Bí quyết viết mail ứng tuyển “bách phát bách trúng” gây bão like, phần bình luận hấp dẫn không kém

Bảo Anh. - Ngày 19/04/2021 18:43 PM (GMT+7)

Tưởng đơn giản nhưng việc mắc lỗi khi viết mail ứng tuyển lại rất phổ biến. Mới đây, những dòng chia sẻ về cách viết email ứng tuyển khiến nhà tuyển dụng tâm đắc đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.

Có được một vị trí công việc như mong muốn là điều mà ai đi làm cũng hướng tới. Đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế không tránh khỏi những ảnh hưởng của dịch bệnh, tìm kiếm việc làm càng trở nên khó khăn và được quan tâm.

Để ứng tuyển vào một vị trí, các ứng viên có 2 kênh phổ biến là nộp đơn xin việc trên các trang web tìm kiếm việc làm hoặc gửi hồ sơ xin việc cho email của nhà tuyển dụng. Tưởng đơn giản nhưng việc mắc lỗi khi viết mail ứng tuyển lại rất phổ biến. Mới đây, những dòng chia sẻ về cách viết email ứng tuyển khiến nhà tuyển dụng tâm đắc đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.

““Chị đọc mail ứng tuyển xong là muốn tuyển em liền khỏi phỏng vấn luôn á!”

Mình nhớ lúc đó vừa gặp nhau, hỏi xong câu nhận người là chị nói với mình như thế. Mình biết mail ứng tuyển của mình rất dễ ghi điểm trong mắt các HR (quản trị nhân sự) và người phỏng vấn (chính họ nói mình biết đó).

Vậy viết như thế nào để:

Mail của mình nổi bật lên giữa vô số các mail ứng tuyển khác?

HR và người tuyển dụng đọc mail xong đều cảm thấy “ưng cái bụng - thuận cái dạ” muốn gặp mình liền, thậm chí là như chị phỏng vấn kia, muốn nhận người ngay chỉ qua một chiếc mail ứng tuyển?

Từ kinh nghiệm cá nhân và những gì đúc kết được, mình xin chia sẻ lại cho mọi người với hy vọng mọi người sẽ có những mail ứng tuyển khiến nhà tuyển dụng thương nhớ không thôi.

Bí quyết viết mail ứng tuyển “bách phát bách trúng” gây bão like, phần bình luận hấp dẫn không kém - 1

Mail ứng tuyển của cô nàng khiến nhà tuyển dụng ưng ý vừa lòng ngay sau khi đọc. 

Quy trình tìm việc của mình thường như này:

Bước 1: Lọc vị trí.

Công việc nào thấy có khả năng đáp ứng của đôi bên mình mới ứng tuyển, không phải bạ đâu cũng ứng tuyển vừa tốn thời gian vừa dễ giảm tự tin khi không được tuyển dụng.

Vậy nên công việc nào có những dòng mô tả như: “Có việc tại X lương Y, inbox lấy thông tin” là mình lướt ngay (mặc dù hiểu nỗi khổ tâm của nhiều HR khi ứng viên thấy dài ngại đọc). Sau đó, nếu cần thêm thông tin thì mình liên hệ, không thì viết mail ứng tuyển. Trước khi viết mail nhớ tìm hiểu sơ qua về công ty ở các kênh online của họ và các trang đánh giá công ty nhé!

Bước 2:

Trong mail ứng tuyển của mình có thư ứng tuyển + hồ sơ + hồ sơ năng lực, trong đó mình thấy thư ứng tuyển khá quan trọng. Mình thường viết các nội dung cơ bản với tình cảm thể hiện trong đó. Đây thường là nguyên do khiến họ chọn phỏng vấn mình giữa bao email ứng tuyển khác.

Mình cũng luôn gửi mail xác nhận đến hoặc không cho tất cả những mail mời phỏng vấn. Không ai muốn ném một cục đá vào lòng đại dương hết, không ai muốn chờ trong vô vọng nên được hay không thì bạn cũng cần phản hồi cho đối phương biết.

Bước 3:

Đến phỏng vấn đúng giờ, tươi tắn như hoa và lúc ra về không quên cảm ơn họ đã dành thời gian cho mình. Một điều dễ mến là có nhiều nơi gửi cho mình hẳn email cảm ơn đã đến phỏng vấn cơ. Thật sự thiện cảm!

Bước 4:

Xác nhận đến có nhận việc hay không. Nếu lúc trao đổi đã xong xuôi hết rồi thì thôi.”

Bí quyết viết mail ứng tuyển “bách phát bách trúng” gây bão like, phần bình luận hấp dẫn không kém - 2

Theo cô nàng, thư ứng tuyển có vị trí quan trọng trong việc bạn có nhận được một công việc hay không. 

Bài chia sẻ của cô nàng cũng tập trung đến việc làm sao để thực hiện bước 2 tốt nhất.

“Trước hết, 2 lưu ý cực kì quan trọng không được quên là trước khi viết hay thì phải viết đúng.

Tên email: Nhiều bạn thuộc thế hệ Z rất trẻ trung năng động đa sắc màu nhưng đừng nhầm lẫn điều đó là “phong cách thế hệ”. Những chiếc mail teencode hoặc mang hơi xàm xí như “handoianhthekhongyeuai”, “thattinhtutududaydien”, “canhbuomdoigian”... là khả năng cai sẽ “được” bỏ qua. Mình đề cử dùng tên thật để đặt mail, một số trường hợp ngành nghề đặc biệt có thể sử dụng bút danh chẳng hạn.

Tiêu đề email: “Vị trí ứng tuyển_Họ tên” (hoặc ngược lại) là chuẩn nhất nếu như trong yêu cầu công việc không yêu cầu cụ thể về tiêu đề.

