Bóng đá, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một trò chơi, nhưng nó là một trò chơi thu hút đám đông, nên nó có thể cân bằng tâm thế xã hội, có thể giải tỏa tâm lý...
Nếu tính từ cái thời cụ Nguyễn Công Hoan viết cái truyện ngắn về quan trên tư giấy cho các lý trưởng yêu cầu bắt dân đi xem bóng đá “có nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ” thì đến giờ dân ta xem bóng đá đã khác đi rất nhiều.
Từ bị bắt buộc tới tự giác, từ "trốn như trạch" đến rùng rùng đam mê, xếp hàng cả ngày dưới cái lạnh cắt da chi cả tháng lương để mua cặp vé vào xem đội tuyển đá.
Từ bị bắt buộc tới tự giác, từ trốn như trạch đến rùng rùng đam mê, xếp hàng cả ngày dưới cái lạnh cắt da, chi cả tháng lương để mua cặp vé vào xem đội tuyển đá. Từ “Lạy ông tha cho con, vợ con ốm không có ai trông” đến “Xin các ông liên đoàn bán thêm vé cho dân tôi nhờ, chúng tôi xếp hàng cả ngày mà chưa biết lúc nào mới có vé”… Mà không chỉ đội tuyển, U21, U19 đá hay dân ta cũng “cân” hết…
Công Vinh và đồng đội đã thua đậm trước Malaysia - Ảnh: Tuấn Hữu
Tức là nếu điểm các dân tộc yêu bóng đá một cách cuồng nhiệt ở thời điểm bây giờ, chắc chắn phải có Việt Nam.
Nhưng cũng như mọi tín đồ bóng đá chân chính, chúng ta yêu bóng đá đẹp, bóng đá hết mình, bóng đá cống hiến…
Muốn được như thế, có lẽ phải cần một cái nền bền vững, chứ không thể ăn may.
Bóng đá của chúng ta có vẻ ăn may nhiều quá.
Nó làm cho người hâm mộ cũng phải như “lên đồng”. Nhưng như thế mới đáng yêu. Cảm xúc nó chính là sự trồi sụt của nhịp đập trái tim. Trái tim người hâm mộ có lúc tan nát, có lúc thăng hoa…
Hôm qua trái tim người hâm mộ tan nát. Kể cả những người chả biết gì bóng đá, các bà vợ chân chỉ, các gã đàn ông không biết quả bóng mấy múi, một hiệp bao nhiêu phút… hôm qua đều ngồi trước màn hình (số ngồi trước màn hình đông gấp nghìn lần số ngồi trên sân) chờ đợi một chiến thắng vang dội của đội tuyển Việt Nam. Có lẽ không một ai mảy may Việt Nam sẽ thua, có bi quan đến mấy cũng chỉ nghĩ đến một kết quả hòa. Mà hòa thì nhiều người đã thấy đau đớn rồi, hòa ở sân nhà tức là thua, dù hòa mình vẫn đi tiếp…
Thế mà thua, thua tan nát, thua muối mặt.
Chúng ta đã không chuẩn bị tâm thế để đón một trận thua như thế. Tràn ngập trên facebook là các loại tâm trạng từ buồn tủi đến phẫn uất.
CĐV tiếc nuối (Ảnh: Khám Phá)
Nhưng, trong bóng đá thắng thua là chuyện bình thường. 2 đội chắc chắn phải có đội về nhì. Chúng ta đã đặt quá nhiều niềm tin vào đội tuyển, vào sự đương nhiên phải thắng, mà quên rằng, đối phương cũng thế. Và rõ ràng là đối phương đã chuẩn bị tốt hơn chúng ta, có một chiến lược bóng đá chuẩn hơn chúng ta, để rồi lần lượt, ngay trong vùng trũng bóng đá Đông Nam Á, các đối thủ của chúng ta lần lượt vượt qua chúng ta, vượt một cách ngang nhiên và ngoạn mục, như cái cách người Mã Lai vượt chúng ta tối qua...
Ngoài sự tự tin mỏng manh có phần ngây thơ của mỗi người chúng ta, chúng ta còn bị truyền thông huyễn hoặc. Cũng họ, khi cần thì cho bóng đá “lên bờ xuống ruộng”, khi cần thì “thổi lên mây xanh”. Cầu thủ lạc lối đã đành, người xem cũng lạc luôn.
Tất nhiên bóng đá, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một trò chơi, nhưng nó là một trò chơi thu hút đám đông, nên nó có thể cân bằng tâm thế xã hội, có thể giải tỏa tâm lý, như một cái van xả để tạo sự bình ổn...
Và yêu bóng đá, nó đã ngấm vào máu rồi. Nên thất vọng đấy, buồn bã đấy, bực tức đấy… nhưng rồi sẽ lại nguôi ngoai, lại sẽ chờ đợi, lại hy vọng… Nhưng bóng đá không thể là tự phát và ngẫu hứng, nó phải được hoạch định một cách công phu và khoa học, không vụ lợi. Có vẻ như, bây giờ, người ăn theo bóng đá nhiều hơn lo cho bóng đá…
Trong rất nhiều bình luận về trận tối qua trên mạng, có câu làm tôi tủm tỉm cười mãi: chúng ta đã đạt được 2 mục tiêu lớn: Một là tiễn Mã Lai về nước, và 2 là tránh được Thái Lan ở trận chung kết…