Sự hiểu biết của một người về tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người đó và cuối cùng quyết định số phận. Tiền bạc và thời gian của bạn đi đâu thì cuộc sống của bạn sẽ đi đến đó. Với kế hoạch hợp lý, biết đầu tư đúng chỗ và tiêu tiền đúng nơi, bạn có thể liên tục gặt hái được những bất ngờ và ngày một tăng trưởng.
Tỷ phú Bill Gates từng nói: “Tiêu tiền một cách khôn ngoan cũng khó như kiếm tiền”.
Cùng một lượng tiền nhưng trong tay những người khác nhau sẽ có dòng chảy và giá trị khác nhau. Một số người mù quáng chạy theo xu hướng và quẹt thẻ để chi tiêu tùy hứng. Một số người sẽ cân nhắc nhiều lần trước khi bỏ ra 1 đồng.
Có thể nói, tiền là một tấm gương và cách bạn tiêu tiền phản ánh kiến thức, tầm nhìn và trình độ của chính bạn.
1. Người có nhận thức thấp dễ rơi vào bẫy tiêu dùng
Abhijit, người đoạt giải Nobel Kinh tế, là chuyên gia thế giới về "vấn đề nghèo đói". Trong cuốn sách “Bản chất của nghèo đói”, ông đã kể câu chuyện về Parker tội nghiệp, một nông dân bình thường sống ở Indonesia.
Gia đình Parker rất nghèo, đôi khi anh chỉ có thể ăn 1 bữa trong 2 ngày. Vì sức khỏe không đảm bảo, anh không thể làm việc hay kiếm tiền. Để giảm bớt gánh nặng, các con anh phải nghỉ học đi làm hoặc gửi về ở với ông bà ngoại.
Tuy nhiên, khi Abhijit đến thăm nhà Parker, ông đã bị sốc trước những gì mình nhìn thấy. Trong nhà Parker có TV, đầu DVD và điện thoại di động, trong góc còn có trà và cà phê. Abhijit bối rối hỏi:
“Tại sao anh ta không lấp đầy bụng trước mà khi có tiền mà lại mua những thứ đắt tiền và lãng phí này?”
“Tôi phải có niềm vui cho riêng mình”, Parker nói.
Abhijit khuyên Parker rằng anh nên giữ tiền để lo cho sức khỏe hoặc cho con đi học nhưng Parker không nghe, có chút tiền sẽ dùng để giải trí. Sau này, ông phát hiện ra Parker không phải là trường hợp cá biệt, rất nhiều người dân nghèo đều như vậy.
Abhijit đã đi đến kết luận rằng nguyên nhân của sự nghèo đói thường không phải vì thu nhập mà vì nhận thức thấp. Nhiều người hoàn toàn phi lý khi tiêu dùng. Họ không hiểu mình cần gì nhất và không bao giờ quan tâm đến tỷ lệ hoàn vốn, liên tục rơi vào bẫy tiêu dùng.
Ngày càng có nhiều người coi tận hưởng là kim chỉ nam của mình và đặt việc “chiều chuộng bản thân” lên hàng đầu. Họ theo đuổi thứ gọi là hợp thời, hôm nay vung tiền uống một ly trà sữa đắt đỏ, ngày mai mua chiếc điện thoại di động mới ra. Ngay cả khi tiêu hết tiền và thậm chí là nợ, họ không mang lại bất kỳ giá trị gia tăng nào cho bản thân.
Điều thực sự quyết định khoảng cách giàu nghèo chính là trình độ nhận thức. Càng có ít tiền, bạn càng cần giữ đầu óc tỉnh táo. Hãy trân trọng từng khoản tiền trong tay và cân nhắc kỹ lưỡng tính hiệu quả về mặt chi phí của mỗi khoản chi tiêu. Hãy tiêu tiền vào nơi thực sự xứng đáng, đừng bốc đồng hay mù quáng. Đây là sự tỉnh táo mà một người trưởng thành nên có.
2. Người có tầm nhìn xa biết cách tiêu tiền tiết kiệm
Nhà hoạch định tài chính nổi tiếng David Bach từng nói: “Vấn đề về tiền bạc thường không phải là bạn có quá ít thu nhập mà là bạn có quá nhiều chi phí”.
Khi một người không có tiền, thường là do tầm nhìn của người đó quá hẹp và thiếu kế hoạch chi tiêu dài hạn. Chỉ khi biết chuẩn bị cho một ngày mưa và buộc mình phải tiết kiệm, bạn mới có thể dễ dàng đương đầu với nhiều khó khăn khác nhau.
