Không công ty nào thay thế một nhân viên đang làm tốt công việc và có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Cảm giác sắp bị thay thế có lẽ không thoải mái song hãy coi đó là một cú huých vào động lực và năng suất làm việc của bạn. Đầu tiên hãy xem lại mình liệu đã xứng với những đồng lương được nhận chưa
Khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, nền kinh tế không khỏi bị ảnh hưởng. Việc cắt giảm nhân sự hay giảm lương là tình trạng đang diễn ra ở khá nhiều doanh nghiệp. Có rất nhiều người nói rằng, còn được nhận lương, có công việc mà làm trong mùa dịch này đã là một hạnh phúc.
Công việc chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song bất chợt một ngày, chàng nhân viên công sở trong những dòng tâm sự dưới đây phát hiện công ty đang âm thầm tuyển người thay thế vị trí của mình. Không biết phải cư xử ra sao cho hợp tình hợp lý, anh viết những dòng chia sẻ của mình lên mạng xã hội những mong nhận được lời khuyên hữu ích.
"Bạn cảm nhận và hành xử thế nào khi công ty đang âm thầm tuyển người thay thế bạn?".
Tâm sự của chàng nhân viên công sở khi bỗng phát hiện cấp trên đang tuyển người thay thế mình.
Một chia sẻ ngắn song có lẽ là nỗi niềm của rất nhiều người. Bỗng dưng một ngày phát hiện công ty đang âm thầm tuyển người để thay thế vị trí của mình, nên trực tiếp hỏi cấp trên cho rõ trắng đen hay tự động tìm cho mình một con đường mới? Tâm sự ngay sau khi chia sẻ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo thành viên.
"Chỉ có gia đình mới không thay thế được thành viên, mà công ty thì không phải gia đình bạn ạ. Đầu tiên là phải xem lại mình đã. Bản thân thời gian qua làm việc thế nào rồi sau đó mới tính tiếp chuyện được".
"Mùa dịch thế này mà bỗng dưng bị nghỉ thì cũng khó khăn đấy. Mình nghĩ việc đầu tiên cần làm là xác định lại nguồn tin cấp trên đang tìm người thay thế mình. Thông tin đó bạn nghe được ở đâu, liệu có chính xác không? Đừng để xảy ra tình trạng bản thân hiểu lầm hay nghe đồng nghiệp nào đó đồn thổi mà lại giận dỗi đi tìm việc nơi khác. Nếu chuyện đó là chính xác thì bạn cần tìm hướng đi cho mình, công ty thay thế mình thì mình thay công ty thôi".
Nhiều người có cùng cảnh ngộ với chàng nhân viên công sở này không ngần ngại chia sẻ chính kinh nghiệm của mình.
"Đúng trường hợp của mình hồi tháng 10 năm ngoái nhưng mình chỉ biết chuyện trước khi bị nghỉ 1 tuần cơ. Đó là một cô nàng người quen của sếp cũ mình giới thiệu, lý lịch thấy bảo long lanh lắm. Nhưng chỉ 2 tuần sau khi mình nghỉ, người sếp đó gọi điện mời mình về làm lại vì cô gái kia làm không được việc. Dù đó từng là nơi mình rất thích song tất nhiên mình từ chối thẳng thừng. Quan trọng là mình phải chắc rằng mình luôn làm tốt thì không việc gì phải nghĩ ngợi hết. Ở đâu cũng cần người có năng lực bạn ơi".
Nỗi niềm của chàng nhân viên công sở đã nhận được rất nhiều bình luận của dân mạng.
"Mình cũng từng bị giống như bạn rất nhiều lần. Vị trí của mình ở công ty này đã từng bị thay thế nhiều lần và trong thời gian rất nhanh. Mình còn biết rõ ràng, sếp phỏng vấn rất nhiều người, hồ sơ long lanh hơn mình, cũng có thể kinh nghiệm cũng hơn mình nhưng lại chưa thay thế mình được.
Đó là bởi đơn giản một điều, công việc của mình lặt vặt rất nhiều, mình luôn làm hết sức, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào. Trong công việc, mình làm là làm, rất nghiêm túc, không tranh thủ thời gian làm những việc khác.
Mình nghĩ, quan trọng nhất là bạn cố gắng hết sức mình. Nếu bị sa thải bất chợt, bạn hãy coi như đó là công ty không biết cách giữ lại một người có năng lực như bạn thôi. Vì chúng ta khi đã cố gắng hết mình thì không có gì là hối hận cả. Chúc bạn có lựa chọn sáng suốt nhé!".
