Trồng một hạt kê vào mùa xuân, thu hoạch một vạn kê vào mùa thu. Cuộc đời chính là gieo trồng những hạt giống để gặt hái.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Đôi chân bận rộn vượt qua sông sâu núi lớn
Dù là trên con đường học hành hay thưởng ngoạn, thể xác và tâm hồn đều phải đồng hành với nhau. Làm được như vậy, tầm nhìn sẽ được mở rộng.
Cuộc đời con người ai cũng vậy, sẽ có những lúc không tránh khỏi khoảnh khắc thất vọng. Có người từ chốn quan trường lui về đọc sách, có người vật lộn thống khổ với cơm ăn áo mặc hàng ngày. Mỗi người đều cần một chút an ủi.
Tào Nguyên Minh có câu: "Hãy hái hoa cúc dưới hàng rào phía đông, bạn sẽ thấy được núi Nam Sơn". Ở nơi non nước ấy, lòng người sẽ tĩnh lại, chẳng còn toan tính, vướng bận với đủ nỗi lo trong đời.
Hãy ra ngoài ngắm cảnh khi có thời gian. Nhìn cỏ mọc và chim chóc bay, nhìn thấy những chồi non đang bừng sức sống. Bạn sẽ thấy lòng mình trở nên thư thái hơn, thanh thản hơn. Nhìn vào những dấu tích cổ sưa, nhìn vào lớp sơn đỏ bong lốm đốm, bạn sẽ thấy cả một thời kỳ ở trong đó. Thoát khỏi công việc tẻ nhạt, thoát khỏi cuộc sống thường ngày, đôi chân bận rộn để vượt núi vượt sông. Hòa mình vào thiên nhiên, con người sẽ được trải nghiệm sự bình yên và tĩnh lặng quý giá.
Đôi tay bận làm việc chăm chỉ
Trí tuệ thứ hai đến từ tâm trí và trí tuệ hạng nhất đến từ hành động. Có một khoảng cách lớn giữa thực tế và lý thuyết. Cho dù sự thật có rõ ràng và đơn giản đến đâu, nếu bạn chỉ ngồi một chỗ và không hành động, bạn sẽ không thể thực sự hiểu được nó.
Vương Dương Minh từng nói: “Kiến thức và hành động phải thống nhất với nhau. Chỉ trong hành động liên tục, kiến thức mới có thể được hiệu chỉnh liên tục”. Tăng Quốc Phiên từng nói: “Có hai căn bệnh lớn trong cuộc sống, đó là lười biếng và kiêu ngạo. Những người thông minh thường thua ở sự kiêu ngạo và những người ngu ngốc thường thua ở sự siêng năng”.
Người siêng năng, chịu khó luyện rèn sẽ dần bù đắp được những yếu điểm. Con người chỉ khi trải qua những sai lầm thì khi chọn được đúng hướng lòng mới càng thấm thía sâu sắc hơn về những sai lầm đó.
Trồng một hạt kê vào mùa xuân, thu hoạch một vạn kê vào mùa thu. Cuộc đời chính là gieo trồng những hạt giống để gặt hái. Con người ta, gieo nhân nào ắt gặt quả ấy. Nếu chỉ biết ngồi một chỗ chờ đợi chiếc bánh từ trên trời rơi xuống, thực sự phí hoài thời gian. Hãy cứ nhìn về phía trước, nỗ lực chăm chỉ và đừng sợ thất bại. Trên đời này không có nỗ lực nào là phí hoài. Cho dù bạn có đi sai đường thì đó cũng là một bài học quý báu. Đáng sợ nhất là việc luôn nhìn trước ngó sau, sợ này sợ kia rồi không dám làm, mãi đứng một chỗ.
