quá trình vận động của cơ xương khớp và quá trình trao đổi chất của các cơ quan.
Vì vậy, nếu để bụng đói, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, cạn kiệt sức lực và bủn rủn tay chân, thậm chí là bị ngất khiến buổi chạy kém hiệu quả, gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Nhưng nếu ăn quá no cũng không tốt vì có thể làm bạn bị đau dạ dày, nôn ói,...
Không nên để bụng đói hoặc ăn quá no trước khi chạy. (Ảnh: Ella Olsson/Unsplash)
Để cơ thể có đủ năng lượng cho buổi chạy đồng thời tránh tình trạng bị sốc hông, hãy ăn nhẹ trước lúc tập luyện và chọn thời điểm phù hợp để cơ thể tiêu hóa thức ăn.
Nạp nhiều chất xơ và carbohydrate
Thông thường, một bữa ăn lý tưởng cho người chạy bộ sẽ gồm thức ăn có nhiều carbs, protein và dĩ nhiên không thể thiếu việc bổ sung nước. Bạn có thể chọn ăn trứng gà luộc, bánh mì nướng, ức gà,... với lượng phù hợp để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Nếu không có nhiều thời gian để chuẩn bị bữa ăn, hãy trữ sẵn yến mạch, trái cây hay bánh muffin, ngũ cốc, thanh năng lượng,... Nhưng lưu ý là không nên ăn quá nhiều chất xơ vì gây đầy bụng và khó tiêu dù thực tế, nó giúp giữ mức năng lượng ổn định và giảm cảm giác đói.
(Ảnh: jcomp/Freepik)
Tương tự chất xơ, carbohydrate cũng là thứ không nên nạp quá nhiều trước khi chạy bộ dù cơ thể dựa vào chất này để tạo năng lượng trong quá trình chạy. Nguyên nhân là do khi carbohydrate được nạp quá nhiều, lượng đường trong máu tăng thời gian đầu giúp bạn có nhiều năng lượng để chạy bộ. Tuy nhiên, khi nó giảm xuống cũng kéo theo năng lượng giảm nên cơ thể dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, uể oải khiến bạn dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Tập luyện quá sức
Tập luyện nhiều bộ môn thể thao giúp tăng khả năng vận động, tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần tuy nhiên, sẽ không phù hợp nếu trước khi chạy bộ mà tập luyện quá sức.
(Ảnh: Unsplash)
Bởi trong quá trình tập luyện, cơ thể của bạn đã sử dụng nhiều glycogen - vốn được tích trữ nhờ ăn carbs - nên đến khi chạy bộ thì không còn đủ dùng. Thiếu hụt glycogen làm tăng cảm giác uể oải, gây mệt mỏi khi vận động đôi chân dù là chạy bộ trong nhà hay ngoài trời.
Bỏ qua bước khởi động
Không ít người vì thiếu thời gian tập luyện mà bỏ qua bước khởi động để "tranh thủ" chạy thêm. Nhưng đây lại là một sai lầm cực kì lớn bởi trong một quá trình tập luyện, khởi động là một bước không thể thiếu. Nó giúp các cơ xương khớp trong cơ thể được làm nóng, góp phần giảm nguy cơ chấn thương. Thông qua quá trình khởi động, hệ tim mạch cũng hoạt động dễ dàng hơn để việc trao đổi chất được thực hiện tối ưu.