Tiết kiệm không dễ nhưng cũng không khó và ai trong chúng ta cũng sẽ làm được khi tìm ra phương pháp, cách thức phù hợp với mình.
Tiết kiệm tiền không phải là một việc dễ dàng, nhất là đối với những người vốn có niềm thích thú với việc chi tiêu. Nếu bạn đang gặp vấn đề với các hóa đơn của mình, đừng quá lo lắng vì bạn không phải là người duy nhất. Tin vui là tiết kiệm không dễ nhưng cũng không khó và ai trong chúng ta cũng sẽ làm được khi tìm ra phương pháp, cách thức phù hợp với mình.
Mỗi người tùy theo điều kiện, sở thích, thói quen mà sẽ có cách tiếp cận phù hợp khác nhau. Dưới đây là 3 cách tiết kiệm đơn giản mà hiệu quả giúp bạn ngày càng rủng rỉnh hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống:
Tiết kiệm theo từng giai đoạn
Phương pháp tiết kiệm theo từng giai đoạn hay còn gọi là phương pháp tiết kiệm 52 tuần. Về cơ bản, bạn sẽ thực hiện vòng tiết kiệm này trong 1 năm (tương đương 52 tuần) với mục tiêu mỗi tuần đều tăng số tiền tiết kiệm được so với tuần trước đó.
Ví dụ: Nếu tuần đầu tiên của kế hoạch tiết kiệm, bạn bắt đầu với 5 nghìn đồng, tuần sau đó hãy tiết kiệm 10 nghìn đồng rồi 15 nghìn đồng. Cứ như vậy đến cuối năm và ở tuần thứ 52, số tiền bạn bỏ vào quỹ tiết kiệm sẽ là 260 nghìn đồng.
Bạn nghĩ sao về ví dụ tiết kiệm này? Số tiền tiết kiệm mỗi tuần không hề lớn, sẽ chẳng làm ảnh hưởng gì đến chi tiêu của bạn phải không? Đoán xem, những gì bạn thu được vào cuối kỳ tiết kiệm?
6,89 triệu đồng chính là những gì bạn có.
Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà bạn có thể tự đặt ra “luật chơi” của riêng mình. Bạn có thể bắt đầu với 5 nghìn, 10 nghìn hay 50 nghìn… miễn sao bạn đảm bảo mình sẽ bám sát nó đến cùng. Thời gian 52 tuần sẽ đủ để bạn thiết lập một thói quen tốt chính là tiết kiệm. Ngay cả khi số tiền bắt đầu chỉ vỏn vẹn là 5 nghìn đồng như ví dụ trên, số tiền thu được cuối năm cũng không hề nhỏ, đủ cho một chuyến du lịch hoặc chiếc tủ lạnh, máy giặt mới trong nhà rồi phải không?
Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, đừng quá cứng nhắc mà nên linh hoạt hơn. Bạn có thể tạm giảm lượng tiết kiệm trong tuần này và tăng lại vào thời gian sau đó hoặc tiết kiệm theo tháng thay vì hàng tuần… Điều quan trọng nhất chính là bạn đang tiết kiệm và dần dần tạo lập thói quen tốt.
Mua sắm và tiết kiệm
Phương pháp đơn giản này không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền mà còn theo dõi tốt hơn các khoản chi tiêu của mình. Vậy bạn cần làm gì trong phương pháp tiết kiệm này? Nếu như bạn là người thích mua sắm, đây thực sự là cách tiết kiệm dành cho bạn.
Hãy đặt ra một tỷ lệ phần trăm phù hợp cho mỗi lần bạn thực hiện việc mua sắm và cất số tiền tương ứng sang quỹ tiết kiệm.
Ví dụ: Giả sử bạn quyết định bỏ ra 10% giá trị mỗi lần mua hàng, việc tiết kiệm sẽ diễn ra như sau: Khi bạn mua một chiếc áo sơ mi mới có giá 300 nghìn đồng, bạn phải đặt 30 nghìn đồng vào quỹ tiết kiệm. Nếu bạn mua một chiếc túi mới có giá 2 triệu đồng, bạn phải đặt 200 nghìn đồng sang quỹ tiết kiệm.
Nếu bạn chi tiêu 1,5 triệu đồng cho việc mua sắm mỗi tháng, bạn sẽ tiết kiệm được 1,8 triệu đồng trong một năm. Cứ như vậy, bạn đang đặt ra kỷ luật cho việc tiết kiệm của chính mình.
Bạn có thể tự quyết định khi nào bỏ tiền tiết kiệm và khi nào thì không. Hãy xem xét thực hiện cách tiết kiệm này với tất cả các giao dịch mua của bạn hoặc chỉ với những giao dịch mua lớn hơn một số tiền nhất định (như 100 nghìn đồng chẳng hạn). Bạn càng là người hay chi tiêu, bạn sẽ càng tiết kiệm được nhiều. Và chắc chắn, phương pháp này sẽ dần khiến bạn phải thay đổi cách chi tiêu, quan niệm về tiền bạc của mình.
Biến thói quen xấu thành tiết kiệm
Mỗi người chúng ta sẽ có những thói quen mà chúng ta biết là không tốt hoặc không nên song vẫn khó để từ bỏ. Vậy tại sao không kết hợp việc từ bỏ thói quen xấu, xây dựng thói quen tốt với việc tiết kiệm? Cách này chẳng phải một công đôi việc, vừa giúp bạn trở nên rủng rỉnh hơn lại ngày càng hoàn thiện bản thân mình.
Giả sử bạn thường xuyên đi làm muộn hoặc hiếm khi đến phòng tập thể dục đúng như kế hoạch đặt ra. Đã đến lúc bạn thay đổi mình và đặt ra những quy định riêng. Bạn có thể tự đưa ra mốc 10 nghìn, 20 nghìn, 50 nghìn hay 100 nghìn chính là số tiền phạt cho mỗi lần mắc phải điều đó. Điều quan trọng nhất là bạn cần đặt ra số tiền đó ngay từ đầu và đảm bảo rằng mình sẽ không tự thỏa thuận để giảm tiền phạt xuống.
Cụ thể, bạn có thể tự đặt ra luật cho mình: Đi làm muộn: 50 nghìn đồng; Bỏ tập thể dục: 100 nghìn đồng...
Phương pháp này sẽ giúp bạn từ bỏ những thói quen xấu và đồng thời tiết kiệm được kha khá tiền. Nếu mỗi tháng quỹ phạt này của bạn có 200 nghìn đồng, bạn sẽ vừa rèn luyện được mình vừa tiết kiệm được 2,4 triệu đồng trong vòng 12 tháng.