Đây là những câu nói nhiều người vẫn hay đùa mà không biết rằng lời họ nói đang khiến đồng nghiệp khó xử, thậm chí là cảm thấy bị xúc phạm, phân biệt giới tính.
Các hành vi công kích cá nhân là biểu hiện vô thức của sự phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính. Ngay cả khi người nói không có ý, điều đó vẫn có thể vô tình làm người nghe cảm thấy không thoải mái.
Ở nơi làm việc, nhất là khi bạn làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa chủng tộc, điều này càng cần phải chú ý. Từ việc nhận xét một đồng nghiệp mới rằng trông cô ấy non như sinh viên đến việc hỏi một đồng nghiệp da màu về mái tóc của cô ấy, tất cả đều là những công kích cá nhân, khiến nơi làm việc của bạn trở nên thiếu an toàn, độc hại .
Christine Mallinson, Giáo sư ngôn ngữ, văn học và văn hóa tại Đại học Maryland, Baltimore County cho rằng: "Những công kích cá nhân thường thể hiện qua giao tiếp ngôn ngữ nên chúng ta cần chú ý đến cách mình nói chuyện, đặc biệt là ở nơi làm việc và tổ chức xã hội khác như lớp học, phòng xử án...”
Đôi khi, những điều này rất khó nhận ra nên thậm chí chúng ta không biết rằng mình đang khiến người khác khó xử.
"Có một vấn đề là điều này đôi khi không rõ ràng để mọi người có thể biết rõ liệu mình có đang xúc phạm hay bị xúc phạm. Một câu tưởng là khen cũng có thể hàm chứa nhiều ý nghĩ, thông điệp", Robin Lakoff, Giáo sư Ngôn ngữ học tại Đại học California, Berkeley, chia sẻ.
Dưới đây là những câu nói mà bạn không nên bông đùa dù là ở nơi làm việc hay môi trường khác.
“Cậu phát âm rõ ràng, sõi quá!”
Bạn có thể có ý định khen thật sự khi nhận xét rằng ai đó nói rất rõ ràng. Tuy nhiên câu nói này có thể khiến đối phương cảm thấy không thoải mái, động chạm đến lòng tự trọng. Nếu người mà bạn khen là người nước ngoài hoặc người đến từ địa phương khác, câu nói này càng dễ trở thành vấn đề. Đừng thể hiện sự ngạc nhiên về cách phát âm rõ ràng, mạch lạc của ai đó.
Thay vào đó, bạn nên: Bạn không nên nói gì về điều này cả. Nếu khen ngợi, hãy dành điều đó cho những ý tưởng hay ho, sáng tạo hay giải pháp kịp thời của đồng nghiệp thay vì cách mà họ phát âm.
“Ồ, xin lỗi, tôi nhầm người”
Việc nhầm người này với người kia có thể xảy ra trong cuộc sống song nếu đó là đồng nghiệp, người bạn thường xuyên gặp ở công ty, tốt nhất không nên để điều đó xảy ra.
"Hồi học cao học, lớp dự bị của tôi có 2 giáo viên da trắng và tôi là một trong hai sinh viên người Mỹ gốc Mexico. Họ liên tục gọi tôi là Maria, tên của cô gái kia trong khi tên tôi là Alejandra và chúng tôi trông chẳng có gì giống nhau cả", một độc giả trên Buzzfeed chia sẻ.
Thay vào đó, bạn nên: Một điều cơ bản ở nơi làm việc là hãy chắc chắn bạn nhớ tên các đồng nghiệp của mình. Chắc chắn bạn cũng sẽ không thích thú khi đồng nghiệp nào đó thậm chí không nhớ tên bạn, luôn nhầm với một người khác.
“Cậu thực sự đến từ đâu đấy?”
Bạn có thể nghĩ rằng hỏi ai đó đến từ tỉnh nào, nước nào là một cách để bắt chuyện, làm quen song trong nhiều trường hợp, đó thực sự là câu hỏi khiến người nghe cảm thấy không thoải mái.
