5 năm mới dám xin về Tết ngoại, bố chồng nói một câu khiến tôi sững người

Ngày 03/02/2019 10:30 AM (GMT+7)

Cho đến ngày Tết tôi mới thấu nỗi khổ lấy chồng xa.

Tết là ngày gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng, ngày trẻ con mừng rỡ khi nhận lì xì, ngày bạn bè, người thân gặp nhau, tay bắt mặt mừng hỏi han về một năm đầy biến đổi.

Nhưng với người con gái lấy chồng xa, Tết lại không vui trọn vẹn đến thế. Sau những lúc vui vầy bên gia đình chồng, họ ngậm ngùi hướng về nhà đẻ.

Chị Thanh (32 tuổi, kế toán, quê Hải Phòng) không ngờ ngày lên xe hoa về nhà chồng lại là ngày từ biệt cái Tết quê mẹ. Chị lấy chồng Vĩnh Phúc, cách hơn trăm cây số. Không phải đường xá quá xa xôi, cũng không phải thiếu điều kiện đi lại nhưng 5 năm ròng, chị vẫn chưa được một lần về ngoại đón Tết.

Vợ chồng chị làm kế toán ở thị xã Hương Canh, mua đất làm nhà ở đó. Ông bà nội ở cùng vợ chồng người con trai thứ hai, hai chị gái lấy chồng cùng làng nên nhà cửa lúc nào cũng đông vui.

5 năm mới dám xin về Tết ngoại, bố chồng nói một câu khiến tôi sững người - 1

5 năm ròng, chị chưa một lần được về ngoại đón Tết (ảnh minh họa)

Kể từ lúc có nhà riêng, vợ chồng chị thường về quê đón Tết với ông bà nội ngày 30, mùng 1, rồi mùng 2 lại về nhà. Rảnh rang là vậy nhưng bố mẹ chồng chị luôn tìm cách ngăn cản con cái về quê ngoại.

Năm đầu tiên, bố chồng lấy lý do chị là dâu mới, phải ở nhà ra mắt họ hàng, đến mùng 5 Tết mới được về Hải Phòng. Khi ấy đã hết Tết. Năm thứ 2, thứ 3 thì lấy lý do chị bầu bí rồi con nhỏ, khuyên hai vợ chồng tránh đi lại. Có năm, chị và con phải về nhà nội suốt mấy ngày Tết, chỉ có chồng chị đánh xe về ngoại gửi lễ rồi đi luôn.

Tết năm nào chị cũng chúc Tết bố mẹ bằng cuộc điện thoại ngắn ngủi rồi sau đó là dòng nước mắt chảy dài. Bố mẹ chị sinh được 4 cô con gái, 3 người lấy chồng cùng làng nhưng vẫn phải lo việc gia đình, nhiệt tình săn sóc đến đâu cũng không thể đến đón Giao thừa cùng bố mẹ đẻ. Còn chị thì lấy chồng xa…

Tết năm ngoái con cái đã lớn, nhà lại sắm được xe riêng nên chị “đánh liều” xin bố chồng cho về ngoại ăn Tết. Chị biết đây là việc cực khó bởi kể từ lúc vợ chồng có nhà riêng, bố chồng chị đã quán triệt: “Mùng 2 về Hương Canh nhưng đi đâu, làm gì cũng phải xin phép. Đừng để lúc tao xuống chơi mà thấy nhà đóng cửa bỏ đấy, tự ý đưa nhau về ngoại”.

Kiên quyết là vậy nhưng phải đến 24 tháng Chạp, khi đã chuẩn bị Tết xong xuôi cho nhà chồng, biếu thêm ông bà nội 10 triệu, chị mới dám mở lời. Ai dè bố chồng giật nảy như con dâu vừa nói hỗn, rồi nói xa xả: “Con cháu nhà này không thiếu cơm thiếu gạo mà phải đi ăn nhờ, ăn ké nhà khác”.

“Tôi không bao giờ dám quên ngày hôm đó, bố chồng ngồi sập gỗ, em trai, em dâu ngồi bên giường. Tôi không kìm được mà khóc nấc lên. Nhà khác là nhà nào? Đó là nhà bố mẹ tôi, nhà ông bà ngoại của các con tôi. Đời này làm gì có chuyện, lấy con dâu về là bắt nó phải bỏ Tết nhà ngoại”, chị ấm ức. 

Nhưng trời chẳng chịu đất thì đất chịu trời, chị vẫn phải vui vẻ mà đón Tết nhà chồng. Nhìn bố mẹ chồng có cả bầy con, bầy cháu vây quanh đêm Giao thừa, nghĩ về bố mẹ mình chị lại chạnh lòng.

Vẫn là những cuộc điện thoại đầy nước mắt với bố mẹ. Vẫn là những lời trấn an: “Bố mẹ không sao, mai các cháu ngoại lại đến đầy nhà. Con bận việc thì thôi, Tết sau sắp xếp về là được” nhưng đêm Giao thừa đó chị thực sự xót xa. Bởi chị biết, “Tết sau” chính là lời hẹn chẳng thể thực hiện.

Chiếc phong bì chứa 100 triệu và lời đề nghị của bố chồng khiến con dâu bối rối
Khi tàn tiệc sinh nhật con gái, bố chồng dúi vào tay tôi một phong bì cày cộp. Mở ra, tôi không khỏi bất ngờ và choáng váng.
Theo Thanh Thanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện nhà chồng