Quy tắc ngón tay cái: Ưu tiên tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp hay trả nợ trước?

Bảo Anh. - Ngày 13/04/2021 12:02 PM (GMT+7)

Tất nhiên bạn cần phải làm cả hai điều này nhưng dưới đây là cách sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên để hợp lý nhất.

Thật khó để lựa chọn giữa tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp và trả nợ. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định tiền bạc, đừng lo lắng vì sự thật là bạn không đơn độc.

Trả nợ hay tiết kiệm, điều nào nên ưu tiên hơn hơn? Tất nhiên cả hai đều là việc nên làm song chúng ta cần xem xét các yếu tố trước khi quyết định đâu là điều nên ưu tiên.

Quy tắc ngón tay cái về tiết kiệm khẩn cấp và trả nợ là gì?

Quy tắc ngón tay cái: Ưu tiên tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp hay trả nợ trước? - 1

Nguyên tắc chung là thực hiện cả hai: Trả hết nợ trong khi xây dựng khoản tiết kiệm khẩn cấp.

Todd Christensen, giám đốc giáo dục tại Money Fit của DRS, một cơ quan quản lý nợ phi lợi nhuận cho biết: “Đó không nên là lựa chọn trả hết hoặc không trả gì”. Nếu bạn chờ đợi để trả hết nợ trước khi tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp hay nghỉ hưu, và rồi sau đó nhận ra mình không thể xoay sở để trả nợ hết mà kỳ nghỉ hưu hay có biến cố khác, bạn sẽ vẫn ngập trong nợ.

Theo ông, việc thiết lập tư duy tiết kiệm thay vì mua bất cứ thứ gì bạn muốn sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho bạn. Bạn sẽ có nhiều khả năng chuyển khoản thanh toán nợ trước đây thành khoản tiết kiệm khi bạn xử lý xong khoản nợ.

Samantha Gorelick, một nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận bởi Brunch & Budget, một công ty lập kế hoạch tài chính, đã đề xuất ý tưởng: Chỉ thanh toán các khoản tiền tối thiểu trên thẻ tín dụng cho đến khi bạn xây dựng được một khoản tiết kiệm vững chắc. Cô chia sẻ quan điểm:

“Mặc dù mọi thứ có thể khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng bạn đang tạo ra thói quen tiết kiệm tốt, điều sẽ khiến bạn trở thành một người tiết kiệm. Khi bạn cảm thấy thoải mái hơn trong việc cân đối chi tiêu và tiết kiệm, hãy tăng số tiền gửi cho quỹ tiết kiệm”.

Cách đưa ra quyết định ưu tiên tiết kiệm hay trả nợ

Không có một giải pháp nào là phù hợp với tất cả mọi người nhưng có một số câu hỏi bạn có thể đặt ra để giúp bản thân biết được, đâu là điều mình nên đặt ưu tiên trước.

Tình hình công việc của bạn thế nào?

Quy tắc ngón tay cái: Ưu tiên tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp hay trả nợ trước? - 2

Nếu công việc hiện tại của bạn không khiến bản thân an tâm, hãy ưu tiên những khoản tiết kiệm khẩn cấp trước. Đó là bởi vì nếu bạn chỉ tập trung tích cực trả nợ thật nhanh, sau đó bạn không may mất việc thì bạn vẫn không có tiền ngay cả khi bạn không còn nợ. Điều này dễ dẫn đến việc bạn sẽ sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn và bước vào con đường nợ nần. Trong khi đó, nếu có tiền tiết kiệm, bạn sẽ tránh được việc lạm dụng thẻ tín dụng hay vay nợ thêm nhiều.

Giám đốc Christensen cũng đồng ý với ý tưởng này và nói rằng việc có một khoản tiền tiết kiệm cũng sẽ giúp ích cho bạn trong việc tìm kiếm việc làm mới.

“Điều tệ nhất có thể xảy ra khi bạn mất việc và không có bất kỳ khoản tiền tiết kiệm nào chính là cảm giác như bạn phải tìm ngay công việc nào đó, bất kể đó là gì. Đó là lúc bạn có thể chấp nhận một công việc với mức lương thấp không xứng đáng. Sau đó, nhanh chóng kết thúc công việc này khi tình hình ổn hơn và muốn tìm một vị trí khác phù hợp hơn. Các nhà tuyển dụng sẽ nghĩ gì khi nhìn vào sơ yếu lý lịch của bạn, về công việc với mức lương thấp ngay trước đó?”.

Bạn có bao nhiêu trong quỹ khẩn cấp?

