Sau một cuộc đời vẻ vang, hiển hách, vua Lê Thánh Tông vẫn âm thầm ra đi mang theo bí ẩn ngàn năm về cái chết kỳ lạ của mình.
Là vị vua anh minh, có tài văn trị, võ công hiển hách, xứng đáng là vị vua cai trị giỏi nhất của thời phong kiến Việt Nam, nhưng cuối đời, vua Lê Thánh Tông lại ra đi bởi một cái chết đến giờ vẫn là một bí ẩn.
Lê Thánh Tông là vua thứ 5 của triều Lê Sơ, ông lên ngôi sau sự biến tháng 6 năm Canh Thìn (1460), khi các đại thần lật đổ Lê Nghi Dân, vị vua cướp ngôi của vua Lê Nhân Tông. Lúc đó, ông đã 18 tuổi. Qua 38 năm trị vì, ông đưa đất nước phát triển rực rỡ về tất cả mọi mặt, từ kinh tế, vắn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự.
Tuy nhiên, cái chết của ông năm 1497 vẫn luôn là một bí ẩn của lịch sử. Sử sách chính thống của triều đại có ghi lại về điều này, trong đó, thủ phạm chính được đề cập rõ ràng là một bà quý phi, nhưng điều khá lạ là sau đó, dù mang tội giết vua bà vẫn nghiễm nhiên trở thành Thái hậu của triều sau.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng. Trường Lạc hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng”.
Sử gia Vũ Quỳnh viết rằng Lê Thánh Tông lâm bệnh phù thũng. Do bị bôi thuốc độc, bệnh của Thánh Tông càng nặng thêm; đến ngày 30 tháng 1 âm lịch (3 tháng 3 dương lịch) năm 1497, ông qua đời ở điện Bảo Quang, hưởng thọ 56 tuổi. Tương truyền, ngày hôm ấy, ấn thần và gươm thần đều biến mất.
Tranh vẽ vua Lê Thánh Tông
Về bà quý phi Nguyễn Thị Hằng, vốn là con gái Thái uý Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung (người là tổ của chúa Nguyễn Hoàng và sau này là các vua nhà Nguyễn). Theo sử sách, trong số các phi tần, ban đầu bà được vua Thánh Tông yêu quý nhất.
Bà đã sinh hạ hoàng tử Lê Tranh, được lập làm Hoàng Thái tử. Nhà vua từng mấy lần muốn lập bà làm hoàng hậu, nhưng thấy dòng họ nhà bà có thế mạnh, sợ rằng các tần thiếp không ai dám gần vua nữa, nên lại thôi.
Tuy nhiên, về sau, bà bị ruồng bỏ, bạc đãi đến nỗi đem lòng thù ghét, lại sợ rằng vua sẽ thay di mệnh không cho con mình lên làm vua nữa, nên đã hạ độc giết vua.
Về bệnh của vua, ở đoạn chép của Đại việt sử ký toàn thư, người ta cho rằng câu “vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng”, ám chỉ là vua mắc bệnh vì quan hệ với phi tần quá độ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường lại suy đoán, cũng có thể vua mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bởi vì không phải tất cả phi tần, cung nữ trong cung đều miễn nhiễm với các căn bệnh này.
Ngoài ra vua Thánh Tông còn thu nạp vào cung những cung nữ người Chiêm Thành, trong đó có cả vợ của vua Chiêm sau những trận đánh của ông.
Còn đoạn chép của sử gia Vũ Quỳnh lại chỉ ra rằng vua bị bệnh phong thũng. "Phong thũng" theo cách hiểu thông thường, và của cả y học ngày xưa, là chỉ hiện trạng bệnh lở lói, phong hủi.
Mặc dù căn bệnh mà vua mắc phải không được nói rõ nhưng vua Lê Thánh Tông bị bệnh và mất rất nhanh. Vì trước đó 1 năm, tháng 2 năm 1496, ông còn đi ngự thuyền về Lam Kinh bái yết các lăng tẩm. Hành trình mà ngày nay vẫn dài khoảng 130km, khi vua đã 55 tuổi, chứng tỏ sức khỏe của vua vẫn còn tốt.
Mãi đến cuối năm, sử mới chép “mùa đông, tháng 11, ngày 17, vua không khoẻ”, và đến ngày 30 tháng Giêng năm sau thì vua đã băng hà. Do đó, khả năng vua mất vì chất độc ngấm vào cơ thể là chắc chắn nhất, còn trước đó, vua bị bệnh gì dẫn đến lở loét, thì vẫn không sử liệu nào nói đến.
Ảnh minh họa
Về chuyện bà Quý phi Nguyễn Thị Hằng giết vua mà sử xưa chép, các sử gia sau này cũng đặt nghi vấn, vì nếu chuyện đó có thật, thì dòng họ nhà bà sẽ bị tru di hết cả, không ở đời vua này thì ở đời vua khác.
Tuy nhiên, sau khi Thánh Tông mất, triều đình vẫn cứ theo lệnh cũ, đưa hoàng tử Lê Tranh lên ngôi, lấy hiệu là Hiến Tông. Sau khi đăng quang, vua Hiến Tông tôn phong mẹ là Trường Lạc Hoàng Thái hậu. Điều lý giải duy nhất là vua Hiến Tông bảo vệ bà, bởi vì hành động của bà đã đem lại ngôi báu cho ông.
Cuối cùng, sau một cuộc đời vẻ vang, hiển hách, vua Lê Thánh Tông vẫn âm thầm ra đi mang theo bí ẩn ngàn năm về cái chết kỳ lạ của mình.
Về số phận Trường Lạc Hoàng hậu, sau khi Lê Hiến Tông qua đời, rồi Lê Túc Tông cũng mất, bà phản đối việc lập hoàng tử Lê Tuấn lên ngôi, nên khi hoàng tử này làm vua, tức vua Lê Uy Mục, đã sai người giết chết bà năm 1505, lúc đó bà thọ 65 tuổi.
>> Xem thêm: Ly kỳ chuyện vua Gia Long tìm hài cốt của cha