Lần tới, trước khi đưa ra câu hỏi về chủng tộc hay quê hương của ai đó, hãy tự hỏi mình vì sao bạn lại muốn biết điều đó. Thay vì hỏi thẳng như vậy, bạn hãy lắng nghe nhiều hơn để tự tìm ra câu trả lời cho mình hoặc lồng ghép điều muốn hỏi vào câu chuyện một cách khéo léo.
Thay vào đó, bạn nên: Không nên hỏi gì cả. Nếu muốn, đối phương sẽ chủ động chia sẻ về điều này. Họ cần là người đưa ra quyết định có chia sẻ hay không.
“Tên lạ thế, khó đọc quá”
Đây là câu nói mà nhiều người vẫn hay bông đùa khi nghe thấy một cái tên hơi đặc biệt. Tuy nhiên điều này là không nên, có thể khiến người đối diện cảm thấy bối rối, khó xử và không thoải mái, đặc biệt là khi câu đùa liên quan đến khác biệt ngôn ngữ, sắc tộc.
Thay vào đó, bạn nên: Nếu bạn không chắc về cách phát âm tên của đồng nghiệp, hãy hỏi họ cách viết, đánh vần. Đừng đưa ra bất kỳ lời nhận xét hay trêu đùa nào về tên hay họ lạ của họ.
“Sinh viên thực tập à! Trẻ quá!”
Ở môi trường làm việc, khi bạn luôn chú trọng đến vẻ ngoài của một người phụ nữ, điều đó dễ truyền đi thông điệp rằng ngoại hình quyết định giá trị của họ, khiến đối phương cảm giác như là phụ nữ thì trước hết phải hấp dẫn, đây là chức năng chính trong vai trò xã hội của họ.
"Khi một đồng nghiệp nam lớn tuổi nói với đồng nghiệp nữ rằng: "Trông bạn trẻ quá” hoặc "Trông như sinh viên thực tập vậy”, nhận xét đó đang hướng vào ngoại hình của cô ấy, vô tình làm giảm uy tín của cô ấy trong công việc", Mallinson chia sẻ.
Việc nhận xét rằng ai đó trẻ nhiều hơn so với tuổi cũng có thể khiến đối phương hiểu rằng bạn đang muốn nói họ thiếu kinh nghiệm, không đủ khả năng cho công việc đó.
Thay vào đó, bạn nên: Không nên bình luận gì về ngoại hình của đồng nghiệp. Nếu bạn thực sự muốn biết chức danh của họ, hãy tra cứu trong danh bạ công ty.
(Ngắt lời người khác) “Thực ra thì tôi nghĩ là…”
Theo thống kê, đàn ông có khả năng ngắt lời phụ nữ cao gấp 3 lần so với khả năng ngắt lời một người đàn ông khác. Tờ New York Times gọi việc đàn ông ngắt lời phụ nữ là "một hiện tượng phổ biến". Vấn đề là khi người đàn ông đó trình bày ý tưởng giống với người phụ nữ mà anh ta cắt lời và nhận mọi công lao, sự tán thành cho ý tưởng đó.
"Tôi thậm chí không thể đếm được số lần mình đã chứng kiến những người phụ nữ bị đàn ông chen ngang và cắt lời để nói chính những ý tưởng mà cô ấy đang cố gắng đưa ra. Thậm chí, nó phổ biến đến mức tuần nào tôi cũng chứng kiến vài lần", Grace Ellis chia sẻ.
Elizabeth Ames, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị, hợp tác và kế hoạch của Viện Anita Borg, cho biết đây là một trong những hành vi công kích cá nhân nơi làm việc phổ biến nhất mà bà nghe thấy.
"Một điều khác mà chúng tôi chứng kiến rất nhiều chính là mọi người bỏ qua một ý tưởng hay nhận xét của một người và sau đó lại nhiệt tình tán thành, khen ngợi ý tưởng khi một người đàn ông trong phòng chia sẻ lại điều đó", Ames nói.
Thay vào đó, bạn nên: Lắng nghe người khác chia sẻ hết quan điểm, suy nghĩ của mình. Nếu bạn thích ý tưởng của họ, hãy ghi nhận và thể hiện sự tán thành.