Đi 1 khu chợ, ăn 2 bữa cơm, trong 18 tiếng và bán 300 tờ giấy là công việc mỗi ngày của chị Nhàn và anh Khánh suốt một năm nay. Họ cũng chỉ bán duy nhất một mặt hàng trị giá 10.000 đồng: Vé số.
Người dân sinh sống tại chợ Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dần quen với hình ảnh một người đàn ông khiếm thị đẩy một người phụ nữ bị liệt nửa người đi bán vé số. Hai con người cộng sinh để mưu sinh và câu chuyện về ước vọng đổi đời khiến nhiều người nể phục.
Hai mảnh đời bất hạnh “tựa” vào nhau
Giữa trưa, chị Nhàn cẩn thận đếm lại từng cọc vé số, chốc chốc nhìn anh Khánh chập chững bước đi trong chiếc áo đẫm mồ hôi. Hơn một năm nay, 2 con người xa lạ này đã tìm thấy và nương tựa vào nhau để mưu sinh, dù cả 2 không phải vợ chồng.
Chị Nhàn là đôi mắt dẫn đường cho anh Khánh, mỗi ngày, cả hai mất khoảng 30 phút đi bộ từ phòng trọ ra chợ Thủ Dầu Một.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hải Dương, cơn sốt bại liệt lúc 9 tháng tuổi đã khiến chị Trần Thị Nhàn (33 tuổi) bị liệt một phần cơ thể. Trải qua tuổi thơ đầy cơ cực, năm 20 tuổi, chị Nhàn quyết định xin mẹ đi bán tăm bông, nào ngờ bất hạnh lại ập tới khi chị gặp phải tai nạn giao thông dẫn đến gãy xương đùi khiến cuộc sống của người phụ nữ khuyết tật rơi vào bế tắc.
Gượng dậy sau những nỗi đau, để không phụ thuộc vào gia đình, chị Nhàn tự buôn bán để kiếm sống. Đầu năm 2023, chị Nhàn quen biết anh Hoàng Văn Khánh (45 tuổi, quê Lạng Sơn, khiếm thị) qua một hội nhóm của người khuyết tật. Đồng cảm với cảnh ngộ của nhau, hai anh em quyết định rủ nhau vào TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) thuê trọ để kiếm sống.
Ban đầu, 2 anh em khởi đầu bằng việc bán tăm bông nhưng ế ẩm, cả 2 quyết định chuyển sang hẳn bán vé số, anh Khánh sẽ là đôi chân, chị Nhàn sẽ là đôi mắt chỉ đường để 2 con người yếu thế nương tựa vào nhau.
“Ban đầu xin bán vé số, không có đại lý nào dám đưa vé cho mình. Thứ nhất là vì lượng vé đã bỏ mối sỉ cho người quen. Thứ hai, do mình mới đi bán, bên đại lý không tin tưởng sẽ bán được hết và theo nghề lâu dài”, chị Nhàn nghẹn lời.
Được một người giúp đỡ về nguồn vé, chị Nhàn bỏ hẳn công việc bán tăm bông và chuyển sang vé số.
May mắn thay, 2 anh chị được một người đàn ông bán vé số giúp đỡ, chia lại vé để cả 2 có kế sinh nhai khiến chị Nhàn bất ngờ. “Chú không sợ bọn cháu lấy hết vé chú đi sao?”. “Chú cười rồi bảo chú tin tưởng tụi mình. Nhiều ngày mình bán hết sớm sẽ tìm chú bán phụ, đó cũng là một cách để cảm ơn chú”, nói đoạn, chị Nhàn quay sang nhìn anh Khánh, giọng đầy quả quyết: “Tụi mình tàn phế nhưng không hề vô dụng”.
Mua hy vọng và bán hy vọng
Mỗi ngày, chỉ tiêu của Nhàn và anh Khánh là 300 tờ, lời được 1.000 đồng/tờ, tương đương với 300.000 đồng/ngày, lợi nhuận hai anh em chia đều.