Nhà kinh tế học Nhật Bản Masato Noguchi từng đề xuất lý thuyết "3 chiếc ví". Ông tin rằng mọi người đều có 3 chiếc ví được sử dụng để tiêu dùng, đầu tư và đầu cơ.
Tiêu dùng là việc tiêu tiền nhằm thỏa mãn ham muốn hưởng thụ của cá nhân.
Đầu cơ nghĩa là tiêu tiền để kiếm vận may, như mua vé số, sưu tầm tác phẩm nghệ thuật…
Đầu tư là trả trước một phần chi phí và sau đó nhận được lợi nhuận lâu dài, chẳng hạn như chi tiền để cải thiện bản thân và giáo dục cho trẻ.
Những bậc thầy thực sự có tầm nhìn xa và sử dụng kết hợp ba chiếc ví. Nguyên tắc tiêu tiền tốt nhất là “đầu cơ ít hơn, đầu tư nhiều hơn và tiêu dùng hợp lý”. Hãy tiết kiệm vào những thứ xa hoa và vô ích nếu có thể; chi tiền vào những thứ làm giàu cho bản thân. Khi đồng tiền được đưa vào nơi thực sự giá trị, bạn sẽ có thể thu hoạch trái ngọt sau này.
3. Những người khôn ngoan sẽ tiêu tiền đúng chỗ
Cách một người tiêu tiền quyết định phần nào tầm cao mà người đó có thể đạt tới trong tương lai.
Có thể chia đơn giản thành 3 cấp độ theo cách chúng ta tiêu tiền.
Những người ở phía dưới tam giác tiêu tiền một cách ngẫu nhiên và mua bất cứ thứ gì họ nghĩ đến. Họ chỉ theo đuổi hạnh phúc ngắn hạn mà không có bất kỳ khoản dự trữ nào cho tương lai.
Những người ở cấp độ thứ hai có thể tiết kiệm tiền và thắt chặt túi tiền. Dù có thể đảm bảo cuộc sống của mình nhưng họ lại bỏ lỡ nhiều trải nghiệm hơn và chưa bao giờ thực sự sống cho hiện tại.
Những người ở cấp độ thứ ba biết cách tiêu tiền và có thể chi tiêu vào nơi thực sự có giá trị. Họ để tiền sinh ra tiền, không ngừng gia tăng giá trị cho bản thân và có cuộc sống phong phú và sung túc.
Những gì chúng ta phải làm là làm cho dòng tiền chảy ra có giá trị hơn và tiết kiệm chi phí hơn:
Chi tiền cho sức khỏe
Bạn đã bao giờ để ý đến những “bẫy sức khỏe” xung quanh mình chưa? Nhiều người chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền mà không quan tâm đến tình trạng thể chất của mình, đến khi vấn đề nhỏ trở thành vấn đề lớn mới giải quyết. Chỉ một lần đi viện, tất cả số tiền họ tiết kiệm được có thể về con số 0.
Tiền chi cho sức khoẻ sớm gọi là đầu tư, chi muộn là tiêu dùng. Khi nói đến việc chăm sóc cơ thể, đừng bao giờ keo kiệt. Hãy lập cho mình một khoản mục sức khỏe và thường xuyên gửi tiền vào đó dành cho các hoạt động như tập luyện, khám sức khỏe, điều trị y tế...
Chi tiền vào các mối quan hệ
Có một câu nói rất hay rằng: “Một người có thể đi rất nhanh, nhưng chỉ khi có sự giúp đỡ thì người đó mới có thể đi xa hơn”.
Tiền là thứ có cánh, chỉ khi buông bỏ nó bạn mới có thể mang về nhiều hơn. Khi bạn thịnh vượng, hãy chia sẻ một miếng bánh; khi người khác gặp khó khăn, hãy giúp đỡ họ. Những người khác cũng sẽ ghi nhớ lòng tốt của bạn và trao cho bạn phần thưởng gấp đôi vào một ngày nào đó trong tương lai. Số tiền bạn chi cho các mối quan hệ ngày hôm nay sẽ trở thành nấc thang giúp bạn thăng tiến trong tương lai.
Chi tiền cho tăng trưởng
Ông trùng giáo dục Trung Quốc Yu Minhong từng nói: “Thà có giá trị còn hơn có tiền”. Khả năng kiếm tiền từ đầu tư quan trọng hơn việc tiết kiệm 1 triệu.
Trong thời đại thay đổi nhanh chóng này, những kỹ năng đặc biệt hiện tại của bạn có thể trở nên vô giá trị sau một vài năm. Muốn không bị thải loại, bạn phải phát triển khả năng của mình. Chỉ bằng cách trau dồi bản thân sâu sắc, không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ năng thì giá trị và thu nhập của bạn mới tăng lên.