Mắt bận rộn quan sát để đánh giá
Thế giới nội tâm của một người thường được phản ánh qua vẻ bề ngoài và khí chất của người đó. Ngày nọ, có 3 người phò tá tới bái kiến Tăng Quốc Phiên. Người đầu tiên có thái độ ngoan ngoãn, cụp mắt, có vẻ rất biết kiềm chế và thận trọng. Tăng Quốc Phiên đánh giá người này có thể làm tốt văn thư. Người thứ hai ăn nói hùng hồn nhưng khi nói mắt láo liên trông có vẻ tinh quái. Tăng Quốc Phiên quyết không sử dụng những người xảo quyệt như này. Người thứ ba hiên ngang, giọng nói như tiếng chuông đồng, ánh mắt mê người, rất khí phách. Tăng Quốc Phiên dự rằng người này có thể trở thành một vị tướng trong tương lai. Quả nhiên người này chính là La Trạch Nam, người đã lập được nhiều kỳ tích về quân sự sau này.
Để có thể đưa ra những đánh giá về một con người không chỉ cần sự quan sát mà còn là khả năng trực giác thông qua các giao tiếp cá nhân. Cuộc đời này có rất nhiều điều đẹp đẽ, chỉ là mắt ta có thấy được hay không mà thôi.
Đánh giá cao lòng tốt của người khác chính là mở rộng trái tim mình. Tin tưởng hơn, ít chỉ trích đi; nhiệt tình hơn, ít thờ ơ đi; ngưỡng mộ hơn và ít khinh thường đi. Học cách đánh giá cao người khác, trân trọng mọi thứ hơn sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của bạn.
Tai bận rộn để lắng nghe với tâm hồn cởi mở
Khi bạn nói ít lại, bạn sẽ nghe được nhiều hơn. Thế giới này không thiếu những cái miệng biết nói nhưng lại thiếu đôi tai biết lắng nghe. Tập trung lắng nghe người khác, kìm xuống cái tôi của mình và học cách chấp nhận những lời chỉ trích. Mỗi người chúng ta đều có điểm mù của riêng mình và nhìn từ một góc độ tích cực hơn thì lời chỉ trích có thể là bước đệm để bạn tiến lên phía trước.
Khổng Tử nói rằng, một người bạn luôn không nói ra ý kiến của mình không phải là một người bạn tốt. Những người không biết lắng nghe ý kiến của người khác cũng khó có thể tiến xa. Ai sống trong đời cũng có nỗi lòng riêng của mình, cũng mong muốn được trò chuyện, được tâm sự và lắng nghe. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, người giỏi lắng nghe thì đáng tin hơn người giỏi bày tỏ.
Một trong những dấu hiệu của tính kiêu ngạo chính là không biết lắng nghe người khác. Họ cho rằng tất cả phải nghe theo mình, ý kiến bản thân mới là luôn đúng. Những người như vậy sớm muộn gì cũng gặp rắc rối.
Não bận rộn để suy nghĩ không dừng lại
Dù bao nhiêu tuổi, người ta cũng không thể ngừng suy nghĩ. Nước không chảy sẽ bốc mùi hôi thối, con người không động não sẽ dần lùi về phía sau. Sống là quá trình không ngừng học hỏi. Tâm trí của một người cần không dừng lại và được làm mới mỗi ngày. Một khi bộ não trì trệ, cuộc sống sẽ mất đi những khả năng mới và đánh mất tương lai. Hãy phá bỏ rào cản nhận thức của chính mình để tiến ngày càng xa hơn.
Trái tim nên thảnh thơi, tự do nhàn nhã
Chúng ta sống đúng với mình nhất khi trong thời gian rảnh rỗi. Bận có giá trị của sự bận rộn và nhàn rỗi có giá của nhàn rỗi. Khi một người luôn luôn bận rộn, anh ta có thể mất đi tinh thần và dần dần đánh mất mình. Cơ thể có thể bận rộn nhưng tâm trí cần thảnh thơi, rảnh rỗi. Có tâm an nhàn ngắm hoa nở mới có thân làm việc khẩn trương.
Chỉ khi tâm thanh thản, vô lo, ta mới có thể làm việc chẳng màng được mất, thành bại; không đánh mất bản thân giữa bộn bề lo toan. Sự nhàn nhã trong lòng chính là không gian tự do của cuộc sống.