Tôi đã nghĩ rằng, đau đẻ đã là điều đáng sợ nhất rồi. Thế nhưng, câu nói của anh mới khiến trái tim tôi đau đớn.
Cuộc hôn nhân của chúng tôi, nói một cách chính xác thì không hẳn xuất phát từ tình yêu. Tôi và Trường quen nhau qua sự mai mối của một người quen. Vì nhà có cô con gái sắp đến 30 tuổi nên mẹ tôi vô cùng sốt sắng trong việc tìm xem có nhà ai còn cháu trai hay con đến tuổi cập kê.
Chúng tôi, một "gái già" sắp vào tuổi "băm", một trai gần 40 tuổi vẫn lẻ bóng một mình, nhanh chóng được các bà mối ghép thành một đôi. Thôi thì, ở tuổi này tôi cũng chẳng mong trái tim sẽ bồi hồi hay đập loạn nhịp mỗi khi gặp được người ấy nữa. Ở vậy thì có lỗi với cha mẹ, thôi thì lấy chồng chẳng phải là giải quyết được hết mọi sự hay sao.
Cuộc sống của vợ chồng tôi cứ thế trôi đi nhẹ nhàng và nhạt cũng chính như tình cảm của hai đứa vậy. Bố chồng tôi đã mất cách đây vài năm, mẹ chồng thì đi bước nữa nên tôi cũng không phải chịu cảnh làm dâu.
Đàn ông ít người có thể chu đáo, để tâm đến từng việc nhỏ nhặt, tôi biết điều đó. Thế nhưng đến khi chứng kiến sự vô tâm của chồng mình, tôi thật sự vẫn bị chạnh lòng. Một lần nữa chẹp miệng, thôi thì có ai hoàn hảo được hết cả đâu. Nếu hoàn hảo thế có lẽ người ta cũng không còn độc thân đến giờ này.
Vậy nhưng, tôi cũng chẳng thể ngờ sự dửng dưng của anh ấy lại vẫn tiếp tục ngay cả khi tôi có bầu. 30 tuổi đầu, lấy được chồng, có thai, tôi và bên gia đình ngoại mừng lắm. Cuộc đời này, còn gì hơn thế đâu khi biết trong mình đang mang một sinh linh bé bỏng. Tuy nhiên, niềm vui đó lại không hề có trên gương mặt của anh, bố đứa nhỏ.
Khi tôi thông báo mình có thai, anh chỉ dửng dưng nhìn tôi như không, cũng chẳng hề như những gì tôi nghe người khác kể rằng chồng sẽ hỏi vợ thích ăn gì hay chạy đôn chạy đáo khắp nơi để mua đồ ăn ngon cho vợ. Anh coi việc vợ có bầu hết sức bình thường. Đàn bà, ai mà chẳng đẻ. "Không đẻ được thì còn gì là đàn bà", chồng tôi đã nói vậy.
Những ngày tháng nghén ngẩm đầu tiên, tôi đã không ít lần phải rơi nước mắt. Sự mệt mỏi của thai kỳ cộng thêm thái độ vô tâm của chồng khiến tôi tủi thân vô cùng. Bố mẹ tôi lại ở xa nên chỉ có thể hỏi thăm động viên qua những cuộc điện thoại.
Những lúc yếu lòng nhất, tôi đã nhớ tới lời mẹ dặn: "Đàn ông họ không như phụ nữ con ạ. Họ không nói không có nghĩa là họ không nghĩ. Vợ chồng muốn êm ấm được lâu dài thì làm vợ phải biết nín nhịn, mọi sự sẽ vì thế mà an yên con ạ".
Ảnh minh họa
Tôi tự nhủ suốt những tháng ngày thai kỳ bằng câu nói đó của mẹ. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi cũng trách mình, lấy chồng không phải vì tình yêu thì thôi, âu vợ chồng cũng chỉ đến được như thế.
Rồi cũng đến ngày chuyển dạ. Tôi tự tay xách làn vào viện đi đẻ, vừa ngồi trên xe taxi vừa gọi điện liên hồi cho mẹ và chồng. Chồng cô thì gọi cả chục cuộc mới nghe, đến lúc biết vợ đẻ cũng dửng dưng: "Cứ đẻ đi, có bác sĩ y tá rồi lo gì. Tí tôi vào".
Tôi đã trải qua những giờ phút vượt cạn một mình, không một người thân kề bên. Nhưng đúng là, mọi đau đớn ấy sẽ chẳng còn nghĩa lý gì khi được nhìn thấy con yêu. Đến lúc bác sĩ gọi người nhà vào thì mẹ tôi đã có ở đó. Bố tôi lên sau vì còn sắp xếp việc cửa nhà.
Tôi sinh thường nên chỉ ở viện hơn một ngày là về nhà. Chỉ một ngày thôi mà sao tôi thấy dài đến vậy. Chồng tôi mãi tận đến tối mới vào. Trong khi những giường bên cạnh các sản phụ được chồng bón từng thìa cháo, người nhà chăm sóc nhiệt tình thì tôi chỉ có mẹ. Nhìn mẹ quay cuồng với cơm nước rồi bế cháu giúp mà tôi không sao ngăn được dòng nước mắt.
Ngày xuất viện, vẫn là tôi và mẹ gọi taxi tự về nhà. Vừa bước vào nhà, đập vào mắt tôi là cảnh chồng đang nằm ườn xem tivi bên cạnh một đống đồ ăn sẵn.
"Vợ đẻ mà con cứ bình chân như vại thế là sao? Nếu bận bịu công việc thì đã đành, đằng này vợ một mình vượt cạn trong bệnh viện, chồng thì ở nhà nằm chơi. Con có thấy ai có chồng mà phải bắt taxi đi đẻ một mình không", mẹ tôi không kiềm chế được mà phát ra.
"Ôi mẹ ơi đẻ chứ có gì ghê gớm đâu. Mẹ con ngày xưa còn đẻ con rơi ngoài cổng chùa kia kìa. Ai mà chẳng đẻ hả mẹ. Không có con cô ấy vẫn làm được đấy thôi. Đàn bà mà không đẻ được nữa thì có khác gì đồ vứt đi", anh ta vừa uống tiếp chén rượu vừa đáp lại.
Sự kiềm chế của tôi bấy lâu nay đã không thể giữ nổi cho đến khi nghe anh ta nói câu đó. Anh ta là chồng tôi, là bố của đứa bé mà lại có thể vô tâm nói những lời lẽ như vậy. Tôi bước đến tát anh ta một phát rồi nhìn thẳng vào mắt anh ta.
"Loại đàn ông như anh không xứng đáng để làm chồng, làm bố. Thằng bé này sẽ không có một ông bố như anh. Tôi sẽ về nhà tôi và tự mình nuôi nấng con. Mình đi thôi mẹ!".
Mẹ tôi có lẽ đã hiểu được phần nào cuộc sống của vợ chồng con gái mình nên không can ngăn tôi mà nhanh tay xách đồ ra bắt taxi về nhà ngay lập tức. Chồng quan trọng, đúng! Nhưng đó là với một người xứng đáng để làm chồng. Tôi sẽ không bao giờ để cho người khác có quyền làm tổn thương tôi thêm một lần nào.