Có thể nhiều người đã bỏ lỡ nhiều cách tiết kiệm hiệu quả. Dưới đây là những mẹo tiết kiệm tiền bạn cần nhớ trước khi đi đến quầy thanh toán.
1. Mua đồ đã qua sử dụng
Nhiều người thường nghĩ đến hàng đã qua sử dụng khi định mua xe hay máy chơi điện tử mà quên rằng quần áo, đồ điện tử, hoặc thậm chí là đồ nội thất cũng là những lựa chọn tốt. Bằng cách mua hàng đã qua sử dụng, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền và còn có thể chọn được những món đồ độc đáo (như nội thất, quần áo).
2. Chờ một ngày trước khi quyết định mua hàng
Điều này rất quan trọng đối với các giao dịch mua giá trị lớn. Việc mua sắm vội vàng là một nguyên nhân chính khiến tài khoản ngân hàng của bạn hao hụt đi nhanh chóng.
Khi thực sự muốn mua thứ gì đó, hãy đợi một ngày hoặc lâu hơn để xem cảm giác của bạn là gì. Rất có thể, bạn sẽ không còn thấy cần sản phẩm đó như lúc trước, thậm chí quên mất mình đã có lúc định mua sản phẩm đó. Sản phẩm càng có giá trị lớn, bạn càng nên đặt ra thời gian chờ dài.
3. Mua hàng với số lượng lớn
Nếu đó là thứ bạn biết mình sẽ sử dụng nhiều như đồ vệ sinh cá nhân, thực phẩm, hãy tiết kiệm bằng cách mua chúng với số lượng lớn. Một số mặt hàng phù hợp với việc mua sắm số lượng lớn là giấy vệ sinh, khăn giấy, kem đánh răng, đồ hộp, đồ đông lạnh… Hãy ưu tiên sản phẩm có thời hạn sử dụng lâu hơn 6 tháng, được chia theo từng gói nhỏ để không ảnh hưởng đến chất lượng trong những lần dùng sau.
4. Không quên tự thưởng bản thân
Tâm lý mua sắm bốc đồng và chi tiêu quá đà khá phức tạp nhưng cũng có phần thú vị. Đa phần chúng ta đều có thể kiềm chế được bằng cách củng cố sự tích cực trong mình.
Một trong những mẹo giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn, gắn bó lâu dài với ngân sách hơn chính là tự thưởng cho bản thân mình. Hãy sống có nguyên tắc nhưng đừng quên vỗ về, yêu thương chính mình. Đây là cách giúp bạn kiểm soát tài chính tốt và không bị rơi vào trạng thái quá đà, nhanh chóng từ bỏ.
5. Tham khảo các lựa chọn
Lời khuyên này đặc biệt hữu ích với những người luôn thích sản phẩm đầu tiên mà mình nhìn thấy. Bằng cách thực hiện một số thay đổi nhỏ như xem kệ trên, kệ dưới khi mua hàng ở siêu thị; ghé thăm một vài cửa hàng khác hoặc tìm trên các sàn thương mại điện tử, bạn có thể tìm thấy những sản phẩm chất lượng với giá phải chăng hơn. Khi điều này trở thành thói quen, bạn có thể tiết kiệm được kha khá tiền.
6. Sử dụng tiền mặt
Thẻ tín dụng đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích về sự tiện lợi nhưng nó cũng khiến chúng ta dễ nảy sinh thói quen chi tiêu xấu. Chúng ta dễ sa đà vào việc mua sắm, chi tiêu quá đà với tấm thẻ nhựa đó. Thậm chí, bạn có thể dễ dàng thanh toán mà không ý thức được rằng bản thân đã chi tiêu bao nhiêu trong tuần này, các khoản chi đó liệu có xứng đáng.
Trong khi đó, việc sử dụng tiền mặt sẽ giúp tiềm thức của bạn cảm nhận rõ hơn sự đau đớn khi mất số tiền đó vào tay người khác. Thay vì đơn giản là quẹt thẻ và chi tiêu, bạn sẽ có ý thức hơn trong việc hạn chế chi tiêu của mình.
Đối với các giao dịch mua giá trị lớn, việc sử dụng tiền mặt còn giúp bạn có tâm lý chuẩn bị tài chính tốt hơn, suy nghĩ kỹ càng hơn trước khi quyết định.
7. Mượn (hoặc mua) từ bạn bè
Hãy luôn nhớ hỏi những người xung quanh mình. Bạn bè là nơi tuyệt vời để bạn có thể mượn một số vật dụng cần thiết như đồ nội thất, phụ kiện nhà bếp... Nếu bạn định mua thứ gì đó chỉ sử dụng một lần (như váy dạ hội) hay chưa biết sản phẩm đó liệu có phù hợp với mình hay không thì hỏi mượn bạn bè chính là một sự lựa chọn thông minh. Quan trọng là hãy nhớ trả đúng hẹn, giữ gìn đồ cẩn thận và biết ơn về sự giúp đỡ.
Bạn cũng có thể nhận được một khoản hời nếu mua từ bạn bè của mình. Rất có thể, họ đang cần thứ bạn có và thứ bạn cần họ lại có. Đôi bên có thể trao đổi, mua bán với nhau và có được thứ mình cần mà không phải chi trả nhiều như khi mua mới ở cửa hàng.
8. Tự nấu ăn thay vì ăn ngoài hàng
Rất nhiều người quên điều này hoặc nhớ nhưng không muốn đối mặt và chọn cách ăn ngoài hàng cho tiện. Thực tế thì tự nấu ăn là một cách tiết kiệm tuyệt vời ai cũng có thể làm được và không tốn công sức như nhiều người vẫn nghĩ.
Lời khuyên hữu ích cho bạn chính là hãy lên kế hoạch cho bữa ăn của mình. Bằng cách lên trước thực đơn tuần hoặc tháng cho mình, bạn có thể mua sắm tiện lợi hơn, kiểm soát được những gì mình cần và hạn chế việc mua sắm bốc đồng hay phải đi lại nhiều lần, dễ phát sinh chi phí.
Nếu bạn là người bận rộn, hãy thử những món ăn bạn có thể nấu một lần và chia làm nhiều phần, trữ đông cho những lần sử dụng sau. Học cách bảo quản, trữ đông cũng là cách giúp bạn sử dụng thực phẩm tối ưu hơn, tránh lãng phí.
9. Rút phích cắm thiết bị điện khi không sử dụng
Đây là một mẹo tuyệt vời giúp bạn tiết kiệm tiền điện, đặc biệt là trong những ngày mùa đông. Hãy nhớ rằng một số thiết bị điện tử có thể tiêu tốn năng lượng ngay cả khi bạn đã tắt chúng.
Khi bạn đi ngủ hay tới nơi làm việc, hãy tạo thói quen rút phích cắm của các thiết bị điện tử không cần thiết như thiết bị nhà bếp, TV, máy chơi điện tử… Thay đổi nhỏ này sẽ giúp bạn tiết kiệm được số tiền đáng kể sau 1 năm.