Để xác định bạn cần bao nhiêu cho quỹ khẩn cấp, nguyên tắc chung là 3-6 tháng sinh hoạt phí. Con số này có thể lớn hơn, tùy thuộc vào tình hình thực tế của bạn. Công việc của bạn có ổn định không, ngành nghề của bạn có dễ bị ảnh hưởng không, bạn có phải là trụ cột kinh tế trong gia đình không, sức khỏe của bạn ra sao…

Nếu sinh hoạt phí trung bình mỗi tháng của bạn là 5 triệu, bạn nên có trong quỹ dự phòng 15-30 triệu đồng.

Bạn đang nợ những gì

Một số khoản nợ có lãi suất rất cao, ví dụ như khi bạn vay theo lãi ngày hay vay nóng một người nào đó với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi vay của ngân hàng. Nếu bạn có bất kỳ khoản nợ nào nằm trong những loại này, bạn sẽ muốn trả càng nhanh càng tốt, càng sớm xóa nợ càng tốt. Tuy nhiên, bạn cũng nên tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp, ngay cả khi đó chỉ là 100 nghìn đồng hay 50 nghìn đồng.

Các khoản nợ có lãi suất thấp hơn khác tất nhiên vẫn cần phải trả thường xuyên song bạn có thể ưu tiên cho việc xây dựng quỹ khẩn cấp của mình. Cần nhớ, với các khoản nợ có lãi suất càng cao, bạn càng có lợi khi trả một cách nhanh chóng.

Làm gì với khoản thu nhập bất ngờ

Nếu bạn nhận được khoản tiền thưởng, món quà từ người thân hay bất kỳ khoản thu nhập bất ngờ nào khác, hãy cân nhắc để sử dụng một cách thật khôn ngoan thay vì “nướng” chúng vào những món đồ xa xỉ. Theo Giám đốc Christensen, công thức sau đây như một quy tắc ngón tay cái có thể giúp bạn phân bổ khoản tiền đó một cách hợp lý:

30% cho các nhu cầu cần thiết như sửa chữa xe, thay thế các thiết bị bị hỏng hóc để tránh nợ nần chồng chất.

25% để trả bớt nợ.

20% để tiết kiệm.

15% cho đầu tư dài hạn.

10% cho giải trí.

Tuy nhiên, nếu bạn không có quỹ khẩn cấp, công thức sau có thể sẽ phù hợp hơn với bạn:

35% cho khoản tiết kiệm khẩn cấp.

30% cho nhu cầu cần thiết.

25% để trả bớt nợ.

10% cho giải trí.

Một chút muối

Quy tắc ngón tay cái: Ưu tiên tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp hay trả nợ trước? - 3

Quy tắc ngón tay cái là những hướng dẫn chung và có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Bạn có thể cần tuân theo các quy tắc với “một chút muối” để phù hợp hơn với tình huống của mình.

Ví dụ, nếu bạn đang chậm trả nợ thẻ tín dụng, nợ mua nhà hay xe, hãy nhanh chóng thanh toán các khoản đó trước khi xây dựng quỹ khẩn cấp. Một số khoản vay chưa thanh toán có thể khiến điểm tín dụng của bạn giảm đi, ảnh hưởng đến những lần vay khác cho các nhu cầu thiết thực sau này.

Nhưng ngay cả trong tình huống đó, “Nếu bạn có thể bỏ chỉ một đồng vào quỹ khẩn cấp của mình, bạn đã tiết kiệm được một thứ gì đó. Tiết kiệm là sự lựa chọn cả đời, không phải là sự lựa chọn duy nhất trước khi thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. Khi tiết kiệm đã thành thói quen, bạn sẽ không phải gặp lại những khoản vay ngắn hạn nữa”, Christensen nói.

Bài học rút ra

Luôn trả ít nhất khoản tối thiểu của khoản nợ và dành một phần nào để tiết kiệm hàng tháng, ngay cả khi số tiền đó nhỏ.

Hoàn cảnh cá nhân là một trong những yếu tố để xác định mức độ ưu tiên khi cần quyết định mức độ ưu tiên giữa hai lựa chọn.

Để có sức khỏe tài chính bền vững, cần đồng thời thiết lập các thói quen tốt xoay quanh việc trả nợ và tiết kiệm.

Từ 1 thử thách, cô gái ngộ ra chân lý giúp tiết kiệm 70% thu nhập
Sau một lần thực hiện thử thách trên mạng, cô gái này đã phải bất ngờ với chính số tiền mình tiết kiệm được. Cô nhận ra rằng luôn có cách để tiết kiệm...
Bảo Anh. (Theo The Balance)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu