Dư luận đang dậy sóng xung quanh đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thay đổi tên gọi các chức danh trong lớp học. Theo đó, lớp trưởng sẽ được gọi là Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh, lớp phó được gọi là Phó Chủ tịch Hội đồng tự quản học sinh.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích, “Điều lệ đề cập đến việc thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản là xuất phát từ thực tiễn triển khai mô hình trường học mới nằm trong khuôn khổ dự án Trường tiểu học mới (VNEN)”.
Bất cứ sự thay đổi về giáo dục nào để hướng đến một tương lai tích cực chắc chắn sẽ được ủng hộ. Tuy nhiên, cốt lõi cho sự thay đổi vẫn không nằm ngoài mấy chữ “phù hợp với tình hình thực tế”.
1. Lớp trưởng trong một lớp học, thật ra không có gì là quá ghê gớm, chúng ta từng chứng kiến điều này suốt trong những năm tháng đã trả qua. Chỉ là, lớp trưởng thì được thân mật với giáo viên hơn, lớp trưởng thì gương mẫu hơn, lớp trưởng thì học giỏi hơn. Suốt 16 năm đi học, từ ngày vào lớp 1 cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi luôn có ấn tượng rất tốt về những bạn làm lớp trưởng. Thế nhưng, đó là lúc đã hình thành tư duy.
Nhiều người cho rằng, trẻ làm chủ tịch sẽ sớm trưởng thành hơn
Con trai lớn của tôi đang học lớp Mầm, vừa được lên lớp Chồi trong kỳ học hè này. Thi thoảng, con trai vẫn hay nói với tôi “Lớp con có bạn A. được làm lớp trưởng? Cô chỉ cho bạn A. làm lớp trưởng thôi”. “Lớp trưởng thì có gì lạ hả con”, tôi hỏi. “Lớp trưởng thì được nhìn các bạn chơi”, con trai trả lời.
Con trai lại nói với tôi, “Ba xin cô cho con làm lớp trưởng đi”. Khi con trai nói điều đó, tôi chỉ cười rồi đáp một điều gì cho qua chuyện. Khi ấy, tôi có nghĩ ngợi không? Chắc chắn là có. Nhưng chính tôi cũng không biết phải làm sao. Vì một đứa trẻ như con tôi, luôn thích một sự khác biệt với những đứa trẻ khác.
2. Cách đây vài tuần, tôi có ngồi trò chuyện với Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hữu Tá, một trong những cây đại thụ của nền giáo dục nước nhà.
Câu chuyện xoay quanh chức danh trong lớp học. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hữu Tá có đưa ra đề xuất và cảm quan cá nhân tôi rất đồng ý, đó chính là thay đổi luân phiên học sinh làm lớp trưởng.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hữu Tá thì, “Chọn các em tốt hoặc tương đối tốt, thậm chí những em trung bình một hoặc hai tháng luân phiên làm lớp trưởng một lần. Rồi giáo viên chủ nhiệm giúp đỡ, động viên, kèm cặp, gợi ý, bày vẽ kinh nghiệm thì tự nhiên học trò trở nên già dặn và cứng cáp hơn. Ban đầu thì các em có thể dở, nhưng sau đó sẽ khá. Ban đầu có thể vụng, nhưng sau đó sẽ khéo.
Và như thế thì các em sẽ không có ý thức quyền lực, vì đâu có chuyện làm lãnh đạo suốt năm, không biến thành một thứ đẳng cấp khác. Lớp trưởng khi ấy sẽ hiểu được rằng mình chính là người thay mặt các bạn phụ giúp giáo viên chủ nhiệm quản lý, tổ chức lớp trong một thời gian nhất định, không dài. Mà như thế thì ai cũng thấy vui, ai cũng có điều kiện rèn luyện, học hỏi để tốt lên bởi đều bình đẳng như nhau”.
3. Tôi có đọc đâu đó, ở những nước phương Tây, họ không chấm điểm học sinh tiểu học. Họ sợ những điểm số sẽ khiến các cháu nẩy sinh những cảm giác không nên có trong độ tuổi của các cháu. Đây là một điều rất hay và nhân bản.
Cũng như các bậc làm cha làm mẹ, luôn dạy con phải biết yêu thương và chia sẻ với những đứa trẻ xung quanh vậy.
Thế nên, quan điểm cá nhân của tôi vẫn là không thay đổi tên gọi của các cháu đang làm lớp trưởng hay lớp phó trong lớp học. Vì danh xưng Chủ tịch hay Phó Chủ tịch chắc chắn sẽ tạo thành một rào cản vô hình đối với các cháu sở hữu danh xưng ấy với các bạn khác.
Mà chúng ta là người lớn, chúng ta đã quá đủ kinh nghiệm để hiểu rằng danh xưng tạo nên sự khác biệt về mặt tư duy như thế nào.
Không phải Bác Hồ từng dạy, “Trẻ em như búp trên cành” hay sao? Mà búp nào cũng đáng được chăm sóc, trân trọng và dạy dỗ. Đừng để danh xưng theo sự chủ quan của người lớn khiến búp chủ tịch khác với búp học sinh thường.
Tạo nên bất cứ sự mặc cảm nào cho búp cũng là điều đáng tiếc.