Về miền Tây ăn món bún ngon “nuốt lưỡi”, ăn một bát lại muốn ăn thêm

H.M - Ngày 20/01/2021 10:04 AM (GMT+7)

Món bún thanh mát này là đặc sản của miền Tây khiến ai cũng muốn được thưởng thức một lần.

Ẩm thực miền Tây mang bản sắc rất riêng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nơi đây có hàng nghìn món ăn ngon mà đôi khi chỉ một chuyến du lịch bạn cũng khó có thể thưởng thức hết. Mỗi tỉnh miền Tây lại có những món ăn riêng, như ở An Giang nổi tiếng với bún cá, Hậu Giang thì có bún mắm thì ở Sóc Trăng, du khách lại “chết mê chết mệt” món bún nước lèo.

Về miền Tây ăn món bún ngon “nuốt lưỡi”, ăn một bát lại muốn ăn thêm - 1

Bún nước lèo là món ăn truyền thống của người Khmer, có tên gọi là “num-chooc”, còn người Kinh gọi là bún nước lèo. Đúng như tên gọi, bún nước lèo gồm hai phần chính là bún và nước lèo. Bún được sử dụng trong món này không có gì đặc biệt, vẫn là sợ bún làm từ gạo, trắng và nhỏ. Phần làm nên linh hồn của món bún này phải kể đến thứ nước lèo có hương vị hết sức đặc trưng.

Trước đây, nguyên liệu chính để nấu nước lèo là mắm bò hóc (người Khmer gọi là “prohok”) đặc thù của người Khmer. Nhưng do món mắm này quá nồng khiến thực khách “khó chịu” nên được thay bằng loại mắm cá sặc hay cá linh vì những loại mắm này có mùi nhẹ hơn. Cũng có nơi người nấu bún có sự kết hợp 3 loại mắm là mắm bò hóc, mắm cá sặc và mắm nêm khi nấu nước lèo.

Về miền Tây ăn món bún ngon “nuốt lưỡi”, ăn một bát lại muốn ăn thêm - 2

Để nấu món bún nước lèo, người nấu bún sẽ chuẩn bị các nguyên liệu là bún, ngải bún, cá lóc (cá quả, cá chuối, cá tràu), tôm, thịt heo quay, sả, rau thơm, giá, hẹ, bắp chuối bào, rau muống bào, ớt,… và nước lèo.

Về bún, loại bún sợi nhỏ, dài, có màu trắng, thơm được lựa chọn để sử dụng vì loại bún này rất dễ ngấm vào gia vị và nước lèo, làm dậy lên mùi thơm đậm đà đặc trưng của món bún. Còn các thành phần khác như cá lóc, tôm, thịt heo quay được sơ chế và nấu chín sẵn để ăn kèm cùng với bún.

Nước lèo được nấu hoàn toàn từ xương, thịt và nước cốt dừa nên khi ăn vào thấy rất thơm và ngọt nước. Xương được hầm trong 4 đến 6 tiếng để cho ra loại nước thơm ngon, ngọt, giàu chất dinh dưỡng. Để ăn cùng món bún này cho thêm phần thanh mát, người ta luôn có thêm một rổ rau sống, hoa chuối xắt nhỏ bên cạnh.

Nhiều người gọi bún nước lèo Sóc Trăng là “món ăn đoàn kết”, bởi nó là sự kết hợp tinh hoa của dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, thể hiện ở mỗi thành phần món ăn là đặc trưng của 3 dân tộc.

Về miền Tây ăn món bún ngon “nuốt lưỡi”, ăn một bát lại muốn ăn thêm - 3

Du khách có thể tìm thấy rất nhiều quán bún nước lèo ở Sóc Trăng, nhưng một số quan ngon nổi tiếng mà bạn có thể tới để thưởng thức hương vị chuẩn nhất của món ăn này là các quán đã mở nhiều năm như quán bún nước lèo Ba Te (ấp Hòa Mỹ), quán 189 (ấp Chợ Cũ) đều thuộc thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên; quán Cây Nhãn (đường Võ Đình Sâm, phường 8, TP Sóc Trăng), quán Thảo Nhi đường Phú Lợi (phường 2), quán Cá Đồng (quốc lộ 1A, phường 2, TP Sóc Trăng),…

Món bún tên lạ ở Phú Quốc khiến du khách nức lòng, có tiền chưa chắc đã ăn được
Muốn ăn món bún đặc sản Phú Quốc này bạn phải chịu khó xếp hàng và ngắm nhìn từng bước chế biến ra tô bún rồi mới được về bàn ăn.
H.M Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ẩm thực miền Tây