Áp dụng cách tiếp cận mới này vào công việc, bạn sẽ thấy mọi thứ suôn sẻ hơn nhiều và hoàn toàn có thể mở ra cơ hội thăng chức, tăng lương.
Bạn có tin rằng, khoảng cách giữa bạn đến “một nhân viên tốt hơn” có thể bằng 0 nhờ một thay đổi đơn giản? Bạn có thể gây ấn tượng với cấp trên, nhóm của bạn và bất kỳ ai khác mà bạn làm việc cùng. Không những vậy, thay đổi nhỏ này còn khiến bạn trở nên có năng lực, kinh nghiệm và sẵn sàng đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Điều thú vị là bạn hoàn toàn có thể sử dụng cách tiếp cận này mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày.
Chìa khóa ở đây chính là: Bất cứ khi nào bạn trình bày cho ai đó một câu hỏi, một vấn đề hoặc một tình huống khó khăn, hãy đề xuất giải pháp.
Đừng bao giờ đến với tay không. Khi đi dự tiệc sinh nhật, chúng ta sẽ mang theo một món quà hoặc một tấm thiệp. Khi được bạn mời ăn tối, chúng ta sẽ mang theo một chai rượu vang hoặc món ăn tủ nào đó.
Điều tương tự cũng nên áp dụng trong công việc của bạn. Khi bạn tiếp cận sếp của mình với bất kỳ loại câu hỏi nào, bạn nên chuẩn bị ít nhất một cách tiềm năng để giải quyết vấn đề đó. Đó có thể không phải là giải pháp tuyệt vời nhưng chắc chắn sẽ mang lại cho bạn sự tín nhiệm lớn.
Một sự thay đổi nhỏ này sẽ mang lại hiệu quả lớn khiến bạn bất ngờ. Nó giúp giảm bớt gánh nặng mà bạn đang đặt lên vai đối phương trong việc giải quyết vấn đề. Cấp trên của bạn rất bận rộn nên việc tiết kiệm thời gian và công sức cho họ là điều được đánh giá cao.
Khi bạn làm cho công việc của sếp trở nên dễ dàng hơn, bạn cũng sẽ chứng tỏ rằng bạn sẵn sàng nỗ lực và có thể đảm nhận những nhiệm vụ lớn hơn, quan trọng hơn. Câu trả lời của bạn không nhất thiết phải chính xác, quan trọng là có một câu trả lời. Đó là cách bạn nên làm.
Bạn có thể sử dụng kỹ thuật này trong các cuộc họp nhóm, trực tiếp với người quản lý của mình, trong chuỗi email về các dự án đa chức năng hoặc các cuộc thảo luận diễn ra một cách tự phát…
Để hiểu rõ hơn về cách áp dụng vào thực tế, dưới đây là một vài ví dụ:
- Nếu bạn chuyển tiếp một email đề xuất từ freelancer A:
Thay vì: “Bạn nghĩ gì về đề xuất dưới đây của A?”
Hãy thử: “Tôi nhận được đề xuất dưới đây từ A. Tôi nghĩ nó phù hợp với chúng ta vì [lý do], nhưng tôi muốn cô ấy sửa lại một chút, đảm bảo có tính đến [yếu tố bổ sung]…
- Nếu bạn nêu vấn đề của khách hàng với sếp tại cuộc họp:
Thay vì: “[Khách hàng] không hoàn toàn hài lòng với kế hoạch ban đầu mà chúng ta đã gửi, đặc biệt là về tiến trình.”
Hãy thử: “[Khách hàng] không hoàn toàn hài lòng với kế hoạch ban đầu mà chúng ta đã gửi, đặc biệt là về tiến trình. Tôi nghĩ chúng ta có khả năng đẩy nhanh thời hạn cuối cùng nếu rút ngắn quy trình phản hồi. Trước tiên, chúng ta phải đảm bảo thống nhất nội bộ về quy trình thực hiện. Tôi sẵn sàng soạn thảo email hoặc tổ chức một cuộc họp nhanh với các bên liên quan để xem tất cả có đồng ý về sự thay đổi trước khi đề xuất cho khách hàng.”
- Nếu bạn thường xuyên làm việc với một nhóm đa chức năng và quy trình hiện không hiệu quả và bạn cần nói với sếp về điều đó:
Thay vì: “Những dự án này dường như luôn kéo dài thời gian hơn mức cần thiết. Tôi không biết phải làm gì."
Hãy thử: “Tôi không nghĩ rằng quy trình thực hiện các dự án này đang phát huy hiệu quả nhất có thể. Một trong những trở ngại có thể là sự giao tiếp giữa các nhóm. Tôi nghĩ chúng ta có thể thử tổ chức các cuộc họp định kỳ hàng tuần, thậm chí chỉ trong 15 phút, để mọi người có thể cập nhật tình hình trong suốt quá trình và giải quyết mọi trục trặc nhỏ nhanh chóng.”