Mỗi người một lời khuyên, một lời góp ý, ai cũng có lý của mình song tất cả đều khuyên anh chàng đầu tiên hãy xem xét lại thái độ làm việc của mình. Tất nhiên, không ai muốn một ngày đẹp trời bỗng nhiên phát hiện vị trí của mình đang lung lay khi cấp trên đang nhòm ngó những ứng viên khác. Đó có thể là thông tin do bạn nghe được qua vài bà tám hay thậm chí biết rõ việc sếp đang phỏng vấn ứng viên.
Để có được những bước đi tiếp theo, hãy xác định xem thông tin mình nghe được có chính xác hay không. Về cơ bản, bạn có thể quan sát và cảm nhận khá rõ ràng nếu cấp trên muốn thay thế mình qua những dấu hiệu quan trọng như:
Bị loại khỏi danh sách tham gia việc quan trọng
Dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng hãy thể hiện bản thân một cách tốt nhất, giữ sự chuyên nghiệp trong làm việc.
Bạn có nhớ lần cuối mình tham gia vào một công việc quan trọng của công ty là khi nào không? Thường thì các công ty sẽ dần không sử dụng nhân viên muốn thay thế vào những công việc quan trọng để hạn chế những rắc rối khi đổi người, cần bàn giao công việc.
"Cuộc họp hôm nay em không cần tham gia đâu", "Anh đã tìm đủ người rồi",... Đó có thể là dấu hiệu của việc cấp trên đang dần xoá bỏ sự có mặt của bạn trong các công việc.
Trong tình huống này, không có cách làm nào tốt hơn là gặp trực tiếp cấp trên để làm rõ hơn về nghi vấn. Cố lao vào những cuộc họp đã được thông báo không cần có mặt không giúp bạn ghi thêm điểm gì đâu. Câu trả lời của sếp sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách rõ hơn, hiểu rằng cấp trên đang muốn thay thế mình hay chỉ là do bản thân quá nhạy cảm. Nhớ rằng, dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng hãy thể hiện bản thân một cách tốt nhất, giữ sự chuyên nghiệp trong làm việc.
Giao tiếp và kết nối bị đứt quãng
Bạn từng có mối quan hệ tốt với cấp trên và đồng nghiệp. Không chỉ là trong giờ làm việc mà ngoài giờ bạn và họ cũng rất hay gặp gỡ, trao đổi song giờ đây mọi chuyện bỗng khác đi rất nhiều. Trong trường hợp này, bạn có thể gặp gỡ riêng từng người và hỏi han về tâm tư của họ, kiên nhẫn chia sẻ mối quan tâm, câu chuyện của mình. Điều này sẽ giúp bạn xác định rõ kia có phải là dấu hiệu cảnh báo hay chỉ là chút hiểu nhầm.
Bạn bị phàn nàn, chê trách nhiều
Khi những lời phàn nàn, chê trách từ sếp và đồng nghiệp đến tới tấp, đó có thể là dấu hiệu bạn sắp bị thay thế.
Cấp trên phàn nàn về năng suất làm việc của bạn, đồng nghiệp không hài lòng về phương thức mà bạn đang làm... Những lời phàn nàn đến một cách dồn dập, bạn thấy mọi chuyện rất khác thường và không hiểu sao họ lại làm như vậy. Đây có thể là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn sắp bị thay thế.
Không công ty nào thay thế một nhân viên đang làm tốt công việc và có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Đứng trước mỗi tình huống, hãy có cách suy nghĩ tích cực để nhìn nhận vấn đề. Cảm giác sắp bị thay thế có lẽ không thoải mái song hãy coi đó là một cú huých vào động lực và năng suất làm việc của bạn. Thời gian vừa qua bạn đã làm việc thế nào, hiệu quả ra sao, đóng góp cho công ty được những điều gì? Đừng vô cớ trách móc cấp trên vô tình mà "tiên trách kỷ", đầu tiên hãy xem lại mình liệu đã xứng với những đồng lương được nhận chưa.
Trong trường hợp phải nghỉ việc bạn cũng cần giữ phong độ của mình, làm việc thật tốt những ngày cuối, giữ sự bình tĩnh và chuyên nghiệp của mình, không để lại ấn tượng xấu hay vết xấu trên hồ sơ.