Về phần viết mail ứng tuyển, bố cục cơ bản có 3 phần:

Mở đầu:

Hãy nhìn phần liên lạc trong chi tiết công việc xem có tên của người nhận mail không. Nếu có thì chào thẳng người đó, nếu không thì gửi đến “Bộ phận Nhân sự công ty XXX” (vì đây là bộ phận hay đi tuyển dụng, nhận và lọc hồ sơ) hoặc vị trí cao nhất của phòng ban mình tuyển dụng.

Nhiều người hay dùng “Dear Ms.Hoa…” nhưng các công việc của mình đều thuần tiếng Việt nên mình dùng “Anh A thân mến…” hoặc “Kính gửi Bộ phận Nhân sự công ty XXX” hơn.

Thân thư:

+ Tên bạn và nguồn cơn nguyên cớ vì sao bạn viết mail này, bạn thấy tin tuyển dụng ở đâu, ai giới thiệu...hoặc nếu đã trao đổi trước đó thì “Như đã trao đổi trước đó với anh/chị, em gửi mail này để ứng tuyển vào vị trí abc…”.

+ Tiếp theo, mình xem tuyển dụng là một cuộc trao đổi mà “thuận mua vừa bán”. Nhà tuyển dụng cần người, mình cần việc, đôi bên tôn trọng lẫn nhau ở vị trí cân bằng. (Tâm thế này cực kì quan trọng, mình không “xin” việc của ai hết, mình tôn trọng nhà tuyển dụng và thấy hợp thì ứng tuyển; nhà tuyển dụng tôn trọng mình và thấy hợp thì nhận người thôi). Bởi vậy bản thân mình đáp ứng được người ta cái gì thì nêu ra, chọn ý chính và tóm gọn thôi vì chi tiết thì sau này sẽ rõ hơn.

Cơ sở nào để chọn? Bạn xem trong yêu cầu công việc người ta cần gì, nhấn mạnh ý gì thì mình đưa vào. Thường thì mình chia làm 2 nội dung là năng lực và thái độ lồng ghép trong kinh nghiệm làm việc.

+ Thêm một số điểm về con người mình như: tiêu chí làm việc, ưu/ nhược (điểm mạnh của mình là năng lực học hỏi nên mình luôn đề cập đến, kể cả khi phỏng vấn người ta kêu giới thiệu bản thân thì mình cũng hay lấy tiêu chí này để giới thiệu), mong muốn trong quá trình làm việc …

Kết thư: Chào để kết thúc bằng lời cảm ơn và mong nhận được phản hồi. Cuối cùng đừng quên chữ kí cá nhân. Mình thường để tên kèm số điện thoại, ghi ra luôn để người ta tiện liên hệ hoặc khi lưu hồ sơ thì sao chép luôn, đỡ sợ sai rồi mình mất cơ hội.

Lưu ý là nhớ tách đoạn giữa các phần và các ý nhé, viết liền tù tì ai đọc cũng mệt lắm. Bên cạnh đó thì mình sẽ điều chỉnh văn phong và thông tin trong phần thư này tùy theo yêu cầu công việc và thông tin về nơi ứng tuyển mà mình tìm hiểu được. Điều này cũng cho nhà tuyển dụng thấy mình có tìm hiểu về công ty. Có đầu tư, tâm huyết và thành ý hẳn hoi!

Giữa những ngày tuyển dụng mà nhận được những chiếc mail như này thì như qua một mùa nắng gắt đột nhiên có mưa về mát lành đất trời. Ai cũng thích! Còn nhận được việc hay không là còn tùy có hợp nhau không ở nhiều công đoạn sau. Mình cũng muốn mọi người hiểu được là nếu mình “rớt”, không nhận được việc thì do đôi bên không hợp nhau, là không hợp nhau thôi chứ không phải vì bạn quá yếu kém, quá vô dụng, quá thất bại…”

Với nội dung dày dặn lại được viết “cực có tâm”, bài chia sẻ của cô nàng này đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm đông đảo. Bên cạnh những bình luận cảm ơn về bài đăng, không ít người cũng chia sẻ về những kinh nghiệm tuyển dụng dở khóc dở cười của mình:

Bí quyết viết mail ứng tuyển “bách phát bách trúng” gây bão like, phần bình luận hấp dẫn không kém - 3

Những chia sẻ hài hước về các tình huống dở khóc dở cười từng trải qua của người làm tuyển dụng. 

“À, đây là ứng viên nhà người ta chứ ứng viên nhà tôi thì phong cách lắm. Mail không có tiêu đề, không nội dung, may sao vẫn có file đính kèm. Sau một lúc thì nhận được ngay mail tiếp: “Chị ơi bao giờ em đến phỏng vấn được ạ?””.

“Chuẩn luôn, đây là ứng viên nhà người ta. Nhà mình mail có mỗi tiêu đề không có nội dung, bảo hồ sơ không thông qua, hỏi lý do mình cũng trả lời vì mail không có nội dung, không trình bày hay gửi ai, vậy mà ứng viên bảo: “Ủa tuyển nhân sự hay tuyển người làm tập làm văn".

“Ôi cái ngày ngồi lọc hồ sơ ứng viên không có 1 chữ gì ngoài file đính kèm. Lúc đầu mình nhiệt huyết còn viết mail trả lời lại các bạn ấy kèm hướng dẫn cách gửi mail, xong càng ngày càng nhiều bạn như thế quá mình chán nghỉ làm luôn.”

Hiện bài chia sẻ vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.

7 mẹo tâm lý nhà tuyển dụng hay gài để thử lòng ứng viên
Đây là những chiêu nhà tuyển dụng có thể sử dụng nhằm tìm ra người hoàn hảo nhất.
Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí kíp "sống sót" nơi công sở