Chẳng biết là phúc hay là họa, nếu là họa thì không thể tránh, nếu là phúc thì cứ ôm lấy thôi. Tôi cũng chẳng biết người nọ thế nào nhưng nếu không nghe lời thì cả năm tôi phải khổ sở vì cái danh “gái ế” mất.
Năm mới năm me, ai vui thì vui chứ gái ế là tôi đây chẳng muốn xuân đến tý nào. Nghe xuân sang mà lòng tôi ứa gan vì tuổi thì tăng mà một mảnh tình vác vai còn không có. Đi đâu, làm gì cũng thấy bọn nhỏ kè kè với gấu, rồi có đứa thì cứ ôm điện thoại cười híp mắt vì nhận được tin nhắn yêu thương làm tôi muốn nổi điên lên. Ấm ức nhất là không phải vì tôi xấu mà bị ế. Tôi ế vì gia thế mới đau đầu.
Nhà có chút tiền của, địa vị cũng là cái tội. Tôi nhớ mấy bạn nam cùng lớp với tôi ngày xưa không một ai dám làm quen với tôi. Vì bọn nó lưu truyền câu của miệng “Con đó kiểu gì chẳng có vị hôn phu vừa đôi phải lứa rồi”. Mấy năm cấp 3 của tôi thế là trôi qua lặng lẽ buồn chán vì một câu nói. Tôi mà biết đứa nào tung tin thất thiệt là tôi xử.
Sau đi làm, gặp mấy anh lớn hơn, chưa kịp yêu đương đã bị ba mẹ tôi tung đòn phủ đầu kiểu “phải môn đăng hộ đối”. Rồi chẳng hiểu ba mẹ yêu thương tôi thật sự, sợ tôi khổ hay là muốn tôi được cưng chiều mà ở đâu mang ra ý nghĩ tìm cho tôi một ông già già để gả. Tôi sợ đến nỗi bỏ nhà đi luôn.
Nghe các chị, các em có gia đình gặp đủ chuyện vui buồn tôi lại nhận ra “ế là xu thế tốt”. (Ảnh minh họa)
Sau khi sống một mình, đường tình tôi cũng không khả quan hơn là bao. Ai cũng kiểu thấy tôi xinh đẹp nhưng rất nghiêm túc trong công việc nên lại ngại không dám tán tỉnh. Đến lúc tôi chủ động bật đèn xanh cho một anh thì rơi vào cảnh “Tôi đợi người, nhưng người không đợi tôi”, anh chàng tôi vừa mắt, chưa kịp tiến xa thì lại chọn yên bề gia thất.
Thế rồi sau mối tình hụt, hoa chưa kịp nở thì cây đã chết, tôi lao vào làm việc. Phần vì bản thân cũng ham việc, phần vì muốn chứng minh tự bản thân có thể không dựa vào gia thế mà tạo vùng trời riêng. Đến khi nhìn lại, xung quanh đã chẳng còn ai. Mỉa mai là sau một thời gian dài bị ế tôi lại cảm thấy vui vẻ với việc sống một mình. Nghe các chị, các em có gia đình gặp đủ chuyện vui buồn tôi lại nhận ra “ế là xu thế tốt”.
Ấy vậy mà, Tết đến, họ hàng không tha cho tôi. Ai ai đến chúc Tết cũng tiện hỏi một câu “Dạo này chồng con thế nào?”. Đúng là mỗi giai đoạn tôi lại nghe một câu hỏi khó chịu khác nhau. Ví như lúc còn đi học thì họ hàng hay hỏi “Kết quả học tập thế nào?”, lớn hơn tý lại hỏi “Có học trường đại học danh tiếng ấy không?”. Qua vài năm lại hỏi “Công việc ra sao?” và giờ thì “chồng con”. Xin lỗi tôi còn chưa có bạn trai thì lấy đâu ra chồng với con mà trả lời. Mỗi lần nghe thế tôi chỉ cười trừ rồi bảo: “Sự nghiệp chưa ổn định, con còn muốn vài năm”. Mấy cái “vài năm” của tôi giờ đã biến tôi thành gái ế có thâm niên.
Chẳng biết là phúc hay là họa, nếu là họa thì không thể tránh, nếu là phúc thì cứ ôm lấy thôi. (Ảnh minh họa)
Năm nay mẹ tôi hí ha hí hửng gọi điện thoại bảo về nhà sớm. Tôi cứ than thở là muốn đi du lịch vì sợ cảnh gặp họ hàng lại bị hỏi là có ai chưa. Nhưng mẹ tôi nhất định không cho, bảo phải về. Lệnh trên đưa xuống, tôi nào dám chống. Kéo vali lê lết về đến nhà, nhìn nụ cười bí hiểm của hai vị phụ huynh mà lòng tôi dự cảm có chuyện chẳng lành.
Hóa ra giác quan tôi chưa bao giờ sai. Tết này gia đình bạn của ba định cư ở nước ngoài hơn hai mươi năm trở về. Họ hàng chẳng còn ai, chỉ còn người bạn là ba tôi. Chuyện sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu gia đình bạn của ba không có thằng con trai lớn hơn tôi vài tuổi cũng mê sự nghiệp mà chưa nghĩ chuyện lập gia đình.
Ý đồ lộ rõ, tôi càng muốn cuốn gói nhanh chóng đi du lịch tránh nạn. Nhưng chuyện nào có dễ thế. Món quà năm mới ba mẹ dành cho tôi cũng thật là lớn. Chẳng biết là phúc hay là họa, nếu là họa thì không thể tránh, nếu là phúc thì cứ ôm lấy thôi. Tôi cũng chẳng biết người nọ thế nào nhưng nếu không nghe lời thì cả năm tôi phải khổ sở vì cái danh “gái ế” mất.