Đều đặn đúng 4 giờ sáng, chiếc xe lăn cùng mâm vé số bắt đầu lăn bánh đến khu chợ. Đôi tay của Nhàn ghì lấy nhau trên cái cần để điều khiển cho xe đi đúng hướng, còn anh Khánh thì bước vội theo sau. Đôi khi Khánh đi nhanh đến mức bị hiểu lầm rằng anh giả mù để lấy lòng thương từ mọi người. “Cứ 10 người thì hết 9 người là nghĩ anh giả mù, có ai muốn mình bị mù đâu chứ, rồi sau đó mọi người biết hoàn cảnh mình rồi, lại thương mình hơn”, anh Khánh tâm sự.
Trước đây thuê trọ xa, hai anh em phải mua đồ ăn bên ngoài rồi ăn vội trên đường, bây giờ tìm được phòng gần hơn, buổi trưa cả hai có thể về tự nấu và có chỗ nghỉ trưa.
11 giờ trưa, chị Nhàn và anh Khánh trở lại phòng trọ để ăn trưa. Đến 16h30, hai anh em sẽ đi lấy vé của ngày tiếp theo. Họ cố gắng bán thật nhiều trong buổi chiều hôm trước để đỡ vất vả cho hôm sau. Chiếc xe lăn dừng chân khi đồng hồ điểm 21 giờ, có khi 22 giờ nếu hôm đó bán chậm, nó cũng đồng nghĩa với việc hai anh em phải ăn tối muộn hơn thường ngày.
Có những ngày mưa phải “ôm vé”, cuối buổi, anh Khánh sờ vào mâm vé dày cộm, chị Nhàn nhớ lại rồi bật cười: “Ôm nhiều lắm mà sao tụi mình chưa trúng lần nào!”. Đầu năm nay, cả hai không may bị lừa và giật cả cọc 427 tờ vé số và túi tiền hơn 7 triệu, tổng thiệt hại lên đến 12 triệu. Trong lúc không để ý, kẻ trộm đã giật vé số và túi tiền rồi bỏ chạy. Dù rất buồn lòng nhưng cả 2 anh chị đều động viên nhau cố gắng, lấy thêm vé để bán nhiều hơn, góp nhặt để xoay xở.
Chập tối khi đã bán xong, chị Nhàn tranh thủ gọi điện về hỏi thăm gia đình cho mẹ yên lòng.
“Mình cảm thấy vui vì đã gửi tiền được cho mẹ, lần nhiều nhất là hơn 6 triệu vào tháng Tết. Mình làm không nghỉ ngày nào, cứ bán suốt ở chùa Bà”, vừa nói, chị Nhàn khoe với mọi người về 2 chiếc điện thoại mới cho mình và mẹ để hai mẹ con có thể gọi video call cho nhau. Nói về ước mơ tương lai, cả 2 anh chị đều mong muốn được tích góp nhiều tiền hơn để lo cho gia đình, chị Nhàn còn ao ước có được một tiệm tạp hoá nhỏ nhắn ở quê nhà để được gần mẹ già và anh trai.
Người dân vui vẻ ủng hộ cho anh Khánh và chị Nhàn vài tờ khi đi chợ Thủ Dầu Một.
12h trưa, sau một buổi sáng mưu sinh vất vả, anh Khánh đẩy chị Nhàn di chuyển về phòng trọ. Nhìn chiếc xe lăn xóc nảy trên mặt đường tựa như số phận bấp bênh của anh chị. Bánh xe cứ lăn đều như thể vòng lặp vô tận, dù sợ hãi nhưng anh chị chấp nhận, mạnh mẽ để bước qua nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn.
“Mình chỉ mong bản thân mình có đủ sức khoẻ, tiếp tục công việc để có thể phụ giúp gia đình. Những tấm vé số không chỉ mang đến hy vọng đổi đời cho người mua mà nó còn là hy vọng của tụi mình, hy vọng về một cuộc sống tự lập”, chị Nhàn cười nghẹn.